spot_img
24.8 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánChỉ khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia...

Chỉ khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD?

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam trị giá 67 tỷ USD mở ra cơ hội lớn cho ngành xây dựng Việt Nam, nhưng cũng đặt ra thách thức chưa từng có. Theo chuyên gia, chỉ khoảng 20 doanh nghiệp trong nước đủ điều kiện kỹ thuật, công nghệ và tài chính để tham gia.

Tại tọa đàm “Đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam: Cơ hội để kinh tế tư nhân bứt phá trong kỷ nguyên mới” do Báo Nông thôn Ngày nay và Dân Việt tổ chức, ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam nhận định, chỉ khoảng 20 doanh nghiệp trong nước có thể đáp ứng tương đối đầy đủ các yêu cầu về kỹ thuật, công nghệ và tài chính để tham gia vào đại dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam trị giá 67 tỷ USD.

Chỉ khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD?
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam

Đây là dự án chưa từng có tiền lệ trong lịch sử ngành xây dựng Việt Nam, là bước ngoặt không chỉ đối với ngành đường sắt mà còn mở ra cơ hội lớn cho lĩnh vực hạ tầng.

Xét về mặt kỹ thuật, dự án chia thành 2 nhóm chính: phần thiết bị kỹ thuật (tín hiệu, điều hành, điều khiển vận hành) và phần hạ tầng (nền đường, cầu hầm, kết cấu bê tông). Các nhà thầu Việt đã có kinh nghiệm thi công hạ tầng, nhưng phần lớn mới dừng lại ở các công trình có vận tốc tối đa 100km/h. Khi chuyển sang đường sắt tốc độ cao 300km/h, mọi yếu tố kỹ thuật từ bê tông, kết cấu chịu lực đến dao động cộng hưởng đều cần được thiết kế lại.

Chẳng hạn, chỉ riêng thanh ray theo tiêu chuẩn Trung Quốc đã dài 70 – 120m, nặng 6 tấn. Việc lắp đặt đòi hỏi thiết bị cẩu chuyên dụng, kỹ thuật hàn liền và mài nhẵn chính xác tuyệt đối để đảm bảo vận hành êm và an toàn, điều vẫn còn xa lạ với phần lớn nhà thầu trong nước.

Dù vậy, ông Hiệp ghi nhận sự trưởng thành vượt bậc của doanh nghiệp tư nhân trong 20 năm qua, đặc biệt sau quá trình cổ phần hóa ngành xây dựng và đường sắt.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay vẫn là năng lực tài chính và quy mô tổ chức. Để vượt qua, theo ông Hiệp, cần hình thành các liên minh nhà thầu từ lớn đến nhỏ để xây dựng một hệ sinh thái đủ sức tham gia trọn vẹn chuỗi cung ứng.

“Chúng ta chỉ còn khoảng 18 tháng để lựa chọn công nghệ, học công nghệ và chuẩn hóa tiêu chuẩn. Nếu không sẵn sàng, đường sắt tốc độ cao có thể trở thành thách thức thế kỷ” – ông Hiệp cảnh báo.

Doanh nghiệp tư nhân đã “nuôi chí lớn”

Ông Hồ Đức An – Giám đốc Kỹ thuật FECON (HoSE: FCN) cho biết doanh nghiệp này đã bắt đầu chuẩn bị từ hơn một thập kỷ trước, khi các tuyến metro đô thị được khởi động. FECON không chờ cơ hội tới mà chủ động thành lập công ty thành viên chuyên trách mảng hạ tầng đường sắt, đồng thời xây dựng chiến lược đào tạo bài bản, hợp tác với chuyên gia đến từ Pháp, Đức, Nhật, Hàn, Trung Quốc và cử kỹ sư Việt tham gia thực địa tại các công trình quốc tế.

Tuy nhiên, ông An thừa nhận quy mô dự án đường sắt Bắc – Nam đặt ra yêu cầu rất cao về năng lực tổ chức, khả năng phối hợp chuỗi cung ứng liên vùng và công nghệ thi công hiện đại.

Lãnh đạo FECON cho rằng doanh nghiệp Việt nam có thể đảm đương 70% – 80% khối lượng xây dựng của đường sắt tốc độ cao từ nền đường, kết cấu cầu, hầm đến các nhà ga.

Chỉ khoảng 20 doanh nghiệp Việt Nam đủ điều kiện tham gia dự án đường sắt tốc độ cao 67 tỷ USD?
Ông Hồ Đức An – Giám đốc Kỹ thuật FECON

Ông Trần Thiện Cảnh – Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam (Bộ Xây dựng) đồng quan điểm khi cho rằng riêng mảng xây dựng từ mặt đất trở xuống, doanh nghiệp Việt Nam có thể tự chủ tới 80% – 90% nhờ tích lũy từ các công trình lớn như cao tốc Bắc – Nam và sân bay Long Thành.

Tuy nhiên, đường sắt tốc độ cao đòi hỏi chuyển đổi toàn diện về công nghệ, quản trị dự án và tiêu chuẩn thi công. Một điểm sáng đáng chú ý là sự vào cuộc của VNPT và Viettel – hai tập đoàn công nghệ trong nước trong việc nghiên cứu hệ thống điều hành, tín hiệu và điện lực. Dù hiện tại khoảng 60% – 70% linh kiện đầu vào vẫn phải nhập khẩu, nhưng lộ trình nội địa hóa đang dần được hình thành.

Ở mảng kết cấu, các doanh nghiệp như Hòa Phát đã đầu tư sản xuất thép cường độ cao phục vụ công trình cầu, hầm. Các nhà thầu lớn như Vinaconex, Cienco, FECON… cũng tích cực học hỏi công nghệ quốc tế để chủ động tiếp nhận các gói thầu kỹ thuật cao.

Bộ Xây dựng đang phối hợp cùng Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng đề án phân vai, lập lộ trình nội địa hóa, đảm bảo vai trò rõ ràng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước trong ngành đường sắt tốc độ cao.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật