Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố sẵn sàng thảo luận với các đồng minh châu Âu về khả năng triển khai vũ khí hạt nhân của Pháp trên lãnh thổ các nước này, nhằm tăng cường năng lực phòng thủ trước mối đe dọa từ Nga.
Phát biểu trong cuộc phỏng vấn với đài TF1 hôm thứ Ba (13/5), ông Macron cho biết đang đàm phán với Đức, Ba Lan và một số quốc gia châu Âu khác để đánh giá khả năng mở rộng năng lực răn đe hạt nhân của Pháp trên toàn lục địa.

Động thái này được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể giảm cam kết quân sự của Washington tại châu Âu, buộc các nước trong khu vực phải chủ động hơn trong việc đảm bảo an ninh.
“Tôi sẽ xác định khuôn khổ chính thức cho các cuộc đàm phán này trong vài tuần hoặc vài tháng tới. Tuy nhiên, chúng tôi đã khởi động tiến trình với những điều khoản ban đầu mà tôi vừa đề cập”, ông Macron nói.
Ông Macron đưa ra ba điều kiện để mở rộng lá chắn hạt nhân của Pháp cho các đồng minh châu Âu. Thứ nhất, Paris sẽ không tài trợ cho an ninh của các quốc gia khác. Thứ hai, bất kỳ hoạt động triển khai vũ khí hạt nhân nào cũng không được làm suy giảm năng lực phòng thủ của chính nước Pháp. Và cuối cùng, quyền quyết định sử dụng vũ khí hạt nhân vẫn sẽ do Tổng thống Pháp nắm giữ.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã đóng vai trò là người bảo trợ an ninh tối thượng cho châu Âu, phần lớn nhờ việc bố trí vũ khí hạt nhân và máy bay chiến đấu tại các căn cứ quân sự trên khắp lục địa này. Theo cơ chế chia sẻ hạt nhân trong khuôn khổ NATO, bom hạt nhân do Mỹ kiểm soát nhưng được thiết kế để triển khai bằng các máy bay phản lực của Bỉ, Đức, Hy Lạp, Ý, Hà Lan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, sự thiếu chắc chắn từ phía Washington, đặc biệt là trước các phát ngôn mang tính hoài nghi NATO của Tổng thống Mỹ Donald Trump, đã làm dấy lên lo ngại trong nội bộ châu Âu. Cùng lúc, mối đe dọa lâu dài từ Nga, đặc biệt sau cuộc chiến tại Ukraine, khiến các nước châu Âu ngày càng lo ngại về khả năng tự vệ của chính họ.
“Thời điểm hiện tại là hồi chuông thức tỉnh về địa chính trị đối với châu Âu”, ông Macron nhận định. Ông nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu vốn được hình thành để gìn giữ hòa bình và thúc đẩy hợp tác kinh tế, nhưng nay “cuộc chơi đã xoay quanh vấn đề quyền lực”.
Dù phần lớn các nước châu Âu không mong muốn Mỹ rút lui khỏi các cam kết an ninh hạt nhân, mối lo ngại gia tăng đến mức hai nhà lãnh đạo có quan điểm thân phương Tây mạnh mẽ — Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk — gần đây đã lên tiếng ủng hộ việc chuẩn bị cho kịch bản này.
Kho vũ khí hạt nhân của Pháp nhỏ hơn đáng kể so với của Mỹ, khiến nước này khó có thể cung cấp một mức độ bảo vệ tương đương cho toàn châu Âu. Trong nhiều thập kỷ, Pháp vẫn khẳng định rằng các “lợi ích sống còn” có thể biện minh cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân, với phạm vi áp dụng được hiểu là “châu Âu”. Tuy nhiên, Paris chưa bao giờ định nghĩa cụ thể thuật ngữ này, nhằm giữ cho các lựa chọn của tổng thống luôn linh hoạt và duy trì yếu tố bất định — một trong những trụ cột của chiến lược răn đe hạt nhân.
Với Tổng thống Macron, việc đàm phán về khả năng mở rộng lá chắn hạt nhân là một vấn đề nhạy cảm. Vũ khí hạt nhân không chỉ là công cụ phòng thủ, mà còn gắn liền với tầm nhìn chiến lược về chủ quyền và vị thế toàn cầu của Pháp. Một quan chức Pháp tiết lộ đầu tháng này rằng, dù các cuộc thảo luận vẫn đang tiếp diễn, việc sửa đổi học thuyết hạt nhân của Pháp là điều khó xảy ra. Tuy nhiên, Paris có thể áp dụng các biện pháp khác nhằm gửi thông điệp cứng rắn đến các đối thủ tiềm tàng.
Trong khi đó, các nước châu Âu vẫn thận trọng, không muốn bất kỳ hành động nào làm suy yếu mối quan hệ quốc phòng then chốt với Washington. Trong chuyến thăm Paris vào tuần trước, Thủ tướng Đức Friedrich Merz và Tổng thống Macron đã nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc thảo luận nào về vai trò hạt nhân của Pháp đều mang tính bổ sung, không thay thế, cho khuôn khổ bảo đảm an ninh hiện có của NATO do Mỹ dẫn đầu.
Tham khảo Financial Times (FT)