spot_img
25.4 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánViệt Nam và Mỹ tái khởi động đàm phán sửa đổi Hiệp...

Việt Nam và Mỹ tái khởi động đàm phán sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần

Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ được ký từ năm 2015 nhưng vẫn “tắc” hiệu lực – vừa được tái khởi động đàm phán sửa đổi. Đây được kỳ vọng là cú hích pháp lý cho các dòng vốn đầu tư giữa 2 nền kinh tế.

Chiều ngày 13/5 theo giờ địa phương, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Mỹ và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Đầu tư vào Mỹ năm 2025 (2025 SelectUSA Investment Summit), ông Đặng Ngọc Minh – Phó Cục trưởng Cục Thuế – cùng một số thành viên Đoàn công tác của Bộ Tài chính đã có buổi làm việc với Phó Trợ lý Bộ trưởng Tài chính Mỹ Rebecca Burch về một số nội dung, trong đó có Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần.

Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần giữa Việt Nam và Mỹ được ký ngày 7/7/2015 tại Washington.

Sau khi ký, Việt Nam đã hoàn tất các thủ tục phê duyệt hiệu lực của Hiệp định theo quy định của Luật Điều ước quốc tế năm 2016. Tuy nhiên, từ năm 2017, sau cải cách lớn về chính sách thuế tại Mỹ, nước này vẫn chưa thông qua nên đến nay Hiệp định vẫn chưa có hiệu lực.

Việt Nam và Mỹ tái khởi động đàm phán sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần
Phó Cục trưởng Cục Thuế Đặng Ngọc Minh cùng các thành viên Đoàn công tác của Bộ Tài chính tại buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN)

Ngoài ra, do hiện nay các nước đang đàm phán về Trụ cột 1 và Trụ cột 2 trong khuôn khổ sáng kiến cải cách thuế toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD)/Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) nhằm chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS) của các công ty đa quốc gia, phía Mỹ đã đề nghị các nước đã ký hiệp định với mình tiến hành sửa đổi, bổ sung các nội dung trong hiệp định, trong đó có Việt Nam.

Tại buổi trao đổi, phái đoàn 2 nước đã làm rõ quan điểm, lập trường đối với dự thảo Nghị định thư do phía Mỹ đề xuất, để từ đó các cơ quan liên quan của 2 nước tiếp tục rà soát và sửa đổi trước khi trình các cấp có thẩm quyền. Việc thông qua hiệp định thuế giữa Việt Nam và Mỹ sẽ tạo khuôn khổ pháp lý nhằm khuyến khích và bảo hộ các doanh nghiệp 2 nước khi tiến hành hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư tại nước kia.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, lũy kế đến ngày 30/4/2025, Mỹ hiện có 1.447 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 11,94 tỷ USD, đứng thứ 10 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư vào Việt Nam.

Các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư vào 18/21 ngành trong hệ thống phân ngành kinh tế quốc dân, trong đó tập trung nhiều nhất vào các ngành: Dịch vụ lưu trú và ẩm thực; công nghiệp chế biến, chế tạo; cấp nước và xử lý chất thải; kinh doanh bất động sản; vận tải – kho bãi…

Trong khi đó, Việt Nam có 252 dự án đầu tư tại Mỹ với tổng vốn đầu tư 1,36 tỷ USD. Các dự án này tập trung nhiều vào các ngành: Hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ; bất động sản; công nghiệp chế biến, chế tạo.

Không chỉ đầu tư vào Mỹ, những năm qua, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn của Việt Nam còn nhập khẩu rất nhiều sản phẩm từ Mỹ như: Máy bay, máy móc, trang thiết bị, turbine cho nhà máy điện khí, hệ thống truyền tải điện, chip GPU, nguyên liệu và nhiên liệu, trị giá lên tới nhiều tỷ USD.

Giữa tháng 3, trong khuôn khổ chuyến công tác của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên – đặc phái viên của Thủ tướng tại Washington, nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế – thương mại giữa PV GAS, PV Power, Petrolimex, BSR, Masan… và các doanh nghiệp Mỹ đã được ký kết. Đây là những hợp tác quan trọng với tổng giá trị 4,15 tỷ USD, nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư song phương, theo Bộ Công Thương.

Việt Nam và Mỹ tái khởi động đàm phán sửa đổi Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần
Lãnh đạo PV GAS trao đổi văn kiện với đại diện Excelerate Energy (Ảnh: Báo Chính phủ)

Trước đó, hai bên cũng đã ký các hợp đồng khác trị giá 50,15 tỷ USD, tập trung vào mua sắm máy bay, dịch vụ hàng không, khai thác dầu khí, nhập khẩu các sản phẩm lọc hóa dầu. Các bên cũng đang đàm phán và dự kiến sẽ ký kết trong thời gian tới các hợp đồng, thỏa thuận trị giá khoảng 36 tỷ USD. Như vậy, tổng giá trị các thỏa thuận kinh tế – thương mại ký kết giữa các doanh nghiệp 2 nước, dự kiến triển khai từ năm 2025, vào khoảng 90,3 tỷ USD.

Mới đây, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên – Trưởng đoàn đàm phán Chính phủ – đã làm việc với nhiều doanh nghiệp lớn như PVN, Petrolimex, EVN, TKV, Vietnam Airlines, Vietjet, Thaco Industry, Viettel, VNPT… nhằm thúc đẩy các thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Tại cuộc họp, đại diện các tập đoàn cho biết từ nay tới tháng 6, họ sẽ tăng cường gặp gỡ, làm việc với các đối tác Mỹ để hiện thực hóa các thỏa thuận và biên bản ghi nhớ đã ký kết.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật