Năm 2024, Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) ghi nhận kết quả kinh doanh có lãi với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 7.958 tỉ đồng. Các chỉ tiêu tài chính được cải thiện đáng kể, mạng bay trong nước và quốc tế cơ bản phục hồi với sản lượng khai thác tương đương với năm 2019. Đây là bước đệm quan trọng để hãng triển khai loạt giải pháp đồng bộ nhằm chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.
Để hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Vietnam Airlines đồng thời thực hiện nhiều nhóm giải pháp, trong đó hai trụ cột quan trọng là tái cơ cấu nguồn vốn và đội bay nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh.

Năm 2024, Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN) ghi nhận kết quả kinh doanh có lãi với lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 7.958 tỉ đồng
Đồng bộ giải pháp để tăng trưởng bền vững
Vietnam Airlines đang chuẩn bị tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường để thông qua các nội dung chiến lược cho giai đoạn 2026 đến 2030. Giai đoạn này được xác định là thời kỳ phục hồi sâu rộng và phát triển ổn định hơn trước.
Bên cạnh kết quả kinh doanh tích cực, hãng còn ghi nhận sự cải thiện đáng kể trong cấu trúc tài chính nhờ triển khai các biện pháp bổ sung dòng tiền, thoái vốn tại một số công ty con và tái cơ cấu tài sản đội bay. Đặc biệt, gói giải pháp tài chính quy mô 22.000 tỷ đồng được Quốc hội thông qua cuối năm 2024 sẽ được triển khai theo hai giai đoạn chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn điều lệ.
Giai đoạn đầu trị giá 9.000 tỷ đồng dự kiến thực hiện ngay trong năm 2025, với phần quyền mua cổ phần từ cổ đông Nhà nước được chuyển giao cho Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Giai đoạn hai với quy mô tối đa 13.000 tỷ đồng dự kiến triển khai trong năm 2026.
Nguồn vốn bổ sung từ hai đợt phát hành sẽ giúp Vietnam Airlines xử lý dứt điểm các nghĩa vụ tài chính tồn đọng, phục hồi năng lực tài chính và tạo điều kiện triển khai các dự án đầu tư trọng điểm như mở rộng hạ tầng khai thác tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành và đầu tư đội tàu bay thân hẹp mới.
Theo kế hoạch, nếu tiến độ thực hiện đúng như dự kiến và kết quả sản xuất kinh doanh tiếp tục duy trì tích cực, quy mô vốn chủ sở hữu của công ty mẹ Vietnam Airlines sẽ trở lại mức dương ngay trong năm 2025. Hệ số khả năng thanh toán tổng quát dự kiến đạt 1,05 lần và tỉ suất lợi nhuận trên doanh thu (ROS) ước đạt 1,4%.
Việc kết hợp các giải pháp nội lực với chính sách hỗ trợ đúng thời điểm từ Nhà nước được xem là yếu tố quyết định để hãng hiện thực hóa mục tiêu phục hồi bền vững.
Cuộc đua mua sắm máy bay cực kỳ quyết liệt
Theo các dự báo của Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), khu vực châu Á Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, tiếp tục là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Tốc độ tăng trưởng trung bình của thị trường hàng không Việt Nam được ước tính ở mức 5-6% mỗi năm, đưa tổng quy mô lên khoảng 150 triệu lượt khách vào năm 2035, gần gấp đôi so với năm 2019.
Để đón đầu xu thế này, Vietnam Airlines đang xúc tiến dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp. Dự án này thực chất đã được nghiên cứu và báo cáo từ giai đoạn 2018 đến 2020, nhưng sau đó điều chỉnh tiến độ do ảnh hưởng đại dịch. Đến tháng 4 năm 2025, Chính phủ đã đồng ý chủ trương đầu tư theo hướng không cấp bảo lãnh Nhà nước và giao doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm toàn diện về tài chính.
Vietnam Airlines hiện đang làm việc với hai nhà sản xuất lớn là Airbus và Boeing để lựa chọn giữa dòng A320/A321 NEO và B737 MAX. Nếu tiến độ thuận lợi, những chiếc máy bay đầu tiên có thể được bàn giao từ cuối năm 2028.
Tổng mức đầu tư cho chương trình này ước tính khoảng 3,7 tỉ đô la Mỹ, với phương án huy động vốn kết hợp giữa vốn chủ sở hữu và các khoản vay tín dụng thương mại hoặc tín dụng xuất khẩu. Kế hoạch này sẽ giúp nâng quy mô đội bay của hãng lên khoảng 137 máy bay vào năm 2030, đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh trong dài hạn.
Bên cạnh đó, hãng cũng đang mở rộng hợp tác tài chính với các định chế lớn. Vietnam Airlines đã ký kết biên bản ghi nhớ với Vietcombank về thu xếp vốn dài hạn cho dự án đầu tư máy bay. Ngoài ra, một biên bản ghi nhớ khác với Citi – tổ chức tài chính hàng đầu của Mỹ – cũng vừa được ký kết, cam kết tài trợ tối thiểu 560 triệu đô la Mỹ cho các dự án chiến lược của hãng.

Vietnam Airlines đang bước vào giai đoạn phát triển mới với định hướng rõ ràng và cách tiếp cận thận trọng nhưng quyết đoán
Sẵn sàng cho chặng đường tăng trưởng mới
Vietnam Airlines đang bước vào giai đoạn phát triển mới với định hướng rõ ràng và cách tiếp cận thận trọng nhưng quyết đoán. Hãng đặt mục tiêu xóa lỗ lũy kế vào năm 2032 và đến năm 2027 có thể tự lực phát triển mà không phụ thuộc vào nguồn lực hỗ trợ.
Chiến lược “bỏ thóc vào đúng giỏ” thể hiện sự tập trung vào các lĩnh vực cốt lõi, thay vì dàn trải nguồn lực. Trong bối cảnh thị trường hàng không đang tái cấu trúc mạnh mẽ, việc chủ động củng cố tài chính, đầu tư đội bay và tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế là yếu tố giúp Hãng hàng không quốc gia Việt Nam duy trì vị thế trong nước và nâng cao năng lực cạnh tranh ở quy mô toàn cầu.