spot_img
25.2 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếDu khách biến mất, sân bay vắng hoe: Chuyện gì xảy ra...

Du khách biến mất, sân bay vắng hoe: Chuyện gì xảy ra ở siêu cường số 1 thế giới?

Các chuyên gia cảnh báo nếu không có sự thay đổi trong chính sách và cách tiếp cận, Mỹ có thể bị tụt lại phía sau trong cuộc đua giành thị phần du lịch toàn cầu, kéo theo tổn thất hàng chục tỷ USD.

Ngành du lịch Mỹ đang đối mặt với một năm ảm đạm khi lượng khách quốc tế giảm mạnh, kéo theo thiệt hại lớn về doanh thu. Theo báo cáo mới từ Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC), Mỹ dự kiến sẽ mất khoảng 12,5 tỷ USD doanh thu từ du lịch vào năm 2025, với tổng chi tiêu của du khách giảm xuống dưới 169 tỷ USD — mức thấp hơn khoảng 7% so với năm trước và giảm tới 22% so với thời điểm đỉnh cao năm 2019.

Báo cáo cho biết Mỹ là nền kinh tế duy nhất trong số 184 quốc gia được WTTC và Oxford Economics phân tích có khả năng sụt giảm doanh thu du lịch trong năm nay. “Trong khi các quốc gia khác trải thảm đỏ đón khách, Mỹ dường như đang treo biển ‘đã đóng cửa’ trước cửa,” bà Julia Simpson, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc điều hành WTTC, nhận định.

Bà Simpson cảnh báo hậu quả có thể rất nghiêm trọng, bởi ngành du lịch và lữ hành Mỹ là ngành lớn nhất toàn cầu tính theo giá trị, đóng góp gần 2.600 tỷ USD. Bà cho biết, du lịch trực tiếp và gián tiếp chiếm khoảng 9% GDP quốc gia.

Du khách biến mất, sân bay vắng hoe: Chuyện gì xảy ra ở siêu cường số 1 thế giới? - ảnh 1
Quang cảnh bên trong Nhà ga số 1 tại sân bay JFK ở New York, Mỹ

Chi tiêu của du khách là yếu tố trực tiếp trong nền kinh tế du lịch, trong khi các tác động gián tiếp bao gồm các khoản chi tiêu lan tỏa trong lĩnh vực dịch vụ như lưu trú và ăn uống.

Ngành này hiện sử dụng khoảng 20 triệu lao động và đóng góp 585 tỷ USD tiền thuế mỗi năm, tương đương 7% tổng thu ngân sách liên bang. “Đây là một trong những trụ cột chính của kinh tế Mỹ,” bà Simpson nhấn mạnh.

Khủng hoảng trong ngành du lịch Mỹ đã âm ỉ nhiều năm qua với nguồn gốc từ thời chính quyền ông Biden, khi các hạn chế đi lại liên quan đến đại dịch Covid-19 kéo dài hơn so với nhiều quốc gia khác. Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi đồng USD mạnh lên, làm tăng chi phí cho du khách nước ngoài.

“Người Nhật Bản vốn thường xuyên đến Mỹ, nhưng đồng đô la mạnh đã biến điểm đến này trở nên quá đắt đỏ,” bà Simpson cho biết. “Tình trạng tương tự cũng xảy ra với du khách châu Âu.”

Theo dữ liệu từ Bộ Thương mại Mỹ, khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” và các chính sách liên quan của chính quyền hiện tại đã làm thay đổi hành vi của du khách quốc tế. Bà Simpson nhận định rằng những thay đổi về thái độ của du khách đang biến những vết nứt trong nền kinh tế du lịch Mỹ thành vực thẳm không đáy.

“Điều chúng ta đang chứng kiến là sự thay đổi tình cảm đáng lo ngại”, Simpson nhấn mạnh. “Các nhà lập pháp cần phân biệt rõ giữa ngành du lịch và vấn đề nhập cư bất hợp pháp. Một hệ thống tinh vi có thể cân bằng cả hai yếu tố mà không biến đất nước thành nơi không ai muốn đến”.

Số liệu tháng 3/2025 – dữ liệu mới nhất hiện có – cho thấy lượng khách quốc tế đến Mỹ giảm mạnh ở tất cả các thị trường chính. Khách từ Vương quốc Anh giảm 15% so với cùng kỳ năm trước; Đức giảm 28%; Hàn Quốc giảm 15%; các thị trường quan trọng khác như Tây Ban Nha, Ireland và Cộng hòa Dominica giảm từ 24% đến 33%.

Khoản thâm hụt ước tính 12,5 tỷ USD sẽ tác động không đồng đều trên toàn nước Mỹ, với các cửa ngõ du lịch chính và khu vực biên giới Canada chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Hiện nay, suy thoái trong ngành du lịch lan rộng khắp nước Mỹ, với New York – trung tâm du lịch hàng đầu của quốc gia – báo hiệu những dấu hiệu đáng lo ngại. Ngày 8/5, cơ quan du lịch thành phố đã điều chỉnh giảm dự báo ban đầu cho năm 2025 – năm được kỳ vọng là thời điểm phục hồi hoàn toàn sau đại dịch. Thành phố dự kiến sẽ đón ít hơn 400.000 khách du lịch và thất thu khoảng 4 tỷ USD doanh thu du lịch so với năm 2024.

Dự báo mới nhất cho New York ước tính tổng cộng 64 triệu lượt khách trong năm nay, bao gồm mức giảm 400.000 khách nội địa và đặc biệt nghiêm trọng là sự sụt giảm 800.000 khách quốc tế. Đây là con số đáng báo động khi du khách quốc tế thường lưu trú dài ngày và chi tiêu nhiều hơn, đóng góp tới một nửa trong tổng số 51 tỷ USD doanh thu du lịch mà thành phố thu được trong năm 2024.

Theo Thống đốc Kathy Hochul, suy thoái này đã lan đến các khu vực phía bắc tiểu bang. Khoảng 66% doanh nghiệp ở vùng “miền bắc” New York – giáp ranh với Ottawa và Montreal – báo cáo “sự sụt giảm đáng kể” trong các đơn đặt hàng từ Canada cho năm 2025. Trong thông cáo báo chí ngày 29/4, Hochul nhận định tình trạng này là hệ quả từ bài phát biểu “tiểu bang thứ 51” của Tổng thống Donald Trump và tác động từ chính sách thuế quan. Đáng chú ý, 26% doanh nghiệp trong khu vực đã phải điều chỉnh nhân sự để đối phó với tình hình khó khăn.

Hội đồng Du lịch và Lữ hành Thế giới (WTTC) dự báo ngành du lịch Mỹ phải đến năm 2030 mới có thể phục hồi về mức trước đại dịch Covid, với điều kiện tình hình không tiếp tục xấu đi. Các chuyên gia trong ngành cảnh báo về dự luật đề xuất tăng phí Hệ thống cấp phép du lịch điện tử (ESTA) – bắt buộc đối với du khách từ các quốc gia được miễn thị thực – từ 21 USD lên 40 USD.

“Điểm đặc biệt của du lịch là khả năng phục hồi phi thường,” bà Simpson nhận định. “Nếu thực hiện đúng biện pháp, tình hình ngành sẽ hồi phục, những việc tăng phí ESTA chỉ càng làm các du khách không muốn chi tiêu cho du lịch tại Mỹ.”

Hiện tại, 90% nền kinh tế du lịch Mỹ đến từ du lịch nội địa – người Mỹ đi lại trong phạm vi 50 tiểu bang – khiến tiềm năng tăng trưởng của ngành bị giới hạn đáng kể.Trong khi đó, bà Simpson chỉ ra rằng các quốc gia khác đang tạo điều kiện thuận lợi cho du khách thông qua các sáng kiến như thị thực số. “Ấn Độ, Trung Đông, Trung Quốc đều đạt được thành công, châu Âu cũng đang làm rất tốt,” Simpson kết luận. “Chỉ có Mỹ đang bị bỏ lại phía sau và chịu thiệt thòi”.

Tham khảo South China Morning Post, BNN

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật