spot_img
24.8 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếÔng Trump: Tiến trình hòa bình Nga - Ukraine chỉ có thể...

Ông Trump: Tiến trình hòa bình Nga – Ukraine chỉ có thể khởi động nếu tôi trực tiếp gặp Tổng thống Putin!

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố tiến trình hòa bình Nga–Ukraine chỉ có thể khởi động nếu ông trực tiếp gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong khi châu Âu và Ukraine tiếp tục gây sức ép đòi Moscow ngừng bắn vô điều kiện.

Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine sẽ không tìm được giải pháp nào cho đến khi ông có cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong khi triển vọng của các cuộc đàm phán hòa bình tại Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn nhiều bất định.

“Sẽ không có tiến triển nào cho đến khi ông Putin và tôi gặp nhau,” Tổng thống Trump tuyên bố với phóng viên trên chuyên cơ Không lực Một trong chuyến công du đến Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) hôm thứ Năm (15/5). “Rõ ràng là ông ấy sẽ không đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ông ấy chỉ tham dự nếu tôi có mặt, nhưng ông ấy cho rằng tôi sẽ là người đến trước”.

Ông Trump: Tiến trình hòa bình Nga - Ukraine chỉ có thể khởi động nếu tôi trực tiếp gặp Tổng thống Putin! - ảnh 1
Bộ trưởng ngoại giao Đức Johann Wadephul, bên phải, và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, bên trái, vào ngày 15/5

Trước đó cùng ngày, Tổng thống Trump đã bày tỏ không kỳ vọng ông Putin sẽ tham dự hội nghị hòa bình tại Istanbul. Thay vào đó, phía Nga cử phái đoàn cấp thấp do cố vấn của Putin, ông Vladimir Medinsky, dẫn đầu, mà không đưa ra bất kỳ dấu hiệu nào về khả năng Tổng thống Nga tham gia đàm phán.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, khi đến Ankara, đã chỉ trích phái đoàn Moscow là “không đáng tin cậy” và cho biết ông sẽ quyết định các bước tiếp theo sau cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.

Các ngoại trưởng châu Âu tham dự hội nghị ngoại trưởng NATO tại khu nghỉ dưỡng Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ hôm 15/5, đã cáo buộc Tổng thống Nga Vladimir Putin cố tình phá hoại các nỗ lực đàm phán hòa bình với Ukraine.

“Ông ấy đang cố gắng câu giờ”, Ngoại trưởng Ba Lan Radoslaw Sikorski phát biểu trước báo giới. “Chúng tôi hy vọng Tổng thống Mỹ sẽ nhìn nhận sự chế giễu này đúng với bản chất của nó và đưa ra quyết định phù hợp”.

Phát biểu được đưa ra trong bối cảnh động lực đang gia tăng cho một cuộc gặp có thể diễn ra giữa các nhà lãnh đạo Ukraine và Nga vào cuối tuần – cuộc tiếp xúc cấp cao trực tiếp đầu tiên kể từ khi Moscow phát động cuộc xâm lược toàn diện hơn ba năm trước.

Trước đó, trong một tuyên bố phát đi vào đêm 11/5, ông Putin đề xuất nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Ukraine.

Đề xuất của Điện Kremlin xuất hiện sau khi Ukraine cùng các cường quốc châu Âu kêu gọi Nga chấp thuận một lệnh ngừng bắn vô điều kiện kéo dài 30 ngày, bắt đầu từ 12/5. Các bên cho biết họ có được sự hậu thuẫn từ Mỹ để áp đặt thêm các lệnh trừng phạt mạnh tay nếu Moscow từ chối.

Trong khi các quan chức Nga đã có mặt tại Istanbul, phía Ukraine vẫn kiên quyết rằng chỉ chấp nhận đối thoại ở cấp lãnh đạo, không phải các cuộc đàm phán kỹ thuật. Thông tin này được một nguồn tin am hiểu tình hình tiết lộ, với điều kiện ẩn danh.

Từ Trung Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump – hiện đang trong chuyến công du – cho biết ông vẫn cân nhắc khả năng đến Thổ Nhĩ Kỳ, dù Tổng thống Nga Vladimir Putin đến nay chưa thể hiện bất kỳ dấu hiệu sẵn sàng đàm phán. “Tôi đã nghĩ đến việc đi, nhưng điều đó rất khó vì những gì chúng ta đang làm hôm nay và ngày mai”, ông Trump nói với phóng viên tại Qatar. “Tuy nhiên, nếu có diễn biến gì quan trọng, tôi sẽ cân nhắc đến vào 16/5”.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio, đang tham dự hội nghị NATO tại Antalya, khẳng định Washington sẵn sàng hỗ trợ mọi nỗ lực nhằm chấm dứt xung đột. “Chúng tôi muốn thấy tiến triển”, ông nói, đồng thời cho biết sẽ cùng các đặc phái viên của Tổng thống – Steve Witkoff và Keith Kellogg – đến Istanbul vào thứ Sáu.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Moscow vẫn bác bỏ đề xuất ngừng bắn của Washington – kế hoạch nhằm “đóng băng” xung đột theo hiện trạng, đồng thời ngầm thừa nhận Crimea thuộc Nga và hướng tới việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của Mỹ. Đổi lại, Ukraine sẽ nhận được bảo đảm an ninh mạnh mẽ và quyền tăng cường năng lực quân sự.

Một nguồn tin giấu tên cho biết Mỹ đã cập nhật đề xuất, bổ sung khả năng khôi phục các cuộc đàm phán an ninh trong khuôn khổ Hội đồng NATO–Nga – một cơ chế đối thoại từng bị đình chỉ sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022.

Bầu không khí không chắc chắn quanh các cuộc đàm phán Ukraine–Nga đang phủ bóng lên hội nghị ngoại trưởng NATO. Cuộc gặp tại Antalya giữa ông Rubio và các bộ trưởng châu Âu được kỳ vọng sẽ thống nhất lập trường về Ukraine, đặc biệt sau khi châu Âu ra tối hậu thư yêu cầu Nga ngừng bắn cuối tuần qua.

Các nhà lãnh đạo châu Âu tuyên bố họ đã nhận được cam kết từ Mỹ về việc áp đặt các lệnh trừng phạt phối hợp nếu Nga tiếp tục tấn công Ukraine. Tuy nhiên, ông Trump vẫn chưa công khai ủng hộ đề xuất ngừng bắn, và thời hạn chót đã trôi qua mà chưa có dấu hiệu giảm leo thang.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte ngày 15/5 bày tỏ thận trọng lạc quan: “Nếu phía Nga sẵn sàng hợp tác, chúng ta có thể đạt được một số đột phá trong vài tuần tới”.

Trong các cuộc trao đổi giữa Mỹ và châu Âu gần đây, phía Washington tỏ ra không chắc liệu họ có thực sự sẵn sàng áp đặt thêm trừng phạt nếu Nga tiếp tục leo thang, hoặc sẽ hành động ra sao nếu ông Putin từ chối gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.

Các nguồn tin cho biết, châu Âu đang kỳ vọng ông Trump sẽ hiện thực hóa cam kết trừng phạt nếu Moscow từ chối ngừng bắn hoặc tiếp tục né tránh đối thoại trực tiếp với Kyiv trong tuần này.

Ông Trump: Tiến trình hòa bình Nga - Ukraine chỉ có thể khởi động nếu tôi trực tiếp gặp Tổng thống Putin! - ảnh 2
Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha, bên trái, Thượng Nghị sĩ Lindsey Graham và Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 15/5

Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã có cuộc gặp với Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Thượng nghị sĩ Lindsey Graham tại Antalya để thảo luận về tiến trình hòa bình và các bước đi tiếp theo trong nỗ lực chấm dứt xung đột.

Thượng nghị sĩ Graham – một đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Donald Trump – cho biết đầu tháng này rằng ông đang thúc đẩy một dự luật với sự ủng hộ của cả hai đảng nhằm áp đặt các biện pháp trừng phạt “nghiêm khắc” mới đối với Nga. Dự luật bao gồm mức thuế lên tới 500% đối với hàng nhập khẩu từ các quốc gia mua dầu mỏ, khí đốt, uranium hoặc các sản phẩm năng lượng khác từ Nga.

Tại Antalya, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot xác nhận sẽ gặp ông Graham để thảo luận về kế hoạch này. “Chúng tôi muốn tăng cường các biện pháp răn đe bằng cách kết hợp các lệnh trừng phạt từ châu Âu với đề xuất của Hoa Kỳ,” ông nói. “Gói trừng phạt sẽ bao gồm các biện pháp nhắm vào dầu mỏ và hệ thống tài chính của Nga.”

Liên minh châu Âu hôm thứ Tư(14/5) đã thông qua gói trừng phạt thứ 17, nhắm vào đội tàu “ngầm” chở dầu của Nga cũng như các tổ chức hỗ trợ Moscow lách các lệnh hạn chế năng lượng. Tuy nhiên, giới phân tích đánh giá các biện pháp lần này mang tính bổ sung hơn là đột phá.

Trong khi đó, Tổng thống Trump tiếp tục thúc giục hai bên ngồi vào bàn đàm phán, thể hiện sự thất vọng gia tăng đối với Điện Kremlin vì Nga tiếp tục trì hoãn và đặt ra các yêu sách cứng rắn, trong đó có yêu cầu chấm dứt hoàn toàn viện trợ quân sự từ phương Tây cho Ukraine.

Moscow vẫn giữ lập trường cứng rắn. Điện Kremlin tuyên bố các lệnh trừng phạt mới sẽ không làm thay đổi thái độ của Nga và khẳng định nước này đã thích nghi với tình trạng bị cô lập kinh tế do phương Tây áp đặt.

Trong sắc lệnh mới nhất, Tổng thống Putin chính thức bổ nhiệm Vladimir Medinsky – cựu cố vấn Điện Kremlin – làm trưởng đoàn đàm phán của Nga. Ngoài Medinsky, phái đoàn còn có Thứ trưởng Ngoại giao Mikhail Galuzin, Thứ trưởng Quốc phòng Alexander Fomin và Igor Kostyukov – Giám đốc Cơ quan Tình báo Quân sự. Bốn quan chức khác được nêu tên là “chuyên gia”.

Ông Medinsky từng dẫn đầu phái đoàn Nga tại vòng đàm phán ở Istanbul vào năm 2022, ngay sau khi chiến sự bùng phát. Các cuộc đàm phán đó đã nhanh chóng sụp đổ, sau khi Nga đưa ra dự thảo nghị định thư bị phía Ukraine phản đối. Mặc dù ông Putin sau đó khẳng định Ukraine từng “đồng ý phần lớn” các yêu cầu của Nga, chính phủ Kyiv đã bác bỏ hoàn toàn tuyên bố này.

Tham khảo BNN, Politico

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật