spot_img
25.4 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánBộ Tài chính kiến nghị cơ chế đặc thù tại tuyến metro...

Bộ Tài chính kiến nghị cơ chế đặc thù tại tuyến metro TP. HCM – Cần Giờ, mở đường cho siêu dự án của Vingroup (VIC)

Vingroup (VIC) hiện là doanh nghiệp tư nhân duy nhất đề xuất và lập hồ sơ triển khai tuyến metro kết nối TP. HCM với huyện Cần Giờ.

Thông tin từ Báo Đầu tư, Bộ Tài chính vừa có công văn số 6622/BTC-ĐT gửi Bộ Xây dựng về việc triển khai tuyến đường sắt đô thị kết nối trung tâm TP. HCM đến huyện Cần Giờ. Theo đó, Bộ Tài chính nhấn mạnh dự án này cần được hoàn thành đồng bộ để đảm bảo hiệu quả khai thác khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

Ngày 19/2/2025, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 188/2025/QH15, thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù nhằm thúc đẩy phát triển mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM. Tuy nhiên, tuyến metro TP. HCM – Cần Giờ hiện chưa được đưa vào danh mục dự án theo Nghị quyết này.

Bộ Tài chính đánh giá việc bổ sung tuyến đường sắt này vào danh mục dự án ưu tiên sẽ tạo điều kiện áp dụng các cơ chế, chính sách đặc thù để huy động nguồn lực đầu tư hợp pháp, rút ngắn quy trình thủ tục và thời gian chuẩn bị, đồng thời đảm bảo tiến độ và hiệu quả của dự án theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Về tính phù hợp với Nghị quyết số 188/2025/QH15, Bộ Tài chính cho biết đề xuất này dựa trên cơ sở đề nghị của UBND TP. HCM gửi Chính phủ. Bộ đề nghị Bộ Xây dựng, với vai trò quản lý chuyên ngành giao thông vận tải, phối hợp cùng UBND TP. HCM đánh giá tính cần thiết và hiệu quả đầu tư của dự án để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng xem xét đưa dự án vào danh mục kèm theo Nghị quyết. Đồng thời, Bộ cũng yêu cầu làm rõ nguồn vốn và khả năng cân đối ngân sách nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư, tránh thất thoát, lãng phí và tiêu cực.

Bộ Tài chính kiến nghị cơ chế đặc thù cho metro TP. HCM - Cần Giờ, mở đường cho siêu dự án của Vingroup (VIC)
Tuyến metro TP. HCM – Cần Giờ đi qua rừng Sác (Ảnh minh họa)

Hiện Vingroup (HoSE: VIC) là doanh nghiệp tư nhân duy nhất đề xuất đầu tư tuyến đường sắt đô thị này theo hình thức đối tác công – tư (PPP). Theo đó, UBND TP. HCM đã thống nhất chủ trương cho phép Tập đoàn nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất dự án theo phương thức trên. VIC sẽ tự cân đối kinh phí thực hiện nghiên cứu và lập hồ sơ, không sử dụng ngân sách thành phố. Trường hợp hồ sơ không được chấp thuận, doanh nghiệp sẽ phải tự chịu toàn bộ chi phí và rủi ro liên quan.

Theo đề xuất, tuyến đường sắt đôi khổ 1.435mm sẽ được điện khí hóa, chiều dài khoảng 48,5km, tốc độ thiết kế tối đa 250km/h, tải trọng trục 17 tấn/trục. Tổng mức đầu tư sơ bộ khoảng 102.370 tỷ đồng (tương đương 4,09 tỷ USD). Tuyến bắt đầu từ đường Nguyễn Văn Linh (đoạn giữa nút giao Nguyễn Thị Thập và Lý Thục Mạn, quận 7) và kết thúc tại khu đất rộng 39ha giáp Khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ).

Đáng chú ý, huyện Cần Giờ là nơi triển khai siêu dự án khu đô thị lấn biển Cần Giờ do CTCP Đô thị Du lịch Cần Giờ – công ty con của Vingroup làm chủ đầu tư. Dự án nằm trên địa bàn xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh với diện tích 2.870ha, quy mô dân số tối đa hơn 228.000 người. Khu đô thị này đã chính thức khởi công vào ngày 19/4 vừa qua.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật