‘Liên minh’ trục lợi bảo hiểm
Chia sẻ với VietNamNet, cựu nhân viên kinh doanh của một doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ cho biết: Về nguyên tắc, không một doanh nghiệp bảo hiểm nào bắt tay với đối tác để trục lợi tiền bảo hiểm. Bởi, làm như vậy doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại, trong khi mục đích cuối cùng của doanh nghiệp chính là lợi nhuận.
Người này cho hay, trục lợi bảo hiểm ô tô, nếu có, chỉ có thể diễn ra giữa nhân viên công ty bảo hiểm và các gara sửa chữa nhằm rút tiền của công ty bảo hiểm, hoặc giữa các gara với chính khách hàng mua bảo hiểm.
“Các doanh nghiệp bảo hiểm đều là công ty cổ phần, do các cổ đông góp vốn. Tiền của doanh nghiệp không phải là tiền miễn phí nên không dại gì họ làm sai nguyên tắc”.
Với khách hàng mua bảo hiểm cho xe ô tô, khi xảy ra tổn thất dẫn đến việc phải sửa chữa, thông thường chủ xe sẽ mang xe đến gara do doanh nghiệp bảo hiểm chỉ định, vì mỗi doanh nghiệp bảo hiểm đều có danh sách các đơn vị gara liên kết.

Trong trường hợp này, việc trục lợi bảo hiểm có thể diễn ra theo kịch bản: Mức tổn thất của phương tiện bị nâng khống lên, có thể gấp 3 lần so với mức thực tế.
“Tuy nhiên, một mình nhân viên bảo hiểm sẽ không tự mình làm được do còn phải qua bộ phận phê duyệt khoản chi, ít nhất là một lãnh đạo cấp phòng chuyên về nghiệp vụ bồi thường bảo hiểm. Ngoài ra, còn phải có sự phê duyệt của cấp cao hơn, có thể là giám đốc phụ trách hoặc phó tổng giám đốc công ty”.
Người này hé lộ, nếu khách hàng mua bảo hiểm và đóng phí đầy đủ trong 2-3 năm liên tiếp nhưng không phát sinh bất kỳ sửa chữa nào, tức doanh nghiệp bảo hiểm không phát sinh bồi thường cho khách hàng.
Khi đó, doanh nghiệp sẽ “tri ân” khách hàng bằng cách đề xuất một gói chăm sóc xe miễn phí, như đánh bóng lại nước sơn, bảo dưỡng, hoặc thay thế một số phụ tùng sắp đến hạn. Đây cũng có thể là kẽ hở để nhân viên bảo hiểm trục lợi thông qua việc nâng khống giá dịch vụ.
Theo lời nhân viên kinh doanh đang làm việc cho một công ty cho thuê tài chính, 100% khách hàng của công ty được yêu cầu bắt buộc mua bảo hiểm cho tài sản trong suốt thời gian thuê tài sản.
Người thụ hưởng bảo hiểm sẽ là phía công ty cho thuê tài chính, bởi tài sản được đứng tên công ty. Công ty tài chính cũng không can thiệp vào việc khách hàng mua bảo hiểm từ đơn vị nào.
Tuy nhiên, do bán chéo sản phẩm trong cùng hệ thống nên công ty cho thuê tài chính thường “gợi ý” khách hàng mua bảo hiểm tại công ty bảo hiểm thuộc ngân hàng mẹ. Việc trục lợi bảo hiểm, theo lời người này, phổ biến nhất khi chủ gara và chủ phương tiện có thỏa thuận ngầm. Kịch bản chung là nâng giá sửa chữa, hoặc “vẽ” thêm các hạng mục sửa chữa, thay thế.

Loạt vấn đề bị thanh tra phanh phui
Cuối tháng 4, nhiều vi phạm tại Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm Hàng không (VNI) cũng được Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) công bố, trong đó có các vấn đề liên quan bảo hiểm xe cơ giới.
Theo báo cáo của VNI, năm 2023 doanh nghiệp này phát sinh doanh thu từ phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là hơn 625 tỷ đồng. Trong đó, doanh thu phí bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy là hơn 110 tỷ đồng, của chủ xe ô tô là hơn 514 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của VNI, trong năm 2023, doanh nghiệp đã giải quyết 2.017 hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc, với tổng số tiền chi trả là 108,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, chỉ có 66 hồ sơ liên quan đến xe máy, với số tiền bồi thường vỏn vẹn 4,4 tỷ đồng, trong khi 104,1 tỷ đồng còn lại là chi trả cho xe ô tô.
Kết quả thanh tra cho thấy, khi chọn mẫu 5 hồ sơ theo báo cáo của VNI, thời gian thanh toán bồi thường là rất chậm. Có hồ sơ mất hơn 300 ngày để giải quyết, thậm chí có trường hợp kéo dài tới 544 ngày hoặc 607 ngày, trong khi thời hạn theo quy định chỉ là từ 15 đến 30 ngày.
Cùng với đó, tổng công ty chi trả bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới chưa đầy đủ, chính xác theo quy định pháp luật.
Cụ thể, tại hồ sơ bồi thường số BT652100021.BT liên quan đến thiệt hại tử vong, tổng công ty chỉ bồi thường cho khách hàng 30 triệu đồng. Mức bồi thường này không được xác định theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại tính mạng (150 triệu đồng), cũng không theo mức đã thỏa thuận giữa chủ xe và người bị thiệt hại (110 triệu đồng), do đó không đúng quy định.
Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cũng chỉ ra nhiều vấn đề khi thanh tra chuyên đề tại Công ty Bảo hiểm Liên hiệp (UIC).
Năm 2023, công ty không phát sinh bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe máy, chỉ phát sinh bồi thường đối với xe ô tô. Tổng số hồ sơ bồi thường bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của xe ô tô đã giải quyết năm 2023 là 12, số tiền bồi thường là 550 triệu đồng.
Đáng chú ý, qua thanh tra cho thấy, công ty cũng áp dụng mức giảm trừ bồi thường không đúng quy định.
Cụ thể, có 1 hồ sơ bồi thường, công ty áp dụng mức giảm trừ 30% số tiền bồi thường bảo hiểm vật chất xe ô tô, lý do phân lỗi chưa có căn cứ. Số tiền đã giảm trừ bồi thường hơn 22,5 triệu đồng.
Có 1 hồ sơ bồi thường, công ty áp dụng mức giảm trừ bồi thường 30% số tiền bồi thường (tương ứng số tiền bồi thường đã giảm trừ hơn 18,2 triệu đồng) cao hơn mức giảm trừ theo quy định tại Quy tắc bảo hiểm vật chất xe ô tô đã được Bộ Tài chính chấp thuận (mức giảm trừ là 10% số tiền bồi thường).
Cùng với đó, có 2 hồ sơ bồi thường, UIC áp dụng giảm trừ 30% số tiền bồi thường bảo hiểm vật chất xe ô tô nhưng không có lý do. Tổng số tiền đã giảm trừ bồi thường là hơn 45,2 triệu đồng.
>> Bán bảo hiểm bắt buộc xe máy và ô tô, DN viện cớ cắt giảm tiền bồi thường