Theo số liệu công bố ngày 19/5, doanh số bán lẻ của Trung Quốc trong tháng 4 chỉ tăng 5,1% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn so với mức dự đoán 5,5% của các chuyên gia. Con số này đánh dấu sự chậm lại so với mức tăng 5,9% ghi nhận trong tháng 3, cho thấy tiêu dùng – trụ cột chính của nền kinh tế – vẫn còn yếu và là một điểm nghẽn trong quá trình phục hồi kinh tế.
Trong khi đó, sản lượng công nghiệp tháng 4 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm trước, vượt qua kỳ vọng tăng 5,5%, nhưng vẫn thấp hơn mức tăng 7,7% của tháng 3. Điều này cho thấy tác động từ các biện pháp thuế quan của Mỹ lên lĩnh vực sản xuất vẫn chưa quá rõ nét.
Đầu tư tài sản cố định trong bốn tháng đầu năm – bao gồm đầu tư vào bất động sản và hạ tầng – chỉ tăng 4,0%, thấp hơn mức kỳ vọng 4,2%. Trong đó, lĩnh vực bất động sản tiếp tục là điểm trừ lớn khi giảm tới 10,3% tính đến hết tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị trong tháng 4 giảm nhẹ xuống còn 5,1%, so với mức 5,2% của tháng trước đó.

“Chúng ta cần nhận thức rằng môi trường bên ngoài vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn và khó lường. Nền tảng cho sự phục hồi kinh tế bền vững vẫn cần được củng cố thêm”, Cơ quan thống kê Trung Quốc nhận định.
Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tiếp tục gây chú ý sau khi Tổng thống Donald Trump áp mức thuế lên tới 145% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ tháng 4. Trung Quốc đáp trả bằng mức thuế tương đương 125% lên hàng hóa của Mỹ.
Tuy nhiên, lo ngại về chiến tranh thương mại đã phần nào hạ nhiệt sau cuộc gặp giữa các quan chức thương mại hai nước tại Thụy Sĩ đầu tháng này. Hai bên đạt được thỏa thuận tạm thời trong việc hạ thuế trong vòng 90 ngày, mở ra cơ hội đàm phán sâu hơn nhằm đạt một thỏa thuận bền vững hơn.
Diễn biến tích cực này khiến nhiều ngân hàng đầu tư quốc tế nâng dự báo tăng trưởng cho kinh tế Trung Quốc trong năm 2025, đồng thời điều chỉnh kỳ vọng về các biện pháp kích thích kinh tế mới, trong bối cảnh Bắc Kinh tiếp tục theo đuổi mục tiêu tăng trưởng khoảng 5%.