Sau 2 giờ nói chuyện với Tổng thống Putin, ông Trump cho biết trên mạng xã hội rằng Ukraine và Nga sẽ “ngay lập tức bắt đầu đàm phán” hướng tới lệnh ngừng bắn, nhưng có thể không có Mỹ. Không có lời đe dọa trừng phạt nào, không có yêu cầu về mốc thời gian và không gây áp lực lên nhà lãnh đạo Nga.
Sau cuộc điện đàm với ông Putin, ông Trump trao đổi với các nhà lãnh đạo châu Âu, nhưng một số chính phủ bày tỏ thất vọng.
![]() |
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AP) |
Sau nhiều tháng không thể đưa Nga và Ukraine đến gần hơn với hòa bình, châu Âu lo ngại ông Trump sẽ rút lui khỏi nỗ lực chấm dứt xung đột, để Ukraine và các đồng minh tự xoay xở. Một quan chức châu Âu giấu tên cho biết, các nhà lãnh đạo ở châu lục này lo ngại ông Trump sẽ rút lui khỏi nỗ lực làm trung gian.
Một người khác cho biết ông Trump đã nói rõ với châu Âu, rằng ông không muốn áp thêm lệnh trừng phạt và sẽ rút khỏi đề xuất ngừng bắn mà chính ông đưa ra. Quan chức này nói thêm rằng các lãnh đạo ở Kiev và những nơi khác ở châu Âu không đồng tình với kế hoạch đàm phán trực tiếp giữa Nga và Ukraine mà ông Trump đưa ra.
“Hôm nay, có vẻ chúng ta sẽ quay trở lại với một kịch bản dài hạn hơn nhiều, trong đó Nga có thêm thời gian cho quân đội của họ. Tổng thống Putin đã giành được nhiều cơ hội hơn, trong khi lệnh ngừng bắn và giải pháp có vẻ ngày càng xa vời hơn”, bà Kristine Berzina, giám đốc điều hành chương trình Địa chiến lược phương Bắc của Quỹ Marshall Đức tại Washington, đánh giá về nội dung cuộc điện đàm.
Trong phát biểu đưa ra cuối ngày 19/5, Tổng thống Trump nói rằng Mỹ không rút khỏi cuộc xung đột nhưng ông đang cân nhắc có nên làm như vậy hay không và thậm chí còn có một “ranh giới nhất định” mà ông không nêu rõ. Ông cũng không loại trừ khả năng áp thêm lệnh trừng phạt với Nga hoặc cung cấp thêm vũ khí mới Ukraine, nhưng nói rõ rằng ông không muốn làm như vậy.
“Tôi nghĩ điều gì đó sẽ xảy ra, và nếu không, tôi chỉ cần lùi lại và họ sẽ phải tiếp tục. Đây là vấn đề của châu Âu. Nó nên tiếp tục là vấn đề của châu Âu”, ông Trump phát biểu tại Nhà Trắng.
Trong giai đoạn vận động tranh cử, ông Trump hứa sẽ nhanh chóng mang lại hòa bình cho châu Âu và Trung Đông, cũng như tái cấu trúc và phục hồi nền kinh tế Mỹ thông qua thuế quan, nhưng tất cả những nỗ lực này đều bị sa lầy trong thực tế hỗn loạn và khó lường của tình hình địa – chính trị và thương mại.
Các nhà quan sát cho rằng phát biểu mà nhà lãnh đạo Mỹ đưa ra ngày 19/5 cho thấy sự mơ hồ về tình hình cuộc xung đột và vai trò của ông trong việc chấm dứt cuộc xung đột này.
Lập trường không đổi
Mới tuần trước, ông Trump khẳng định Mỹ “cam kết đảm bảo hòa bình giữa Nga và Ukraine”, thậm chí còn ngụ ý nói rằng ông sẵn sàng cắt ngang chuyến thăm Trung Đông để bay đến Istanbul gặp trực tiếp Tổng thống Putin. Kết quả là Nga đã cử một phái đoàn cấp thấp đến Thổ Nhĩ Kỳ và ông Trump đã không xuất hiện.
Tại cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên kể từ năm 2022, hai phái đoàn Nga và Ukraine đồng ý trao đổi tù binh nhưng không đạt được tiến triển nào khác.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trao đổi với nhà lãnh đạo Mỹ trước và sau cuộc điện đàm với ông Putin. Ông Zelensky cho rằng Nga phải bị trừng phạt mạnh hơn nếu không ngừng giao tranh.
Có vẻ ông Trump không đồng ý, đồng thời cũng nhận xét ông Zelensky là “không phải là người dễ đối phó nhất”.
Tổng thống Putin phát biểu với báo chí ở Sochi, rằng cuộc điện đàm diễn ra “thẳng thắn” và “rất hữu ích”, và cho biết hai người đã nhất trí Nga sẽ soạn thảo một bản ghi nhớ với Ukraine để tiến tới hiệp ước hòa bình trong tương lai.
Ông không cho biết cụ thể, chỉ tái khẳng định quan điểm cốt lõi của mình: “Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi là loại bỏ nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng này”.
Bà Maria Snegovaya, thành viên cấp cao về Nga và Âu – Á tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, cho rằng nhà lãnh đạo Nga đang cố gắng tránh gây khó chịu cho Mỹ, nhưng thực tế là Mátxcơva vẫn giữ nguyên lập trường của họ.
Trong một động thái bất ngờ khác, ông Trump cũng cho biết Vatican sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán hòa bình. Khi được hỏi tại Nhà Trắng rằng liệu Giáo hoàng Leo XIV có thể giúp mang lại hòa bình cho Ukraine hay không, ông Trump trả lời: “Tôi đồng ý”.
Ông John Herbst, giám đốc cấp cao của Trung tâm Á – Âu thuộc Hội đồng Đại Tây Dương và là cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói rằng Mỹ có đòn bẩy đáng kể đối với Nga nếu ông Trump sẵn sàng sử dụng, như tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, dưới dạng hỗ trợ hoặc bán hàng, đồng thời áp biện pháp trừng phạt Nga cứng rắn hơn.
>> Cuộc điện đàm Trump – Putin kéo dài hơn 2 giờ, Nga từ chối ngừng bắn