Tờ Khmer Times (Campuchia) ngày 20/5 đưa tin, đầu tư của Trung Quốc vào Campuchia không có dấu hiệu chậm lại, ngay cả sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng 49% đối với hàng nhập khẩu từ Campuchia vào ngày 2/4.
Wanli Tire – một công ty sản xuất lốp xe Trung Quốc – đã khởi công xây dựng một nhà máy mới trị giá 500 triệu USD tại thị xã Bavet, tỉnh Svay Rieng của Campuchia hồi tháng 1. Đây là nhà máy đầu tiên của công ty này bên ngoài Trung Quốc. Wanli Tire cho biết cơ sở này trong tương lai có thể sản xuất hơn 10 triệu lốp xe mỗi năm.
Phó Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Sun Chanthol đã phát biểu tại lễ khởi công nhà máy rằng: “Tôi tin rằng khoản đầu tư của Wanli Tire sẽ thu hút nhiều công ty Trung Quốc hơn đến Campuchia.”

Phó Thủ tướng kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Phát triển Campuchia (CDC) Sun Chanthol (thứ tư từ phải sang) và Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia Uông Văn Bân (thứ tư từ trái sang) tại lễ khởi công nhà máy sản xuất lốp xe Wanli Tire tại thị xã Bavet, tỉnh Svay Rieng, Campuchia, vào tháng 1/2025. Ảnh: CDC
Theo Khmer Times, vào ngày 9/4, có thông tin rằng một công ty Trung Quốc đang xây dựng nhà máy lọc dầu đầu tiên tại Campuchia.
Cuối tháng 4, nhà sản xuất xe điện Trung Quốc BYD đã tổ chức lễ động thổ một nhà máy lắp ráp xe tại Đặc khu kinh tế Sihanoukville ở phía tây nam Campuchia. Nhà máy này dự kiến sẽ lắp ráp tới 10.000 xe mỗi năm. Việc xây dựng dự kiến sẽ hoàn thành vào tháng 10, và những chiếc xe điện đầu tiên được lắp ráp tại Campuchia dự kiến sẽ xuất xưởng vào đầu tháng 11.
“Khoản đầu tư của BYD phản ánh sự tin tưởng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với chính phủ Campuchia, do sự lãnh đạo thông minh và có năng lực [của chính phủ Campuchia]. Dưới sự lãnh đạo của CDC, chúng tôi tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh và đầu tư [của Campuchia] bằng cách thúc đẩy luật đầu tư, tiến hành xúc tiến [đầu tư] ở nước ngoài và đơn giản hóa các thủ tục liên quan”, ông Chanthol phát biểu tại lễ động thổ nhà máy BYD hồi tháng 4.
Khmer Times đưa tin, dòng vốn nước ngoài đổ vào Campuchia được coi là minh chứng cho thấy môi trường đầu tư đang được cải thiện của nước này.
Chỉ riêng trong tháng 4, CDC đã phê duyệt 59 dự án đầu tư với tổng giá trị 860 triệu USD. Trung Quốc vẫn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại quốc gia Đông Nam Á này, chiếm hơn 58% tổng vốn đầu tư.
Trong số các dự án đầu tư được thông qua, 32 dự án nằm ngoài các đặc khu kinh tế (SEZ) và 27 dự án nằm trong các SEZ. Các đặc khu kinh tế này đưa ra các ưu đãi về thuế và các ưu đãi khác cho cả công ty trong và ngoài nước Campuchia.
“Kể từ khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, các khoản đầu tư vào Campuchia đã tăng tốc hơn nữa do lo ngại về chính sách thuế quan”, Kohei Wakabayashi – Trưởng đại diện Văn phòng của Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại Phnom Penh – cho biết.
Hơn nữa, chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Campuchia vào tháng 4 đã chứng kiến hai bên nhất trí thúc đẩy thương mại và đầu tư, với nhiều thỏa thuận được ký kết.
Nhà nghiên cứu kinh tế Hong Vanak tại Học viện Hoàng gia Campuchia cho biết, môi trường đầu tư thuận lợi của Campuchia – bao gồm vị trí chiến lược, lực lượng lao động lành nghề và luật pháp thân thiện với nhà đầu tư – giúp nước này có vị thế tốt để thu hút thêm đầu tư từ Trung Quốc.
Ông coi mối quan hệ bền chặt giữa chính phủ Campuchia và Trung Quốc là động lực quan trọng cho sự tăng trưởng đầu tư liên tục.
(Theo Khmer Times)