spot_img
24 C
Hanoi
spot_img
Trang chủDoanh NghiệpDoanh nghiệp bất an với quy định thêm i-ốt và kẽm

Doanh nghiệp bất an với quy định thêm i-ốt và kẽm

Suốt nhiều năm liền, những quy định trái khoáy trong Nghị định 09/2016/NĐ-CP về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm vẫn chưa được sửa đổi

Ngày 9-7, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM (FFA), cho biết hội đang phối hợp với các doanh nghiệp (DN) sản xuất lương thực, thực phẩm gấp rút chuẩn bị để tổ chức một buổi hội thảo nhằm kiến nghị Bộ Y tế bỏ quy định bổ sung muối i-ốt, sắt, kẽm… vào thực phẩm ra khỏi Nghị định số 09/2016/NĐ-CP.

Bộ Y tế… làm ngơ?

Trước đó, đầu tháng 7-2024, FFA cùng 4 hiệp hội DN có liên quan đến ngành hàng thực phẩm, gồm Hiệp hội Thực phẩm minh bạch, Hội Lương thực Thực phẩm TP HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc đã gửi văn bản đến Phó Thủ tướng Lê Thành Long, Văn phòng Chính phủ và Bộ Y tế để bày tỏ mong đợi và trông chờ vào việc sửa đổi và tiến độ sửa đổi một số nội dung thuộc Nghị định 09/2016/NĐ-CP (Nghị định 09).

Tại văn bản kiến nghị, 5 hiệp hội DN cho biết suốt 7 năm qua, các hiệp hội ngành hàng thực phẩm trên tinh thần góp ý vào sự an toàn của người dân và sự phát triển bền vững các lĩnh vực kinh tế thực phẩm, đã có nhiều văn bản báo cáo, kiến nghị gửi tới Thủ tướng, Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành liên quan – về một nội dung quan trọng tại Nghị định 09.

Theo quy định, muối dùng để sản xuất mì gói, nước mắm... “phải được tăng cường i-ốt” Ảnh: THANH NHÂN

Theo quy định, muối dùng để sản xuất mì gói, nước mắm… “phải được tăng cường i-ốt” .Ảnh: THANH NHÂN

Cụ thể, quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 09: “Muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” và “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Các hiệp hội ngành hàng thực phẩm đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng chỉ rõ quy định trên là bất cập, đi ngược lại nguyên tắc quản lý rủi ro, thiếu cơ sở khoa học và không chính xác với hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, không phù hợp với thông lệ quốc tế và các ngành sản xuất thực phẩm xuất khẩu. Đặc biệt, gây tốn kém, khó khăn cho sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhưng hiệu quả cho sức khỏe cộng đồng lại rất thấp.

Ngày 15-5-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ- CP (Nghị quyết 19) và chỉ đạo Bộ Y tế “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo hướng: bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt” và bãi bỏ quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích DN chế biến thực phẩm sử dụng”.

Bà Lý Kim Chi cho biết ngày 26-6-2018, Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch số 618 sửa đổi Nghị định 09 nhưng kế hoạch này đến nay vẫn không được thực thi. Bộ Y tế hiện mới chỉ lấy ý kiến góp Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 09. Thế nhưng, dự thảo này hoàn toàn không có dòng nào đề cập đến việc sửa đổi quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 6 Nghị định 09. “Phải chăng Bộ Y tế đã phớt lờ chỉ đạo của Chính phủ, vẫn không bãi bỏ quy định muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt và quy định bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm?” – bà Chi nêu quan ngại.

Doanh nghiệp kêu khó

Chủ tịch FFA nói thêm từ khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, ngành lương thực thực phẩm gặp rất nhiều khó khăn, nhiều DN thậm chí không còn cơ hội phục hồi, phải “bán mình” hoặc đóng cửa, rút lui khỏi thị trường. Những khó khăn kéo dài cộng với những tổn thất do phải tuân thủ các quy định, thủ tục hành chính bất cập, không phù hợp với thực tế đã và đang ảnh hưởng đến niềm tin của DN.

Đại diện một DN sản xuất nước mắm truyền thống tại TP HCM cho hay bản thân sản phẩm đã có nhiều i-ốt tự nhiên do nguyên liệu là muối và cá. Khi có quy định về muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i-ốt, DN đã sản xuất thử một lô nhưng kết quả là nước mắm không đạt về cảm quan, màu bị đen. Trong khi đó, quá trình sản xuất DN sử dụng muối i-ốt bị đội về chi phí nhưng thành phẩm cuối cùng không có khác biệt về thành phần i-ốt so với dùng muối thường. “Chúng tôi còn xuất khẩu sản phẩm sang Nhật Bản, châu Âu nên khi dùng muối i-ốt phải giải trình, gây trở ngại cho quá trình xuất khẩu” – chủ DN này nói.

Cũng theo chủ DN này, không nên bắt buộc các DN chế biến thực phẩm phải dùng muối i-ốt và bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm bởi việc này gây khó khăn cho DN và chưa chắc tốt cho người tiêu dùng. “Thiếu các vi chất như i-ốt, sắt, kẽm là không tốt nhưng thừa cũng không tốt. Do đó, chỉ nên khuyến khích áp dụng và DN cần ghi rõ trên bao bì để người tiêu dùng biết và lựa chọn” – chủ hãng nước mắm này đề xuất.

Theo bà Lý Kim Chi, sau khi Nghị định 09 ra đời, các DN trong ngành sản xuất, chế biến thực phẩm đã nhiều lần “kêu cứu” trực tiếp hoặc bằng văn bản. Các DN đã nghiên cứu, thử nghiệm và dẫn chứng, khi thêm muối i-ốt, các sản phẩm thủy sản, rau củ quả sấy khô, thịt gia cầm sấy, ngũ cốc sấy; các loại bột gia vị, bột chế biến sẵn để làm các loại bánh ngọt và dùng trong chế biến các loại thực phẩm; các sản phẩm ăn ngay… dễ có phản ứng (do tính chất ôxy hóa mạnh), dẫn đến biến mùi, vị, màu sắc, ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sản phẩm.

Riêng sản xuất nước mắm truyền thống, quy định bổ sung i-ốt chỉ gây thêm tốn kém và làm biến đổi màu, vị tự nhiên của nước mắm vì trong cá biển đã rất giàu i-ốt.

Đáng chú ý, một số thị trường xuất khẩu chính không chấp nhận thực phẩm có bổ sung i-ốt, DN phải có chứng nhận không sử dụng muối i-ốt mới xuất đi được, điển hình như Nhật Bản, DN phải tốn chi phí điều chỉnh quy trình sản xuất cho phù hợp.

Ảnh hưởng tiêu cực tương tự cũng tác động khi thực hiện quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Bởi, Việt Nam đang phải nhập khẩu số lượng lớn bột mì từ các quốc gia khác trong khi các nước xuất khẩu bột mì không có quy định bổ sung sắt, kẽm vào bột. 

Người dùng chưa chắc hưởng lợi

Theo TS Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (AFT), cộng đồng DN từ lâu đã rất bức xúc về các quy định trên. Nhiều DN phản ánh việc bổ sung các vi chất vào thực phẩm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm cũng như giá thành. Trong khi đó, người tiêu dùng chưa chắc được hưởng lợi. Thế nhưng, thay vì ban hành quy định mới theo tinh thần Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP của Chính phủ là “khuyến khích DN áp dụng” thì cơ quan tham mưu lại đang tiến hành khảo sát lại các DN thực phẩm với định hướng giữ nguyên quy định trên.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây