spot_img
24 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhHành tinh quái dị "nhãn cầu băng" có thể có sự sống

Hành tinh quái dị "nhãn cầu băng" có thể có sự sống

Hành tinh LHS-1140b giống như rơi ra từ phim kinh dị nhưng có thể chứa đựng sự sống ngay trên "con ngươi" màu xanh của nó.

Một nghiên cứu mới dẫn đầu bởi nhà vật lý thiên văn Charles Cadieux của Đại học Montreal (Canada) cho thấy một hành tinh quái dị mang tên LHS-1140b, cách chúng ta chỉ 50 năm ánh sáng, có thể có sự sống.

Hai mặt của “hành tinh nhãn cầu” LHS-1140b và Trái Dất được đặt cạnh bên để so sánh kích thước – Ảnh: ĐẠI HỌC MONTREAL

Theo Science Alert, LHS-1140b cho thấy dấu hiệu của một “hành tinh nhãn cầu” siêu lạnh, với hầu hết diện tích bị bao phủ bởi lớp băng trắng xóa, ngoại trừ một “con ngươi” đường kính 4.000 km.

Tuy kinh dị, nhưng nó là một hành tinh ôn đới.

“Trong số tất cả các ngoại hành tinh ôn đới hiện được biết đến, LHS-1140b có thể là lựa chọn tốt nhất để một ngày nào đó chúng ta xác nhận nước lỏng trên bề mặt” – TS Cadieux khẳng định.

LHS-1140b, phát hiện được công bố chỉ vài năm trước, có bán kính khoảng 1,73 lần bán kính Trái Đất và 5,6 lần khối lượng của Trái Đất và là kiểu “hành tinh đại dương”, tức có một đại dương bao phủ toàn cầu.

Nó ở gần ngôi sao mẹ hơn rất nhiều so với khoảng cách Trái Đất – Mặt Trời, chỉ mất 25 ngày để quay hết một vòng quanh sao mẹ.

Nhưng sao mẹ LHS-1140 của hành tinh này là một ngôi sao lùn đỏ mờ, lạnh, tức tỏa ra nhiệt lượng thấp hơn nhiều so với Mặt Trời.

Vì vậy, tuy nằm trong “vùng sự sống” của sao mẹ, hành tinh này vẫn bị bao phủ bởi một lớp băng, bọc bên ngoài đại dương toàn cầu.

Có một may mắn: Nó quay gần đến nỗi bị khóa quỹ đạo với sao mẹ – tức luôn hướng một mặt duy nhất về phía sao mẹ.

Nhờ đó, chính giữa mặt luôn là ban ngày của hành tinh có một khu vực nhận đủ nhiệt lượng để đại dương không bị che lấp bởi băng giá, có bề mặt khoảng 20 độ C.

Bằng sức mạnh của kính viễn vọng không gian James Webb, nhóm nghiên cứu cũng xác định được nhiều nitơ trong bầu khí quyển của hành tinh này.

Sự hiện diện của nitơ cho thấy một bầu khí quyển thứ cấp, là dạng bầu khí quyển hình thành sau khi ngoại hành tinh ra đời, chứ không phải cùng với nó.

Tất cả những yếu tố này giúp cho vùng “con ngươi xanh” giữa quả cầu băng giá này rất phù hợp để một hệ sinh thái phát triển mạnh.

Tất cả những gì cần làm còn lại là chờ đợi các phương tiện quan sát mạnh mẽ hơn trong tương lai, những thứ có thể giúp các nhà khoa học tìm thấy bằng chứng trực tiếp về sự sống trên các ngoại hành tinh tiềm năng như LHS-1140b.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây