Giao dịch ‘khủng’: Gần 100 triệu cổ phiếu, cao hơn giá thị trường gần 10%
Trong một thương vụ khiến giới đầu tư không khỏi bất ngờ, Tập đoàn dược phẩm Livzon Pharmaceutical Group (Trung Quốc) vừa chính thức công bố đã chi tới 5.700 tỷ đồng để mua lại gần 65% cổ phần của Công ty cổ phần Dược phẩm Imexpharm (IMP) – một trong ba ông lớn ngành dược Việt Nam, bên cạnh Dược Hậu Giang (DHG) và Dược Bình Định (DBD).
Cụ thể, Livzon đã thâu tóm gần 100 triệu cổ phiếu IMP thông qua việc mua lại cổ phần từ ba cổ đông tổ chức lớn, gồm: SK Investment, công ty con của tập đoàn SK Group (Hàn Quốc), với 43,7 triệu cổ phiếu, tương đương 47,6% vốn IMP; CTCP Đầu tư Bình Minh Kim, với 15 triệu cổ phiếu, tương đương 9,7%; Công ty KBA, với 11,3 triệu cổ phiếu, tương đương hơn 7%.
![]() |
Mảng thuốc kháng sinh – thế mạnh của Imexpharm đang chiếm khoảng 10% thị phần trong nước, là cơ sở giúp công ty giữ vững vị trí top đầu trong ngành dược phẩm Việt. |
>>> Bách hóa Xanh lãi 22 tỷ, sắp mở thêm 400 cửa hàng: CEO MWG tiết lộ kế hoạch IPO đầy tham vọng
Điều đáng chú ý, mức giá mà Livzon chấp nhận bỏ ra cao hơn gần 10% so với thị giá hiện tại của IMP (52.100 đồng/cổ phiếu vào sáng 23/5) – một minh chứng rõ rệt cho chiến lược “mua nhanh, dứt điểm” của đại gia dược phẩm Trung Quốc này.
Không giấu giếm mục tiêu, Livzon thẳng thắn cho biết thương vụ này nằm trong kế hoạch mở rộng thị trường quốc tế, đặc biệt tại Đông Nam Á, nơi Việt Nam được xem là cửa ngõ chiến lược. Imexpharm – với nền tảng sản xuất hiện đại, thị phần ổn định và mạng lưới phân phối sâu rộng chính là mảnh ghép hoàn hảo cho tham vọng đó.
Hiện IMP sở hữu 4 nhà máy dược, trong đó có tới 12 dây chuyền đạt chuẩn EU-GMP – tiêu chuẩn nghiêm ngặt của châu Âu, giúp sản phẩm dễ dàng tiếp cận các thị trường phát triển. Đây được xem là tài sản có một không hai khiến Livzon sẵn sàng chi đậm để sở hữu quyền kiểm soát.
Không chỉ có tiềm năng về sản xuất, Imexpharm cũng đang cho thấy một phong độ kinh doanh ấn tượng. Kết thúc quý I/2025, công ty ghi nhận lợi nhuận trước thuế: 95 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu thuần: gần 600 tỷ đồng, tăng 21%, nhờ sự đóng góp đều của hai mảng ETC (bán buôn) và OTC (bán lẻ). Mảng thuốc kháng sinh – thế mạnh của Imexpharm đang chiếm khoảng 10% thị phần trong nước, là cơ sở giúp công ty giữ vững vị trí top đầu trong ngành dược phẩm Việt.
Ngành dược Việt Nam: Miếng bánh lớn liệu có dễ nuốt?
Trong vài năm trở lại đây, ngành dược Việt Nam đang chứng kiến làn sóng thâu tóm quyết liệt từ các ông lớn ngoại, với hàng loạt thương vụ M&A đình đám, biến thị trường dược phẩm không chỉ sôi động mà còn trở nên khốc liệt: Từ Domesco (DMC), Dược Hậu Giang (DHG), Dược Hà Tây (DHT), đến Imexpharm (IMP), các thương hiệu dẫn đầu ngành dược trong nước gần như đều đã “bắt tay” hoặc rơi vào tầm kiểm soát của các tập đoàn dược phẩm quốc tế.
Điển hình, Abbott (Mỹ) đang nắm 51,6% cổ phần tại Domesco, trở thành cổ đông chi phối từ nhiều năm nay; Taisho Pharmaceutical (Nhật Bản) đã chiếm giữ 51% vốn của Dược Hậu Giang, thương hiệu đầu ngành với mạng lưới phân phối trải dài toàn quốc; ASKA Pharmaceutical (Nhật Bản) hiện sở hữu trên 40% cổ phần Dược Hà Tây – một trong những công ty có tốc độ tăng trưởng nhanh ở phía Bắc.
Và mới nhất, như thông tin trên, Livzon Pharmaceutical (Trung Quốc) đã khiến thị trường dậy sóng với thương vụ chi 5.700 tỷ đồng để nắm 65% cổ phần tại Imexpharm, vượt giá thị trường gần 10%.
![]() |
Chỉ những doanh nghiệp có tầm nhìn dài hạn, dám đầu tư vào R&D, công nghệ và chuẩn quốc tế, mới đủ sức trụ vững và bứt phá trong cuộc đua khốc liệt này. |
Sự hiện diện ngày càng rõ nét của các đại gia quốc tế đang định hình lại cục diện cạnh tranh ngành dược Việt Nam. Các doanh nghiệp có “chống lưng” ngoại lập tức gia tăng lợi thế nhờ nguồn vốn mạnh để nâng cấp nhà máy, đạt tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt là EU-GMP – chìa khóa để thắng thầu vào kênh bệnh viện; Đầu tư mạnh mẽ cho R&D, liên tục tung ra sản phẩm mới phù hợp thị hiếu và nhu cầu điều trị; Kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu, giúp tối ưu hóa chi phí và đẩy mạnh xuất khẩu.
Ví dụ, sau khi được Taisho đầu tư, Dược Hậu Giang đã liên tục ra mắt các dòng sản phẩm mới, có mặt ở nhiều quốc gia ASEAN và cải thiện biên lợi nhuận đáng kể.
Tuy nhiên, trong khi một số doanh nghiệp “bắt sóng” đầu tư và tăng trưởng mạnh, thì nhiều tên tuổi lớn lại đang chật vật duy trì lợi nhuận: Traphaco (TRA) báo lãi quý I giảm 23%, còn 42 tỷ đồng; Dược Việt Nam (DVN) giảm lợi nhuận 10%; OPC tụt lợi nhuận 25%, chỉ còn 24 tỷ đồng; Mekophar (MKP) thậm chí từ lãi 14 tỷ đồng sang lỗ 13 tỷ đồng do doanh thu sụt giảm và chi phí đội lên; Dược phẩm Trung ương 2 (DP2) lỗ 3,4 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần mức lỗ cùng kỳ.
Điều này cho thấy sự phân hóa ngày càng sâu sắc, buộc các doanh nghiệp nội địa phải nhanh chóng chuyển mình nếu không muốn bị bỏ lại phía sau.
IQVIA, nhà cung cấp dữ liệu y tế lớn nhất thế giới, dự báo, thị trường dược Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng 6%–8% mỗi năm trong giai đoạn 2023–2028, với chi phí chăm sóc sức khỏe/đầu người tăng từ 237 USD lên 328 USD. Động lực đến từ:
Già hóa dân số: Việt Nam đang tiến nhanh vào giai đoạn dân số già – nhóm có nhu cầu sử dụng thuốc cao nhất; Thu nhập tăng và nhận thức về sức khỏe cải thiện: Người dân sẵn sàng chi nhiều hơn cho dược phẩm, thực phẩm chức năng và các giải pháp chăm sóc y tế chủ động; Chính sách hỗ trợ mạnh mẽ, đặc biệt là Luật Dược sửa đổi có hiệu lực từ 1/7 vừa qua – mở đường cho đổi mới, cắt giảm thủ tục, thúc đẩy sản xuất nội địa.
Hiện tại, sản xuất trong nước mới đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu dược phẩm, trong khi mục tiêu đến 2030 là đạt 80%. Đây là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp biết tận dụng và chuyển hóa năng lực sản xuất thành giá trị cạnh tranh.
>>>Bất ngờ: 2 tỉnh phía Bắc chiếm top đầu thị trường bất động sản được tìm kiếm nhiều nhất