Vật vã vì thủ tục “hành là chính”
Với nhiều người khởi nghiệp, hành trình dựng xây doanh nghiệp không bắt đầu từ sản phẩm, thị trường hay chiến lược kinh doanh, mà lại bắt đầu bằng những ngày vật lộn với các giấy tờ, thủ tục hành chính.
Cầm mớ hồ sơ trên tay tại Phòng Đăng ký Kinh doanh TP. Hà Nội, anh Nguyễn Văn Tiến (ở Thanh Xuân, TP. Hà Nội), chia sẻ: “Tôi mất gần 3 tuần chỉ để hoàn tất thủ tục đăng ký hộ kinh doanh cá thể. Mỗi lần nộp hồ sơ lại bị yêu cầu điều chỉnh chỗ này, sửa chỗ kia. Trong khi đó, trên cổng thông tin điện tử ghi quy trình chỉ mất 3 ngày làm việc”.
Hồ sơ của anh Tiến bị trả lại 3 lần chỉ vì ghi nhầm tên phường trong địa chỉ hộ kinh doanh. Thay vì hỗ trợ chỉnh sửa, cán bộ tiếp nhận chỉ nói ngắn gọn: “Về làm lại”. “Chúng tôi không ngại quy trình, nhưng nếu cán bộ cứ bắt bẻ từng dấu chấm, dấu phẩy mà không hướng dẫn cụ thể, hộ kinh doanh nhỏ như chúng tôi chỉ biết tự mò mẫm, sai, sửa, nộp lại và kéo dài không đáng có”, anh Tiến chia sẻ.
![]() |
Phòng Đăng ký Kinh doanh tại các địa phương luôn tấp nập số lượng người làm thủ tục trực tiếp và trực tuyến. |
Vấn đề không nằm ở số lượng thủ tục thuần túy mà là sự chồng chéo, thiếu liên thông và minh bạch giữa các cơ quan. Đặc biệt, dù Chính phủ đã đề ra chiến lược chuyển đổi số quốc gia và hàng loạt cổng dịch vụ công trực tuyến được ra mắt, nhưng thực tế cho thấy nhiều hệ thống dịch vụ hiện hoạt động quá tải, kém ổn định đã khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian khi thực hiện thủ tục.
Chia sẻ với PV Tiền Phong, chị Trần Thị Hạnh – giám đốc một doanh nghiệp thiết bị y tế – kể, mới đây công ty làm thủ tục thay đổi người đại diện pháp luật, nhưng khi nộp hồ sơ lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp thì hệ thống liên tục báo lỗi. Chờ mấy ngày không được, chị Hạnh liên hệ đến hotline trên website để nhờ sự hỗ trợ nhưng đều không có ai bắt máy.
Một khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) năm 2024 cho thấy, trên 58% doanh nghiệp nhỏ và vừa cảm thấy khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến do hệ thống không ổn định, lỗi giao diện, hoặc thiếu nhân sự hỗ trợ kỹ thuật.
“Việc này rất hay xảy ra mà mỗi lần như thế doanh nghiệp đợi cả mấy ngày chưa xong. Công ty phải cắt hẳn một bộ phận trực vào buổi tối để gửi hồ sơ, bởi gửi trong giờ hành chính hệ thống quá tải không thể được”, chị Hạnh nói và cho biết thêm có đợt vì yêu cầu thay đổi thông tin gấp rút nên phải đến bộ phận giao dịch một cửa để nộp trực tiếp, giấy hẹn rõ ràng trong 3 ngày sẽ xong, nhưng đến 3 ngày doanh nghiệp đến nhận vẫn chưa được.
“Tréo ngoe là chúng tôi đã cam kết với đối tác nước ngoài trong thời gian này sẽ hoàn thành xong để ký hợp đồng. Nhưng thủ tục chưa xong, không thể giải thích với họ là do trục trặc từ cơ quan chức năng nên doanh nghiệp rất mất uy tín”, chị Hạnh chia sẻ.
Nở rộ ‘cò’ dịch vụ
Vì sự khó khăn trong thực hiện các thủ tục được xem là sát sườn nhất, nhiều doanh nghiệp và người dân phải tìm đến dịch vụ “cò” để khỏi mất thời gian. Khảo sát của PV Tiền Phong cho thấy, nhiều văn phòng luật sư, đại lý hiện mở ra chỉ để chuyên cung cấp dịch vụ này.
![]() |
Việc thực hiện các thủ tục sát sườn liên quan đến doanh nghiệp chật vật đã khiến các dịch vụ hỗ trợ nở rộ. |
Từ dịch vụ đăng ký giấy chứng nhận doanh nghiệp mới, đến tăng, giảm vốn điều lệ; bổ sung ngành nghề kinh doanh; thay đổi cổ đông, địa chỉ công ty, dịch vụ, ngành nghề, hay giải thể doanh nghiệp… chi phí dao động từ 1-3 triệu đồng/hạng mục. Thậm chí, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư của doanh nghiệp, chi phí còn lên tới 30-40 triệu đồng, với thời gian cam kết hoàn thành từ 20-35 ngày tùy từng tỉnh, thành phố.
Chị Nguyễn Thị Huyền (ở Hà Nội) – người sáng lập một start-up trong lĩnh vực giáo dục – cho biết phải mất hơn 20 ngày và nhờ đến dịch vụ “lo trọn gói” với chi phí vài triệu đồng mới có thể cầm được trong tay giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
Tiết lộ với phóng viên, đại diện một văn phòng luật sư chia sẻ, với số lượng doanh nghiệp ngày càng nhiều, hệ thống cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp và tại các địa phương hiện đã quá tải. Chưa kể nhân sự thiếu, đáp ứng không kịp khối lượng công việc.
“Thời gian hoàn thành các thủ tục trong 3 ngày làm việc là chỉ trên lý thuyết, nó chỉ đúng tính từ ngày nộp hồ sơ đầy đủ và chuẩn 100%, còn trên thực tế hồ sơ có thể kéo dài tới cả tháng trời vì người làm đều dễ mắc lỗi. Ngay cả đơn vị chuyên nghiệp như chúng tôi, thời gian còn mất 8-10 ngày làm việc, chưa kể trong trường hợp hệ thống bị trục trặc, lỗi đường truyền có thể lâu hơn”, đại diện văn phòng luật sư chia sẻ.
Mất cơ hội kinh doanh
Chia sẻ với PV Tiền Phong, một doanh nghiệp đầu tư điện rác cho hay, doanh nghiệp trong lĩnh vực này hầu như đều “lên bờ xuống ruộng” với các thủ tục. Do vừa là nhà máy rác vừa là dự án phát điện nên doanh nghiệp phải thực hiện song song đầy đủ như 2 dự án.
Chỉ riêng thủ tục đánh giá tác động môi trường, doanh nghiệp đã mất từ 6 tháng đến 1 năm. Quá trình thẩm định, thẩm tra, nghiệm thu của dự án điện rác liên quan đến hầu như tất cả các cơ quan, ban ngành như Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Công Thương…
![]() |
Việc chậm trễ phê duyệt thủ tục xây dựng nhà ở xã hội khiến nhiều dự án đình trệ. |
Theo vị này, riêng khâu hoàn thiện thủ tục pháp lý, trung bình một dự án điện rác phải mất từ 1,5-2 năm kể từ thời điểm được cấp chủ trương đầu tư, có những dự án mất 6-7 năm vẫn chưa xong thủ tục nên tính về hiệu quả, chi phí cơ hội, doanh nghiệp thiệt đủ đường.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành cho rằng, bản chất của nhiều thủ tục hành chính hiện nay vẫn theo tư duy ‘xin – cho’, chưa thực sự chuyển sang cung cấp dịch vụ công. Muốn khuyến khích khởi nghiệp, xây dựng quốc gia số, không thể chỉ bằng văn bản, diễn đàn hay chỉ thị mà phải bắt đầu từ những việc nhỏ nhất: Hồ sơ không bị trả lại vì lỗi đánh máy, cán bộ không lắc đầu khi không có “phong bì”, doanh nghiệp không phải thuê người đi lại chỉ để nộp một tờ đơn.
Theo ông Thành cải cách chỉ bắt đầu khi thực hiện việc giám sát, công khai tên cán bộ xử lý hồ sơ và kết quả đánh giá của người dân. Điều này đòi hỏi cần nâng cao trách nhiệm cá nhân cán bộ công quyền, đồng thời phải đẩy mạnh liên thông dữ liệu giữa các cơ quan và có một hệ thống đánh giá độc lập mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với từng thủ tục cụ thể, làm cơ sở để “chấm điểm” cơ quan hành chính và công khai kết quả định kỳ…
>> Tỉnh nhỏ nhất Việt Nam hút hơn 10.000 tỷ vốn đăng ký doanh nghiệp trong tháng đầu năm