Các nhà lãnh đạo không đưa ra mốc thời gian cụ thể để Ukraine gia nhập liên minh phòng thủ NATO. Thay vào đó, họ cho biết có thể đưa ra lời mời Ukraine gia nhập liên minh khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng.
Theo đài CNN, các nhà lãnh đạo cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh những bước tiến cụ thể mà Ukraine đã đạt được kể từ Hội nghị thượng đỉnh Vilnius liên quan đến những cải cách dân chủ, kinh tế và an ninh mà Ukraine cần phải đáp ứng”.
Tuyên bố nêu rõ: “Trong tiến trình Ukraine thực hiện những bước đi quan trọng, chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine trên con đường không thể đảo ngược nhằm hội nhập toàn diện vào châu Âu – Đại Tây Dương, bao gồm việc trở thành thành viên NATO”.
Tuyên bố cũng đề ra sự hỗ trợ tiếp theo mà liên minh dành cho Kiev, bao gồm hệ thống phòng thủ tên lửa mới mà NATO từng cam kết trước đó, đồng thời thiết lập Trung tâm Huấn luyện và Hỗ trợ An ninh cho Ukraine để điều phối việc cung cấp trang thiết bị quân sự và huấn luyện cho Ukraine từ các đồng minh và các đối tác.
Việc thiết lập trung tâm huấn luyện và hỗ trợ an ninh cho Ukraine được coi là một bước quan trọng nhằm đảm bảo cam kết tiếp tục ủng hộ Kiev của Brussels trong trường hợp cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tái đắc cử.
Các nhà lãnh đạo NATO cũng cam kết hỗ trợ lâu dài cho Ukraine, với ý định cung cấp nguồn tài trợ cơ bản tối thiểu là 40 tỉ euro trong năm tới và cung cấp mức hỗ trợ an ninh bền vững để Ukraine giành ưu thế trong cuộc xung đột với Nga.
Cũng theo tuyên bố, nhằm hỗ trợ chia sẻ gánh nặng một cách công bằng, các nước thành viên NATO sẽ đáp ứng cam kết này thông qua các khoản đóng góp theo tỉ lệ, bao gồm cả việc tính đến phần đóng góp của họ trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của NATO.
Cùng với sự hỗ trợ về quân sự, các nước thành viên NATO cũng có ý định tiếp tục hỗ trợ chính trị, kinh tế, tài chính và nhân đạo cho Ukraine.