Một nghiên cứu mới cho thấy 7 ngôi sao có hành vi kỳ lạ trong cụm sao Omega Centauri của thiên hà chứa Trái Đất Milky Way (Ngân Hà) có thể đang chịu ảnh hưởng của một loại “quái vật bóng tối” cực kỳ hiếm gặp.
Đó là những lỗ đen có khối lượng trung bình, dạng vật thể “không thể giải thích”.
Chúng ta đã biết đến những lỗ đen siêu khối như Sagittarius A*, là siêu quái vật đóng vai trò “trái tim” của Ngân Hà. Các thiên hà khác cũng có dạng lỗ đen này.
Ngoài ra, có các lỗ đen nhỏ gọi là “lỗ đen khối lượng sao”, là kết quả từ sự sụp đổ cuối cùng của các ngôi sao siêu khổng lồ.
Nhưng gần đây, một loại lỗ đen có khối lượng nằm giữa hai loại cơ bản trên dần lộ diện, gọi là
“lỗ đen khối lượng trung bình” (IMBH). Chúng quá to để có thể do bất kỳ ngôi sao nào tạo thành, nhưng lại quá nhỏ để làm trung tâm của bất kỳ thiên hà nào.
Giải mã được câu đố về nguồn gốc IMBH cũng là tìm ra mắt xích còn thiếu trong sự tiến hóa của Ngân Hà và cả các thiên hà khác.
Giờ đây, nhà nghiên cứu Maximilian Häberle từ Viện Thiên văn học Max Planck (MPIA – Đức) và các cộng sự đã tìm thấy một cơ hội vàng để tìm hiểu về IMBH.
Theo Live Science, họ đã so sánh 500 bức ảnh chụp Omega Centauri của Kính viễn vọng Không gian Hubble và lập bản đồ chuyển động của khoảng 1,4 triệu ngôi sao tại trung tâm của cụm sao.
Điều này cho thấy ít nhất 7 ngôi sao “không nên có ở đó”. Chúng đang quay đủ nhanh để thoát khỏi lực hấp dẫn của cụm sao và bay vào không gian liên thiên hà. Nhưng một thế lực gì vẫn làm chúng mắc kẹt một cách kỳ bí.
Tất cả các phân tích cho thấy một kết quả duy nhất: 7 ngôi sao này đang bị tác động bởi một lỗ đen lớn, khối lượng gấp 8.200 lần Mặt Trời.
Với khoảng cách 15.800 năm ánh sáng từ cụm sao Omega Centauri đến Trái Đất, IMBH này là lỗ đen lớn gần Trái Đất nhất từng được phát hiện.
Trước đó, một số lỗ đen khác từng được xác định gần chúng ta hơn, nhưng đều là lỗ đen khối lượng sao.