Tại Điều 48 của Luật Kinh doanh Bất động sản quy định chủ đầu tư dự án, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản hay dịch vụ địa ốc phải nhận tiền thanh toán theo hợp đồng từ khách hàng thông qua tài khoản ngân hàng tại Việt Nam. Việc phạt, bồi thường thiệt hại vì chậm tiến độ thanh toán hay chậm bàn giao được các bên thỏa thuận và phải ghi trong hợp đồng.
Theo đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, quy định việc bắt buộc thanh toán qua ngân hàng chỉ áp dụng với chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Các cá nhân kinh doanh bất động sản quy mô nhỏ, bán nhà ở, công trình xây dựng , diện tích sàn trong công trình không nhằm mục đích kinh doanh hoặc bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở… không bắt buộc thanh toán bằng chuyển khoản .
Trước đó, Luật Kinh doanh bất động sản 2014 không bắt buộc việc giao dịch mua bán , chuyển nhượng bất động sản phải thanh toán qua ngân hàng.
TS. Cấn Văn Lực – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia – cho biết, việc quy định thanh toán không tiền mặt trong mua bán bất động sản là nội dung rất mới. Khi mua bán, các bên giao dịch phải chuyển khoản, không có tình trạng mang từng bao tải tiền để đi thanh toán như ngày trước. Điều này sẽ giúp tăng cường tính công khai, minh bạch, không lo đến các rủi ro mất tiền do cướp giật, đặc biệt là sẽ nộp thuế, phí minh bạch.
“Đây cũng là xu hướng thanh toán không tiền mặt mà Việt Nam đang khuyến khích”, ông Lực nói.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cũng cho rằng, nước ta đã tham gia Công ước của Liên Hiệp quốc về phòng, chống rửa tiền và để thực hiện Luật Phòng, chống rửa tiền 2012; Chính phủ đã ban hành Nghị định 116/2013 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng chống rửa tiền nên việc quy định thanh toán trong giao dịch kinh doanh bất động sản phải qua ngân hàng là rất cần thiết và hợp lý.
Theo ông Châu, quy định này sẽ góp phần giúp chống thất thu thuế, chống rửa tiền và minh bạch thị trường. Từ đó cũng có thể góp phần hạn chế tình trạng thổi giá, lũng đoạn gây bất ổn thị trường như thời gian qua.
“Trước đây, mỗi cá nhân có nhiều giấy tờ cá nhân như chứng minh thư nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu, nhiều số tài khoản ngân hàng. Vì vậy, khó kiểm soát kê khai dòng tiền mua bất động sản. Tuy nhiên, với chương trình cấp mã số định danh cá nhân, mỗi cá nhân sẽ chỉ còn một mã số định danh. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để tiếp tục thực hiện yêu cầu chuyển nhượng giao dịch bất động sản qua ngân hàng”, ông Châu cho biết.
Ngoài ra, Điều 47 của Luật Kinh doanh Bất động sản cũng quy định, giá bán, chuyển nhượng, cho thuê, và cho thuê mua bất động sản phải được ghi đúng với giá giao dịch thực tế trong hợp đồng. Tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản chịu trách nhiệm ghi đúng giá giao dịch thực tế, tránh tình trạng ghi giá thấp hơn để giảm thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ.
Trước đó, tình trạng mua bán bất động sản kê khai trên hợp đồng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế (2 giá) diễn ra phổ biến. Các cơ quan chức năng cũng đã xử lý nhiều trường hợp khai không đúng giá chuyển nhượng bất động sản để trốn thuế.