spot_img
23.2 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngBất ngờ giá vé máy bay

Bất ngờ giá vé máy bay

Giá vé máy bay nhiều chặng bất ngờ hạ nhiệt so với cao điểm đầu hè 2025 nhưng không dễ giảm sâu do sức ép tỉ giá, giá nhiên liệu cao…

Ngày 1-7, chị Ngọc Chung (ngụ phường Hiệp Bình, TP HCM) cho biết khoảng 2 tuần trước, chị xem vé máy bay chặng TP HCM – Thanh Hóa, giá thấp nhất từ 2,1 triệu đồng/chặng, ngang vé mua sớm dịp Tết. Thấy giá cao, chị không dám mua cho cả nhà về quê chơi, phải sắp xếp lại kế hoạch nghỉ hè.

Chỉ giảm một số chặng

“Mấy ngày nay, tôi truy cập website các hãng, thấy giá vé của Vietjet giảm còn 1,5-1,7 triệu đồng/chặng; Vietnam Airlines cũng còn khoảng 2 triệu đồng/chặng, thay vì mức 2,5-2,7 triệu đồng/chặng vài tuần trước” – chị Chung kể.

Tương tự, chị Bích Vân (ngụ phường Gia Định, TP HCM) kể giữa tháng 7 này, chị có lịch cho con về quê Bình Định (tỉnh Gia Lai mới) nghỉ hè. Chị đặt 3 vé máy bay khứ hồi nhưng chỉ có 4,6 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với mùa hè năm ngoái.

Bất ngờ giá vé máy bay- Ảnh 1.

Nhu cầu đi lại bằng máy bay tăng cao, đặc biệt trong dịp hè khiến giá vé khó giảm sâu

Giá vé máy bay hạ nhiệt trong bối cảnh các hãng hàng không cấp tập “tậu” thêm máy bay mới, như Vietravel Airlines vừa đón máy bay Airbus A321 đầu tiên thuộc quyền sở hữu của hãng và sẽ đưa vào khai thác ngay đầu tháng 7 này. Dự kiến, vài ngày tới hãng sẽ đón thêm 2 máy bay Airbus A320, hoàn tất kế hoạch tăng cường đội bay với các dòng máy bay hiện đại, linh hoạt và hiệu quả.

Trước đó, hồi giữa tháng 6, Vietjet và hãng Airbus đã công bố đơn đặt hàng gồm 100 máy bay và 50 quyền chọn mua A321neo mới ngay tại Triển lãm Hàng không Lé Bourget Paris (Paris Airshow) 2025. Đơn đặt hàng tiếp nối thỏa thuận đặt mua 20 máy bay A330neo mới vào tháng trước, nâng tổng số máy bay thân rộng hãng lên 40 chiếc, cho phép Vietjet tăng cường thêm chuyến bay trên các đường bay có nhu cầu cao trên khắp khu vực châu Á – Thái Bình Dương; ra mắt các đường bay dài mới đến châu Âu trong tương lai.

Vietjet hiện khai thác đội tàu hơn 120 máy bay thế hệ mới, tiết kiệm nhiên liệu, và đã đặt hàng hơn 400 máy bay.

Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines cũng đang hoàn tất các bước chuẩn bị cho dự án đầu tư 50 máy bay thân hẹp hiện đại với tổng mức đầu tư hơn 92.000 tỉ đồng. Trong nửa đầu năm 2025, hãng đã mở thêm 5 đường bay quốc tế mới, đồng thời khôi phục 4 đường bay quan trọng đến Moscow, Bali, Kuala Lumpur và Hồng Kông (Trung Quốc). “Hai đường bay trọng điểm đến Milan và Copenhagen sẽ lần lượt được khai thác từ tháng 7 và tháng 12 năm nay” – đại diện Vietnam Airlines nói.

Giá nhiên liệu, tỉ giá “làm khó”?

Dù vậy, một số hành khách phản ánh giá vé máy bay ở nhiều chặng vẫn còn khá cao, đặc biệt là những điểm du lịch nổi tiếng. Nguyên nhân được các hãng, công ty du lịch và các chuyên gia đưa ra là do ảnh hưởng của cung cầu. Cụ thể, trong giai đoạn cao điểm như hè này, nhu cầu tăng vọt từ cả nội địa và khách quốc tế (6 tháng đầu năm khách quốc tế tăng 13%, khách quốc nội tăng 7%).

Trong khi đó, số ghế cung ứng dù đã được tăng từ các hãng nhưng vẫn còn ảnh hưởng từ tình trạng thiếu máy bay. Chưa kể, việc các hãng bay đang đẩy mạnh tiềm kiếm lợi nhuận sau giai đoạn dài khó khăn vì COVID-19 nên sẽ giữ giá vé trung bình ở mức cao, khó hạ nhiệt. Ngoài ra, các yếu tố chi phí đầu vào phần lớn thanh toán bằng ngoại tệ (đồng USD là chủ yếu) như chi phí thuê máy bay, bảo dưỡng… nên việc tỉ giá neo cao trong giai đoạn vừa qua cũng góp phần đẩy giá vé máy bay lên.

Trong văn bản trả lời cử tri về giải pháp hạ nhiệt giá vé máy bay, Bộ Xây dựng cho biết về cơ bản biến động về giá dịch vụ vận chuyển hàng không bị tác động bởi 2 nguyên nhân chính gồm: biến động của các yếu tố hình thành chi phí và biến động cung – cầu thị trường. Cụ thể, trong cơ cấu chi phí 1 chuyến bay, chi phí nhiên liệu bay và chi phí thuê, mua, sửa chữa, bảo dưỡng tàu bay chiếm tỉ trọng tới 70%-80% tổng chi phí. 

Gần như toàn bộ các chi phí này đều được thanh toán bằng ngoại tệ và chịu tác động trực tiếp bởi biến động tỉ giá. “Giá nhiên liệu bay và tỉ giá là 2 yếu tố chi phí chịu ảnh hưởng lớn của tình hình kinh tế, chính trị vĩ mô trong nước và trên thế giới, nằm ngoài khả năng kiểm soát của các hãng hàng không và cơ quan quản lý chuyên ngành” – Bộ Xây dựng nêu.

Theo dữ liệu mới nhất mà bộ công bố, ngày 23-6-2025, giá Jet A1 đã tăng lên 86,4 USD/thùng, phá vỡ xu hướng giảm kéo dài từ năm 2022 đến nay. Về tỉ giá, từ năm 2021 đến nay, tỉ giá USD/VNĐ trong xu hướng tăng mạnh, gần 3% so với cuối năm ngoái.

Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam triển khai các giải pháp nhằm mục tiêu bổ sung, cân đối tải cung ứng giữa các đường bay nội địa và quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam, hỗ trợ các hãng tăng cường năng lực khai thác, phù hợp với các thời điểm thị trường. 

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật