Mặc dù vẫn tồn tại một số rủi ro, nhưng những yếu tố hỗ trợ cơ bản vượt trội cho thấy bạc có thể đang bước vào một “siêu chu kỳ” kéo dài nhiều năm, mang đến một cơ hội đầu tư chiến lược hiếm có.
Động thái đột phá của ngân hàng trung ương
Để giá vàng có thể tăng đột phá như giai đoạn cuối năm 2024, đầu năm 2025 vừa qua, động lực chủ yếu đến từ nhu cầu mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu.
Và bạc cũng như vậy, để có thể bứt phá mạnh mẽ “chưa từng có”, cần phải có những động thái đột phá của các ngân hàng trung ương. Mới đây, Ngân hàng Trung ương Nga (Central Bank of Russia – CBR) đã tham gia vào thị trường bạc khi quyết định bổ sung bạc vào dự trữ quốc gia. Theo báo cáo mới nhất vào cuối tháng 6, CBR đã phân bổ 535 triệu USD trong 3 năm qua vào kim loại quý màu trắng này.
Mối liên hệ giữa các ngân hàng trung ương và bạc đã bị “bỏ rơi” trong hơn một thế kỷ. Điều này xuất phát từ “Tội ác năm 1873” (Crime of 1873) khi Hoa Kỳ loại bỏ đồng đô la bạc tiêu chuẩn. Điều này có nghĩa là bạc không còn được đúc thành tiền xu với giá trị tiền tệ trên toàn nước Mỹ.
Sau đó là việc kho dự trữ bạc chiến lược của Hoa Kỳ đã cạn kiệt hoàn toàn vào năm 2002 sau khi được sử dụng để kìm hãm đà tăng của giá bạc trong nỗ lực chiếm lĩnh thị trường của anh em nhà Hunt (Hunt Brothers) vào năm 1980.
Kể từ khi kho bạc dự trữ của Mỹ cạn kiệt, trong ít nhất 20 năm, không có ngân hàng trung ương lớn nào nắm giữ dự trữ bạc cho đến khi Nga thực hiện điều này.
Đây có thể đánh dấu một tín hiệu rõ ràng nhất cho xu hướng phi đô la hóa. Theo Gainesville Coins, công ty kinh doanh kim loại quý hoàng đầu tại Mỹ, Nga đang dẫn đầu cho một xu hướng mới, một dòng tiền thông minh rời bỏ đô la.

Ngân hàng trung ương Nga
Siêu chu kỳ có hình thành?
Quyết định của CBR là một phần của Dự thảo ngân sách Liên bang Nga cho giai đoạn 2025-2027, phân bổ 51,5 tỷ rúp (535-538 triệu USD) cho việc mua sắm kim loại quý, trong đó bao gồm bạc cùng với vàng, bạch kim và palladium.
Việc đưa bạc vào kho dự trữ chiến lược là một phần trực tiếp trong kế hoạch rộng lớn của Nga nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng đô la Mỹ, đồng thời là phản ứng đối với các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Điều này cũng phù hợp với xu hướng toàn cầu đang lan rộng đó là các ngân hàng trung ương đang đa dạng hóa tài sản do niềm tin vào đồng đô la đang suy giảm.
Bên cạnh đó, căng thẳng địa chính trị leo thang và lo ngại về sự bất ổn trong các chính sách thương mại của Mỹ thúc đẩy xu hướng đa dạng hóa này. Động thái của Nga cho thấy sự mở rộng của chiến lược đa dạng hóa này sang bạc.
Việc các ngân hàng trung ương “hoàn toàn bỏ qua bạc” trong nhiều thập kỷ đang cho thấy một tiềm năng to lớn, chưa được khai thác của bạc, giúp kim loại trắng này giành lại vai trò tiền tệ của nó.
Đây không chỉ là một chiến thuật mang tính tình thế mà là một động thái chiến lược để xây dựng một danh mục dự trữ kiên cường hơn.
Hành động này của Nga có thể đóng vai trò là một tín hiệu mạnh mẽ, khuyến khích các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia đang đối mặt với áp lực địa chính trị hoặc tìm kiếm sự độc lập tài chính lớn hơn, xem xét bạc như một thành phần trong dự trữ quốc gia của họ.
Điều này sẽ tái thiết lại vị thế toàn cầu của bạc, nâng nó từ một kim loại chủ yếu là công nghiệp thành một tài sản kép tiền tệ và thậm chí là tài sản dự trữ chiến lược toàn cầu. Một sự thay đổi như vậy sẽ mở ra một siêu chu kỳ của bạc, cung cấp chất xúc tác mạnh mẽ, dài hạn cho việc tăng giá.
Là nhà sản xuất bạc lớn thứ tám thế giới, với sản lược gần 1.200 tấn hàng năm, Nga đang tận dụng một cách triệt để năng lực sản xuất của mình. Điều này cho phép quốc gia này mua bạc tích lũy vào kho dự trữ mà không ảnh hưởng đến sản lượng và nhu cầu trong nước, hạn chế tối đa việc phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, tiếp tục bảo vệ hệ thống tài chính của mình khỏi các hạn chế tiềm năng từ các lệnh trừng phạt của phương tây.
Các nhà phân tích dự đoán rằng việc Nga tham gia thị trường bạc một cách chiến lược có thể đẩy giá bạc tăng 50% trong vòng 24 tháng, đặc biệt nếu các quốc gia khác noi gương Nga. Điều này cho thấy niềm tin mạnh mẽ rằng nhu cầu thể chế này có thể định giá lại đáng kể giá trị của bạc.

Xu hướng phi đô la hóa đang lan rộng.
Vì sao bạc được chú ý trở lại?
Bản chất kép của bạc, vừa là tài sản, một loại tiền tệ, vừa là kim loại công nghiệp thiết yếu, tạo ra một đòn bẩy độc đáo trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn hiện tại.
Điều này có nghĩa là không giống như vàng, vốn chủ yếu được sử dụng trong trang sức hoặc dưới dạng thỏi để tích trữ, bạc được hưởng lợi từ hai động lực riêng biệt và mạnh mẽ (cả tích trữ và nhu cầu công nghiệp). Sự kết hợp này mang lại một sức mạnh đặc biệt cho kim loại trắng.
Nó cho phép bạc phát triển mạnh mẽ trong cả môi trường lạm phát/bất ổn (nhu cầu trú ẩn) và giai đoạn tăng trưởng công nghệ mạnh mẽ (nhu cầu công nghiệp), định vị nó là một khoản đầu tư năng động và có tiềm năng bùng nổ hơn vàng trong bối cảnh kinh tế thế giới đối mặt với nhiều bất ổn.
Bên cạnh giá trị nội tại, các yếu tố cơ bản cũng ủng hộ cho bạc để tỏa sáng. Sản lượng khai thác bạc toàn cầu ổn định, dao động quanh mức 26 đến 28 nghìn tấn hàng năm, theo Metals Focus.
Tuy nhiên, mức tăng trưởng hàng năm là rất nhỏ so với nhu cầu đang tăng vọt, đạt mức kỷ lục 4 năm liên tiếp và dự kiến tiếp tục tăng trong năm 2025.
Không những vậy, lượng bạc tái chế giảm mặc dù giá cao cho thấy nguồn cung trên mặt đất đang cạn kiệt. Trong khi đó, chỉ tính riêng nhu cầu công nghiệp về bạc đã đạt mức kỷ lục mới là hơn 21 nghìn tấn vào năm 2024. Con số này dự kiến sẽ vượt 700 triệu ounce vào năm 2025. Mức tiêu thụ công nghiệp hiện chiếm 59% tổng nhu cầu bạc, một sự gia tăng đáng kể so với 50% chỉ một thập kỷ trước, cho thấy một sự thay đổi cấu trúc cơ bản.
Không những vậy, việc mở rộng nhanh chóng trong cơ sở hạ tầng 5G và Internet of Things (IoT) cũng thúc đẩy nhu cầu bạc. Dự kiến chi phí cho cơ sở hạ tầng công nghệ mới này trên toàn cầu có thể đạt 17,68 tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng với tốc độ kép hàng năm là 47,6%, có khả năng làm tăng gấp ba lần nhu cầu bạc lên hơn 700 tấn bạc cho hơn 70 tỷ thiết bị kết nối vào năm 2025, theo Gainesville Coins. Điều này làm trầm trọng hơn việc thiếu hụt nguồn cung của bạc.
Tại Việt Nam, hệ thống hạ tầng công nghệ cao cũng được thúc đẩy trong nhiều năm qua, điều này đem đến cơ hội đầu tư không thể bỏ qua với bạc.
Trong một năm vừa qua, nhà đầu tư Việt Nam đang chuyển dần sự chú ý của mình vào sản phẩm bạc thỏi tích trữ với đà tăng hơn 40% trong 1 năm (mức đỉnh vào giữa tháng 6 vừa qua). Với mức chi phí vốn vừa phải, phù hợp cho nhiều đối tượng, kim loại trắng đang dành được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ với xu hướng tích lũy, tiết kiệm hàng tháng.
Cập nhật tại Tập đoàn vàng bạc đá quý Phú Quý, giá bạc thỏi Phú Quý đang giao dịch quanh mức 1.382.000 đồng/lượng – mua vào, 1.425.000 đồng/lượng – bán ra.