Liệu đây có phải là bước ngoặt thực sự, hay chỉ là một phép thử đầy rủi ro trong bàn cờ chính trị Trung Đông đầy bất ổn?
Cơ hội nhân đạo giữa bối cảnh địa ngục
Với hơn 56.000 người Palestine thiệt mạng, trên 134.000 người bị thương, và hệ thống y tế tại Dải Gaza gần như sụp đổ hoàn toàn, một lệnh ngừng bắn 60 ngày (nếu thực sự thành hiện thực) có thể mang ý nghĩa sống còn cho hàng triệu con người. Bệnh viện Al Shifa, trung tâm y tế lớn nhất ở phía Bắc Gaza, đã cạn kiệt nhiên liệu, khiến hàng trăm bệnh nhân rơi vào tình trạng đối mặt tử thần từng giờ.
Bên cạnh cứu trợ y tế, thỏa thuận còn là cơ hội để thực hiện các cuộc trao đổi con tin và tù nhân – một trọng tâm then chốt trong nỗ lực làm dịu xung đột. Khoảng 50 con tin Israel vẫn đang bị giam giữ trong tay lực lượng Hamas, và việc trao đổi họ lấy tù nhân Palestine sẽ là một phần thiết yếu của thỏa thuận.
Thế nhưng, có lẽ điều quan trọng hơn cả là bản chất của lệnh ngừng bắn này – không chỉ là một khoảng lặng nhân đạo, mà còn là khung thời gian để các bên đàm phán về một giải pháp lâu dài, có thể dẫn tới chấm dứt chiến tranh.
Tổng thống Donald Trump không giấu giếm tham vọng biến 60 ngày này thành nền tảng cho một thỏa thuận hòa bình toàn diện (điều mà tất cả các nỗ lực trước đó đều thất bại).
![]() |
Một phụ nữ Palestine đau buồn trước cái chết của con mình (thiệt mạng trong cuộc không kích của quân đội Israel vào ngày 19/6/2026. Ảnh: AP. |
Thế lưỡng nan không lối thoát
Tuy nhiên, bước vào bàn đàm phán là một chuyện, còn đạt được đồng thuận lại là chuyện khác. Những khác biệt về lập trường giữa Israel và Hamas chưa bao giờ sâu sắc đến thế.
Hamas kiên quyết yêu cầu một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn, quân đội Israel phải rút hoàn toàn khỏi Dải Gaza và quyền lực của Hamas được duy trì.
Ngược lại, Israel tuyên bố chỉ kết thúc chiến tranh nếu Hamas đầu hàng, giải giáp và rời khỏi chính trường (điều mà Hamas tuyệt đối bác bỏ).
Chính điểm nghẽn này đã nhiều lần làm sụp đổ các nỗ lực trung gian của Qatar, Ai Cập và Mỹ. Và lần này, dù có Tổng thống Trump đứng sau thúc ép cả hai bên, cơ hội khơi thông điểm nghẽn vẫn vô cùng mong manh.
Niềm tin giữa hai bên gần như bằng không. Hamas cho rằng Israel sẽ lợi dụng thời gian ngừng bắn để củng cố lực lượng, trong khi đó, Israel cáo buộc Hamas sẽ tái vũ trang. Trong hoàn cảnh đó, ngay cả một đề xuất tạm thời cũng trở thành canh bạc chính trị đầy rủi ro.
![]() |
Người dân Palestine mang theo thi thể của những người thân yêu thiệt mạng khi lực lượng Israel nổ súng gần thành phố Khan Younis phía nam Dải Gaza ngày 17/6/2025. Ảnh: AP. |
Tính toán bên trong
Tại Israel, nội bộ chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu chia rẽ sâu sắc. Phái cực hữu kiên quyết phản đối bất kỳ thỏa thuận nào. Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich thẳng thừng tuyên bố: “Không có thỏa thuận. Không có đối tác. Không có trung gian. Chỉ có một mục tiêu rõ ràng – tiêu diệt Hamas”. Nếu Thủ tướng Netanyahu tiến quá gần đến hòa đàm, liên minh cầm quyền của ông có thể sụp đổ.
Ở phía Hamas, nhượng bộ đồng nghĩa với mất uy tín và quyền lực. Iran (hậu thuẫn chính của Hamas) vừa phải gánh chịu thiệt hại nặng nề trong chiến dịch không kích của Mỹ và Israel vào các cơ sở hạt nhân Tehran. Trong bối cảnh đó, Hamas có thể mất đi sự ủng hộ nếu tỏ ra quá mềm mỏng.
![]() |
Dải Gaza hoang tàn, đổ nát vì chiến tranh. Ảnh: Reuters. |
Ngay cả ông Trump (người tuyên bố đã “dọn đường cho thỏa thuận”) cũng đang bị nghi ngờ về động cơ chính trị khi công bố đề xuất ngay trước chuyến thăm của ông Netanyahu tới Nhà Trắng. Có phải đây là một nước cờ tranh thủ dư luận, hay thực sự là nỗ lực kiến tạo hòa bình?
Ông chủ Nhà Trắng có thể đang cố gắng biến tiến trình đàm phán Israel-Hamas thành một thành tựu ngoại giao trước thềm bầu cử giữa kỳ 2026. Tuyên bố của ông rằng “nó (thỏa thuận) sẽ không tốt hơn – CHỈ CÓ TỆ HƠN” rõ ràng vừa là một lời đe dọa, vừa là một lời cảnh tỉnh. Nhưng liệu ông Trump có thực sự sẵn sàng duy trì cam kết và trách nhiệm sau khi đạt được lệnh ngừng bắn hay không? Hay đây chỉ là một chiến thắng ngoại giao ngắn hạn để ghi điểm chính trị nội bộ?
Việc Tổng thống Trump để Qatar và Ai Cập làm bên chuyển giao đề xuất cuối cùng cho Hamas cho thấy Mỹ đang duy trì vị thế hậu trường hơn là trực tiếp đàm phán. Đó có thể là một tính toán khôn ngoan, nhưng cũng có nguy cơ khiến lệnh ngừng bắn thiếu đi một bên bảo trợ mạnh mẽ nếu khủng hoảng tái phát.
![]() |
Một chiếc xe tăng của Israel được sử dụng ở Dải Gaza, gần biên giới Israel-Gaza, nhìn từ Israel, ngày 29/5/2025. Ảnh: Reuters. |
Nguy cơ bị phá vỡ từ trong trứng nước
Ngay cả khi hai bên Israel và Hamas đồng ý ngừng bắn, việc thực thi vẫn đối mặt muôn vàn trở ngại.
Thứ nhất, ai sẽ giám sát lệnh ngừng bắn? Các tổ chức nhân đạo quốc tế như Oxfam, Save the Children, Amnesty International… đã đồng loạt kêu gọi giải tán hệ thống phân phối viện trợ Gaza Humanitarian Foundation (GHF) do Israel và Mỹ hậu thuẫn, sau hàng loạt vụ giết hại dân thường tại các điểm phân phát lương thực. Liệu một cơ chế thay thế (có thể là các công ty an ninh tư nhân) có đủ trung lập để thực hiện sứ mệnh đầy rủi ro này?
![]() |
Người dân Palestine sơ tán sau cuộc không kích của Israel vào một ngôi nhà ở thành phố Gaza, ngày 30/5/2025. Ảnh: Reuters. |
Thứ hai, nguy cơ đến từ các “tác nhân phá đám” như lực lượng Houthi ở Yemen, Hezbollah ở Li-băng, các nhóm vũ trang thân Iran… Chỉ cần một vụ tấn công nhỏ cũng có thể phá vỡ hoàn toàn thỏa thuận mong manh.
Chiến dịch quân sự quy mô lớn của Israel tại Dải Gaza (với hơn 60% lãnh thổ bị kiểm soát và hàng triệu người dân bị dồn vào những khu vực ven biển) đã phơi bày một sự thật đáng buồn – sức mạnh quân sự có thể chiếm đất, nhưng không thể mang lại hòa bình.
Ngay cả khi Israel đạt được những thành công chiến thuật như tiêu diệt nhiều thủ lĩnh cấp cao của Hamas, tổ chức này vẫn tồn tại, vẫn tiến hành các cuộc tấn công bằng thiết bị nổ tự chế, vẫn giữ con tin, và vẫn còn sự ủng hộ ngầm từ một bộ phận người Palestine tuyệt vọng. Những “thành công” đó không chuyển hóa thành một thắng lợi chiến lược – thứ mà bất kỳ nhà lãnh đạo nào cũng cần để tuyên bố đã đạt được mục tiêu.
Một vị tướng về hưu của Israel, ông Israel Ziv, nhận định: “Lực lượng Phòng vệ Israel đã đạt đến giới hạn của những gì có thể làm bằng sức mạnh. Thủ tướng Netanyahu đã đến ngã ba quyết định”.
Và đó không chỉ là quyết định của một người, mà là bài kiểm tra đối với toàn bộ xã hội Israel – liệu họ muốn tiếp tục một cuộc chiến kéo dài không lối thoát, hay chấp nhận một thỏa hiệp khó khăn để cứu lấy các con tin và danh dự quốc gia.
![]() |
Một phụ nữ Palestine phản ứng sau cuộc không kích của Israel vào một ngôi nhà ở thành phố Gaza, ngày 30/5/2025. Ảnh: Reuters. |
Khoảng lặng trước cơn bão mới?
Ngay cả trong kịch bản tích cực nhất (Hamas và Israel cùng chấp nhận đề xuất ngừng bắn, việc thực thi trôi chảy, trao đổi con tin thành công), câu hỏi vẫn còn đó – chuyện gì sẽ xảy ra vào ngày thứ 61?
Nếu không có một lộ trình chính trị rõ ràng sau 60 ngày, nếu Israel tiếp tục từ chối cam kết chấm dứt chiến tranh và Hamas vẫn bám giữ quyền lực, thì rất có thể lệnh ngừng bắn này sẽ trở thành một khoảng lặng trước cơn bão mới.
Các bên liên quan (Mỹ, Qatar, Ai Cập, Liên Hợp Quốc) cần nhanh chóng sử dụng thời gian quý báu của 60 ngày này để xây dựng cơ chế đàm phán dài hạn, bảo đảm an ninh cho dân thường và tạo điều kiện cho sự tham gia của các cơ quan giám sát quốc tế. Nếu không, thỏa thuận này sẽ sớm rơi vào vòng xoáy thất bại như biết bao nỗ lực trước đó.
![]() |
Khói bốc lên từ Dải Gaza sau một vụ nổ, gần biên giới Israel-Gaza, nhìn từ Israel, ngày 30/5/2025. Ảnh: Reuters. |
Hòa bình không thể được xây dựng bằng bom đạn, cũng không thể duy trì bằng những bản ghi nhớ mỏng manh mà không có lòng tin và ý chí chính trị thực sự.
Gaza cần một thỏa thuận hòa bình thực chất (không phải chỉ để đổi lấy con tin, hay để giải tỏa áp lực chính trị nhất thời) mà để mang lại một tương lai cho hơn hai triệu con người đang bị giam cầm trong nghèo đói, đổ nát và tuyệt vọng.
Nếu được thực thi, thỏa thuận ngừng bắn 60 ngày sẽ là một bước đi cần thiết nhưng chưa đủ. Nó không thể là điểm đến, mà chỉ nên là điểm khởi đầu.
Đã đến lúc các bên (đặc biệt là những nhà lãnh đạo của Israel và Hamas) phải vượt lên trên tính toán chính trị thiển cận, để đặt tương lai của hàng triệu người lên bàn cân. Nếu không, họ sẽ chỉ tiếp tục viết thêm những chương máu trong cuốn biên niên sử đau thương của Dải Gaza – một vùng đất từng được gọi là “thiên đường ven biển”, nay chỉ còn là đống đổ nát dưới bom đạn, khói lửa giao tranh.
>> Những đôi mắt cuối cùng tại Gaza