spot_img
27.3 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánHoa Sen (HSG) ước lãi 80 tỷ đồng/tháng bất chấp thuế quan,...

Hoa Sen (HSG) ước lãi 80 tỷ đồng/tháng bất chấp thuế quan, 60% thép HRC lấy từ Hòa Phát và Formosa

Dù đối mặt xu hướng bảo hộ thương mại và áp lực cạnh tranh trong nước, Hoa Sen vẫn ghi nhận kết quả kinh doanh tích cực với lợi nhuận dự kiến 80 tỷ đồng/tháng trong quý II/2025 nhờ hệ thống phân phối mạnh, giá thép tăng và thị trường bất động sản khởi sắc.

VNDirect Research vừa tham dự buổi họp nhà đầu tư của CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HoSE: HSG) vào ngày 26/6 và ghi nhận nhiều thông tin đáng chú ý về triển vọng kinh doanh cũng như chiến lược ứng phó của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường biến động.

HSG ước lãi 80 tỷ đồng/tháng trong quý II/2025

Theo chia sẻ từ ban lãnh đạo HSG, thị trường xuất khẩu năm 2025 đang gặp nhiều thách thức do xu hướng dịch chuyển từ toàn cầu hóa sang chủ nghĩa bảo hộ. Hiện tại, 60% – 65% tỷ trọng tiêu thụ của HSG đến từ thị trường nội địa, phần còn lại là xuất khẩu.

Thị trường trong nước cũng trở nên cạnh tranh hơn khi tổng công suất sản xuất thép mạ đã gấp 3 lần nhu cầu tiêu thụ. Tuy vậy, HSG vẫn duy trì lợi thế nhờ hệ thống phân phối mạnh với hơn 406 cửa hàng Hoa Sen Home trên toàn quốc. Cùng với đó, thị trường bất động sản phục hồi đã giúp sản lượng tiêu thụ nội địa tăng từ 70.000 – 75.000 tấn/tháng lên 80.000 – 85.000 tấn/tháng trong nửa đầu năm 2025.

Hoa Sen (HSG) ước lãi 80 tỷ đồng/tháng bất chấp thuế quan, 60% thép HRC lấy từ Hòa Phát và Formosa
Ảnh minh họa

Về cơ cấu lợi nhuận, mảng phân phối thương mại của HSG hiện có biên lợi nhuận gộp khoảng 2% – 3% với thép xây dựng, 15% – 20% với sơn và 25% – 30% với gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh. Tuy nhiên, mảng này chỉ chiếm khoảng 10% doanh thu toàn công ty. Tổng thể, biên lợi nhuận gộp hợp nhất của HSG vẫn duy trì ổn định ở mức 11% – 12%.

Kết quả kinh doanh quý II/2025 ghi nhận tích cực với lợi nhuận ròng bình quân khoảng 80 tỷ đồng/tháng. Trong thời gian tới, HSG đặt mục tiêu mở thêm 30 cửa hàng Hoa Sen Home mỗi năm và tiếp tục đầu tư mở rộng, tự động hóa hệ thống kho trung tâm nhằm nâng cao hiệu quả vận hành.

Giá thép mạ tăng nhờ việc áp thuế thép HRC nhập khẩu

Hiện tại, HSG đang nhập khoảng 60% thép cuộn cán nóng (HRC) từ các nhà cung cấp trong nước như Hòa Phát (HoSE: HPG) và Formosa, phần còn lại đến từ nhập khẩu.

Hoa Sen (HSG) ước lãi 80 tỷ đồng/tháng bất chấp thuế quan, 60% thép HRC lấy từ Hòa Phát và Formosa
Thép HRC là nguyên liệu đầu vào của HSG

Mới đây, Bộ Công Thương đã chính thức áp thuế chống bán phá giá từ 23,1% – 27,83% đối với một số sản phẩm thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc. Thời gian áp dụng bắt đầu từ ngày 6/7/2025 và kéo dài 5 năm.

Trong khi đó, Bộ Công Thương cũng vừa áp thuế chống bán phá giá tạm thời từ 0% – 37,13% đối với thép mạ nhập khẩu từ Trung Quốc và Hàn Quốc. Hiện tại, vụ việc vẫn đang chờ quyết định chính thức.

VNDirect Research nhận định, giá thép mạ trong nước đã tăng nhờ Việt Nam áp thuế đối với thép HRC nhập khẩu. Trong khi đó, việc áp thuế lên thép mạ nhập khẩu không tác động đến giá trong nước do nguồn cung thép mạ tại Việt Nam vẫn dồi dào, không thiếu hụt.

>> Việt Nam chính thức áp thuế gần 28% với một số sản phẩm thép HRC Trung Quốc – Hòa Phát, Formosa hưởng lợi lớn

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật