FiinRatings vừa công bố báo cáo: “Góc nhìn Xếp hạng Tín nhiệm: Chuyển giao bắt buộc và tác động đối với ngành ngân hàng Việt Nam”
FiinRatings đánh giá cơ chế chuyển giao bắt buộc sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy quá trình tái định hình trật tự xếp hạng trong hệ thống ngân hàng, đồng thời gia tăng mức độ phân hóa giữa các ngân hàng. Những ngân hàng có nền tảng tài chính vững chắc được kỳ vọng nâng cao vị thế dẫn đầu thị trường nhờ lợi thế về năng lực vốn, hiệu quả hoạt động, đặc biệt là sự hỗ trợ từ chính sách điều hành. Đáng chú ý, các ngân hàng TMCP hàng đầu như MBBank và VPBank có khả năng tận dụng tốt lợi thế này để gia tăng vị thế trên thị trường sau khi nhận chuyển giao. Đồng thời, sự bứt phá của các ngân hàng có tiềm lực mạnh như HDBank – với khả năng gia nhập nhóm ngân hàng TMCP dẫn đầu – có thể tạo ra những chuyển biến mới, thay đổi cấu trúc và cục diện cạnh tranh trong ngành trong trung và dài hạn.
Trong giai đoạn tới, các ngân hàng bị chuyển giao dự kiến sẽ tiếp tục hưởng lợi từ hàng loạt biện pháp hỗ trợ như tăng vốn,hỗ trợ thanh khoản và tái cơ cấu nợ, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tái cơ cấu và phục hồi, góp phần củng cố sức khỏe tài chính của các tổ chức này. Tuy nhiên, các ngân hàng bị chuyển giao cũng có thể đối mặt với rủi ro tín dụng gia tăng, đặc biệt khi danh mục cho vay tập trung các ngành nghề có mức độ rủi ro cao hoặc các bên có liên quan của ngân hàng nhận chuyển giao. Bên cạnh đó, sự phụ thuộc quá mức vào nguồn vốn bán buôn có thể làm suy yếu cấu trúc vốn của ngân hàng. Trong bối cảnh năng lực kiểm soát rủi ro còn hạn chế và giám sát chưa hiệu quả, các điểm yếu trên có thể tiềm ẩn rủi ro hệ thống
FiinRatings cũng chỉ ra một số xu hướng nổi bật trong thời gian tới có liên quan đến hoạt động chuyển giao bắt buộc. Trong đó, hoạt động tăng vốn được dự báo sẽ là xu hướng chủ đạo trong giai đoạn 2025-2026, chủ yếu nhằm khắc phục tình trạng âm vốn chủ tại các ngân hàng bị chuyển giao và cung cấp nguồn lực cần thiết cho quá trình xử lý nợ xấu. Trong đó, phát hành cổ phiếu để củng cố bộ đệm vốn sẽ là chiến lược trọng tâm, giúp nâng cao nền tảng vốn và thu hút nhà đầu tư đối với các ngân hàng bị chuyển giao. Ngoài ra, các ngân hàng Việt Nam được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh huy động vốn từ bên ngoài, bao gồm phát hành riêng lẻ, chào bán cổ phần và thu hút vốn quốc tế,nhằm củng cố vốn tự có và hỗ trợ tăng trưởng tín dụng bền vững.
Xu hướng bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) được dự báo sẽ gia tăng đáng kể, trở thành trụ cột trong nỗ lực xử lý nợ toàn ngành. Năm 2025 được xem là cột mốc quan trọng để xử lý triệt để các khoản nợ xấu tồn đọng lâu năm, đặc biệt tại các tổ chức yếu kém. Các ngân hàng bị chuyển giao – hiện có tỷ lệ nợ xấu cao nhất hệ thống – có thể bán nợ xấu không có hoặc thiếu tài sản bảo đảm cho VAMC, qua đó giảm áp lực xử lý nợ và đảm bảo tiến độ hoàn thành kế hoạch tái cơ cấu.
Áp lực thanh khoản có thể phát sinh từ việc gia tăng các khoản phải thu, xuất phát từ hoạt động bán dư nợ sinh lời sang các ngân hàng bị chuyển giao. Tính đến ngày 31/3/2025, VPBank đã chuyển nhượng 21.413 tỷ đồng dư nợ sinh lời cho GPBank, trong khi MBBank chuyển 5.853 tỷ đồng dư nợ cho OceanBank. Các ngân hàng bị chuyển giao sau đó đã sử dụng các khoản tín dụng này làm tài sản bảo đảm để vay nguồn vốn lớn từ Chính phủ và NHNN với lãi suất 0%. Tuy nhiên, do chưa phát sinh dòng tiền thực thu, các khoản phải thu tại ngân hàng nhận chuyển giao tăng mạnh và cần thời gian dài để thu hồi. Nếu kéo dài mà không thu hồi kịp dòng tiền, tình trạng này có thể dẫn đến căng thẳng thanh khoản, đặc biệt khi các ngân hàng này phải thực hiện nghĩa vụ thanh toán và tuân thủ các tỷ lệ thanh khoản theo quy định.