
Sự trỗi dậy của tầng lớp trung lưu sở hữu bất động sản và kinh doanh tại Trung Quốc đã góp phần thay đổi diện mạo đô thị nước này trong thế kỷ 21, đồng thời thúc đẩy tiêu dùng tại nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Doanh số bán lẻ trong tháng 5 tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước – mức cao nhất kể từ tháng 12/2023. Sự gia tăng này đến từ các gói trợ cấp của chính phủ nhằm khuyến khích chi tiêu. Tuy nhiên, mặt trái của sự bùng nổ tiêu dùng là nợ hộ gia đình tăng chóng mặt, đặt ra rủi ro mới cho hệ thống tài chính.

Tỷ lệ nợ hộ gia đình trên GDP của Trung Quốc đã tăng từ dưới 11% vào năm 2006 lên hơn 63% hiện nay – mức gần bằng các nền kinh tế phát triển. Các tổ chức cho vay bao gồm cả ngân hàng quốc doanh và nền tảng công nghệ. Theo ước tính của công ty tư vấn nghiên cứu Gavekal Dragonomics, hiện có khoảng 25 – 34 triệu người rơi vào tình trạng vỡ nợ. Nếu tính cả những người chậm trả, con số này lên tới 61 – 83 triệu người, tương đương 5 – 7% dân số trưởng thành. Tính tổng 2 nhóm, con số này đã tăng gấp đôi chỉ trong vòng 5 năm qua.
Mặc dù nợ hộ gia đình chưa gây nguy cơ tức thì đối với ổn định tài chính nhưng đang dần trở thành gánh nặng tâm lý cho tầng lớp trung lưu, làm suy yếu sức mua và niềm tin vào tương lai thịnh vượng.

Nguồn: Caixin Global.
Trong những năm tăng trưởng nóng, vay tiền để mua nhà được xem như một khoản đầu tư chắc thắng, đặc biệt trong bối cảnh việc làm dồi dào và ổn định. Nhiều người đã mạnh dạn vay từ các nền tảng như Alipay hay WeBank để tiêu dùng hoặc đầu tư cho doanh nghiệp gia đình. Nhưng đại dịch COVID-19 năm 2020 và cú sụp đổ của thị trường bất động sản sau đó đã khiến nhiều khoản nợ trở nên không thể trả nổi. “Cuigou” – tên gọi các công ty đòi nợ thuê theo phong cách hung hãn – xuất hiện ngày càng nhiều.
Vay mua nhà hiện chiếm 65% tổng dư nợ hộ gia đình (không bao gồm các khoản vay kinh doanh). Hầu hết các khoản thế chấp được cung cấp bởi các ngân hàng quốc doanh. Năm ngoái, số bất động sản bị phát mại là 366.000 căn, tăng nhẹ so với mức 364.000 năm 2023. Trong khi đó, số người chậm hoặc không trả nợ đang tăng nhanh hơn nhiều. Các nền tảng cho vay trực tuyến với quy mô nhỏ hơn lại không ngần ngại sử dụng biện pháp cứng rắn để thu hồi nợ.

Một bộ phận lớn những người vỡ nợ là giới trẻ đô thị. Lily, một nhân viên công nghệ tại Thượng Hải, rơi vào khủng hoảng tài chính khi công ty ngừng trả lương. Cô nợ 30.000 nhân dân tệ (110 triệu VNĐ) từ các nền tảng vay trực tuyến và giờ đang cố gắng kiếm sống bằng cách chia sẻ câu chuyện phá sản trên mạng xã hội – một hình thức được gọi là “debt IP”.
Dù chưa nổi tiếng, cô hy vọng có thể kiếm tiền từ việc thu hút người xem. Một số tài khoản mạng xã hội “debt IP” nổi tiếng hiện có hàng trăm nghìn người theo dõi. “Nhiều người thậm chí còn thi nhau xem ai nợ nhiều hơn, như kiểu: ôi tôi nợ 10 triệu (nhân dân tệ), tôi nợ 100 triệu để hút người xem”, cô nói.

Người kinh doanh cũng là nhóm dễ tổn thương trước nợ vay. Tại Hàng Châu, bà Bai từng điều hành chuỗi trung tâm luyện thi với doanh thu lên tới 100 – 200 triệu nhân dân tệ mỗi năm. Tuy nhiên, đại dịch COVID và quy định siết chặt dạy thêm đã khiến bà phải đóng cửa hàng chục cơ sở, bán nhà và xe để trả nợ. Bà bị các công ty đòi nợ khủng bố điện thoại và chịu ảnh hưởng nặng nề về tâm lý, đến mức từng nghĩ tới việc tự tử.
Trong khi đó, khung pháp lý bảo vệ người vay tại Trung Quốc vẫn còn hạn chế. Dù chính phủ đã ban hành một số quy định hạn chế hành vi đòi nợ đe dọa bạo lực, các báo cáo trên mạng xã hội cho thấy tình trạng phát tán, lạm dụng thông tin cá nhân và “bom điện thoại” vẫn phổ biến.
Một giải pháp được nhiều chuyên gia ủng hộ là xây dựng luật phá sản cá nhân – tương tự như tại các nước phát triển – nhằm bảo vệ người vay khỏi bị truy đòi vô hạn định. Hiện chỉ có Thâm Quyến là địa phương tiên phong với luật thử nghiệm. Nhưng đến tháng 9/2024, mới chỉ có khoảng 10% trong số 2.700 đơn xin phá sản được tòa án chấp thuận. Các địa phương khác cũng đang thử nghiệm nhưng chính quyền trung ương vẫn do dự vì e ngại luật phá sản sẽ khuyến khích tiêu dùng liều lĩnh và đầu cơ.
Theo JP Morgan, các hộ gia đình Trung Quốc nhìn chung vẫn có mức tiết kiệm cao với tỷ lệ tiết kiệm trên thu nhập khả dụng là 32% trong năm 2023. Tuy nhiên, sự suy giảm niềm tin và sức mua của tầng lớp trung lưu đang là mối đe dọa ngầm đối với tăng trưởng dài hạn. Trong khi chính phủ còn gặp thách thức trong việc xử lý nợ chính quyền địa phương và doanh nghiệp nhà nước, nợ hộ gia đình lại là một vấn đề đáng ngại khác trong bức tranh rủi ro tài chính ngày càng phức tạp của Trung Quốc.
Tham khảo: The Economist, SCMP