spot_img
35.1 C
Hanoi
spot_img
Trang chủChứng KhoánNam Phi loại trừ mức thuế hơn 52% với một sản phẩm...

Nam Phi loại trừ mức thuế hơn 52% với một sản phẩm thép từ Việt Nam, doanh nghiệp nào hưởng lợi?

Biện pháp tự vệ tạm thời 52,34% của Nam Phi không ảnh hưởng đến thép cuộn chống ăn mòn Việt Nam khi khối lượng xuất khẩu duy trì dưới 3%, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước tiếp tục chinh phục thị trường này.

Chiều ngày 8/7, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết đã nhận được thông tin từ Phái đoàn Việt Nam tại Geneva về việc Ủy ban Quản lý Thương mại quốc tế Nam Phi (ITAC) ban hành thông báo áp dụng biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm thép cuộn chống ăn mòn (Corrosion resistant steel coil) nhập khẩu vào Khối Liên minh Hải quan Nam Phi (SACU).

Theo thông báo này, Việt Nam được loại trừ khỏi biện pháp do là quốc gia đang phát triển có thị phần nhập khẩu dưới 3% và tổng nhập khẩu từ các quốc gia tương tự không lớn hơn.

Nam Phi loại trừ mức thuế hơn 52% với một sản phẩm thép từ Việt Nam, doanh nghiệp nào hưởng lợi?
Việt Nam được loại trừ khỏi biện pháp tự vệ tạm thời đối với sản phẩm thép cuộn chống ăn mòn của Nam Phi (Ảnh minh họa)

Sản phẩm bị điều tra là thép cuộn chống ăn mòn được phân loại theo mã hàng hóa nhập khẩu của Cộng hòa Nam Phi 7210.61.20, 7210.61.30, 7225.92.25 và 7225.92.35.

Ngày khởi xướng điều tra: 17/1/2025 (Vụ việc đã được khởi xướng ngày 27/12/2024 trước đó, nhưng sau đó đã được chấm dứt và khởi xướng lại cùng ngày). Giai đoạn điều tra: Từ tháng 5/2021 đến tháng 4/2024.

Trong thông báo Kết luận sơ bộ, Ủy ban Quản lý Thương mại quốc tế Nam Phi cho rằng lượng nhập khẩu có sự gia tăng mạnh, đột ngột, rõ nét và gần trong giai đoạn điều tra, với mức gia tăng 17,16% từ năm 2022 đến 2023. Lượng nhập khẩu chủ yếu đến từ Trung Quốc.

Ngoài ra ITAC sơ bộ kết luận rằng ngành sản xuất của SACU đã phải đối mặt với thiệt hại nghiêm trọng trong thời kỳ điều tra. Các chỉ tiêu như sản lượng, doanh số bán hàng trong nước, lợi nhuận, thị phần, tỷ lệ sử dụng công suất và nhân công đều suy giảm đáng kể trong giai đoạn điều tra.

Mặc dù có một số nguyên nhân khác góp phần gây ra thiệt hại, như việc suy giảm cầu đối với thép, giảm đầu tư cơ sở hạ tầng, gia tăng chi phí đầu vào, hạn chế về logistics và cung cấp năng lượng… nhưng đây không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra thiệt hại của ngành sản xuất trong nước.

ITAC cho rằng một số yếu tố sau đã dẫn tới sự gia tăng hàng nhập khẩu đột ngột vào Nam Phi. Sự dư thừa công suất và suy thoái kinh tế ở Trung Quốc kể từ năm 2021 đã dẫn tới việc gia tăng xuất khẩu vào Nam Phi.

Thuế quan mà các quốc gia sử dụng áp dụng để bảo vệ ngành sản xuất thép trong nước dẫn đến hoạt động xuất khẩu thép của Trung Quốc đã được chuyển hướng sang các quốc gia có mức thuế thấp hơn.

Căn cứ nội dung trên, ITAC đề xuất áp dụng mức thuế tự vệ tạm thời ở mức 52,34% trong thời gian 200 ngày cho đến khi có kết luận cuối cùng của vụ việc.

Về loại trừ khỏi biện pháp tự vệ: Theo quy định của WTO, các quốc gia đang phát triển có thị phần nhập khẩu dưới 3% và tổng lượng nhập khẩu của các quốc gia này không lớn hơn 9% có thể được loại trừ khỏi biện pháp tự vệ. Việt Nam nằm trong danh sách các nước được loại trừ do thỏa mãn tiêu chí có lượng nhập khẩu dưới 3% vào Nam Phi.

Kết quả sơ bộ của Ủy ban Quản lý Thương mại quốc tế Nam Phi đã góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục duy trì xuất khẩu sản phẩm thép chống ăn mòn sang khối SACU trong thời gian tới. Tuy nhiên, các doanh nghiệp và hiệp hội cần tiếp tục theo dõi diễn biến vụ việc cho đến khi có Kết luận cuối cùng về vụ việc này.

Những doanh nghiệp Việt nào đang sản xuất các sản phẩm thép chống ăn mòn?

Thép chống ăn mòn (thép mạ) là sản phẩm được chế tạo đặc biệt để chống lại sự phá hủy do tác động của môi trường như nước, không khí, hóa chất hay các quá trình điện hóa. Sản phẩm này có thể là thép không gỉ hoặc thép thường được phủ lên một lớp bảo vệ nhằm nâng cao khả năng kháng ăn mòn. Trên thị trường hiện nay, một số doanh nghiệp tiêu biểu cung cấp thép chống ăn mòn gồm:

– Công ty TNHH Tôn Hòa Phát: Thành viên của Tập đoàn Hòa Phát (HPG), thành lập đầu năm 2016. Tôn Hòa Phát chuyên sản xuất thép cuộn tẩy gỉ, cán nguội/full hard, mạ kẽm, mạ hợp kim nhôm–kẽm và mạ màu, đáp ứng đa dạng nhu cầu xây dựng và cơ khí.

– Tập đoàn Hoa Sen: Đứng đầu ngành tôn thép Việt Nam, Hoa Sen cung cấp tôn mạ kẽm (GI), tôn lạnh hợp kim nhôm–kẽm (AZ), tôn lạnh màu PVDF cũng như tôn cách nhiệt trên dây chuyền công nghệ NOF hiện đại, đồng thời xuất khẩu mạnh sang các thị trường Đông Nam Á.

– Thép Nam Kim: Ra đời từ năm 2002, Nam Kim nằm trong top dẫn đầu về sản xuất thép mạ với công suất mạ đạt khoảng 1 triệu tấn/năm. Sản phẩm chính bao gồm thép mạ kẽm (GI), mạ hợp kim nhôm–kẽm (GL) và PVDF/AZ, đã được xuất khẩu tới hơn 65 quốc gia.

– SSSC – Tôn Phương Nam (Tôn Việt Nhật): Liên doanh giữa Sumitomo (Nhật Bản) và FIW Steel (Malaysia), chuyên sản xuất tôn mạ kẽm, tôn nhôm–kẽm và tôn màu trên dây chuyền liên hợp, phục vụ cả thị trường trong nước và xuất khẩu.

Mặc dù chưa có số liệu chính thức về khối lượng thép chống ăn mòn Việt Nam xuất khẩu sang Nam Phi, tuy nhiên việc khu vực này không áp dụng thuế tự vệ đối với mặt hàng trên là cơ hội lớn để các doanh nghiệp nội địa đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị phần tại thị trường Nam Phi.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật