Thời gian qua, nhiều doanh nghiệp lớn trong nước đã chủ động đề xuất tham gia mở rộng các đoạn tuyến cao tốc Bắc – Nam, góp phần thúc đẩy phát triển hạ tầng quốc gia. Trong số đó có các tên tuổi như Tập đoàn Đèo Cả, Tập đoàn Sơn Hải, Công ty Xây dựng Giao thông Phương Thành, Tổng Công ty Phát triển và Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIDIFI), Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt Nam (VEC), Tập đoàn Rạng Đông.
Theo thông tin từ Báo Đầu tư, mới đây, Tập đoàn Xuân Trường đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất đầu tư mở rộng 415km cao tốc Bắc – Nam với tổng vốn hơn 59.632 tỷ đồng, theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Đề xuất của Xuân Trường bao gồm 9 dự án thành phần: Mai Sơn – Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 – Nghi Sơn, Nghi Sơn – Diễn Châu, Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Vũng Áng – Bùng, Bùng – Vạn Ninh, Vạn Ninh – Cam Lộ. Các đoạn tuyến này hiện có quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 17m và được đề xuất mở rộng lên 6 làn xe.
Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Tập đoàn Xuân Trường cho biết doanh nghiệp mong muốn thực hiện các dự án theo phương thức PPP, hợp đồng BOT, sử dụng nguồn vốn tự có và vốn vay thương mại, không đề nghị hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước.
Xuân Trường cam kết đảm bảo đủ nguồn lực tài chính, nhân sự và thiết bị để triển khai dự án đúng tiến độ, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật về đầu tư, xây dựng, môi trường và an toàn giao thông. Doanh nghiệp cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, UBND các địa phương và các cơ quan liên quan trong quá trình thực hiện dự án.
![]() |
Tập đoàn Xuân Trường đề xuất mở rộng hơn 400km cao tốc Bắc – Nam (Ảnh minh họa) |
Tập đoàn Xuân Trường do ông Nguyễn Văn Trường sáng lập từ năm 1993, khởi đầu trong lĩnh vực xây dựng. Sau đó, doanh nghiệp mở rộng sang du lịch tâm linh, bất động sản và năng lượng.
Từ đầu những năm 2000, Xuân Trường ghi dấu ấn với hàng loạt dự án lớn như Khu du lịch Tràng An – chùa Bái Đính (17.000 tỷ đồng), Khu du lịch Hồ Núi Cốc (15.000 tỷ đồng), Khu du lịch văn hóa tâm linh đảo Cái Tráp (10.000 tỷ đồng), Khu du lịch Tam Chúc (11.000 tỷ đồng).
Gần đây, Tập đoàn tiếp tục đề xuất tham gia nhiều dự án hạ tầng trọng điểm tại Việt Nam, trong đó có kế hoạch xây dựng đồng loạt các công trình quy mô lớn tại khu vực Ninh Bình – Nam Định – Hà Nam (hiện nay đã sáp nhập về tỉnh Ninh Bình), bao gồm 1 sân bay quốc tế, 2 tuyến đường trục và 9 cây cầu.