spot_img
31.8 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhNền kinh tế số 2 thế giới thừa 40 triệu tấn xăng...

Nền kinh tế số 2 thế giới thừa 40 triệu tấn xăng dầu, nguyên nhân vì 45 triệu chiếc xe điện

Ngành lọc dầu Trung Quốc đang dư thừa lượng lớn sản phẩm vì nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đi xuống.

Ngành lọc dầu Trung Quốc, vốn từng là động lực tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường năng lượng toàn cầu, đang đối mặt với một thực tế phũ phàng: dư cung trầm trọng.

Các nhà máy lọc dầu đang sản xuất vượt xa nhu cầu thực tế trong nước, tạo ra một áp lực khổng lồ lên biên lợi nhuận, để lại một bài toán hóc búa cho chính phủ và các doanh nghiệp lọc hóa dầu: Sản xuất để làm gì khi người tiêu dùng không còn cần nhiều như trước?

Bán cho ai?

Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã đầu tư hàng tỷ USD vào việc xây dựng các “siêu nhà máy lọc dầu” hiện đại, với mục tiêu không chỉ đáp ứng nhu cầu nội địa mà còn trở thành trung tâm lọc hóa dầu hàng đầu thế giới.

Trung Quốc hiện là quốc gia có công suất lọc dầu lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

Nền kinh tế số 2 thế giới thừa 40 triệu tấn xăng dầu, nguyên nhân vì 45 triệu chiếc xe điện- Ảnh 1.

Số liệu của Viện Nghiên cứu Kinh tế & Công nghệ của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC ETRI) cho thấy tổng công suất lọc dầu của quốc gia này dự kiến sẽ vượt 19 triệu thùng/ngày (tương đương 961 triệu tấn/năm) vào năm 2024, tăng hơn 10% chỉ trong vòng ba năm, và có thể đạt ngưỡng 20 triệu thùng/ngày (1 tỷ tấn/năm) trong năm 2025.

Các siêu nhà máy như Yulong, Dalian, Zhenhai liên tục đi vào hoạt động hoặc mở rộng quy mô. Đằng sau là chính sách hỗ trợ vốn, ưu đãi thuế, và mục tiêu “tự chủ năng lượng” mà Bắc Kinh từng theo đuổi quyết liệt suốt một thập kỷ.

Tuy nhiên, tham vọng đó đang vấp phải một rào cản lớn: nhu cầu tiêu thụ nội địa đang “hạ nhiệt” nhanh hơn dự kiến.

Theo CNPC ETRI, dự báo nhu cầu sản phẩm dầu mỏ của nước này sẽ giảm xuống 382 triệu tấn vào năm 2025, giảm 1,9% so với năm 2024.

Đồng quan điểm, ước tính của Rystad Energy, Wood Mackenzie và Energy Aspects cho thấy nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu trong nước năm 2025 chỉ vào khoảng 14,1 – 14,5 triệu thùng/ngày, tức thấp hơn tới 4 – 5 triệu thùng/ngày so với tổng công suất thiết kế.

Xin được nhắc rằng Trung Quốc được cho là sẽ tiếp tục ưu tiên nhập khẩu dầu thô giá rẻ từ nước ngoài để tối ưu hóa chi phí đầu vào.

Mặc dù lượng dầu thô nhập khẩu của Trung Quốc tăng (ví dụ: tháng 4/2025 đạt 11,69 triệu thùng/ngày, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm trước), nhưng tốc độ chế biến dầu thô lại giảm (ví dụ: tháng 5/2025 là 13,92 triệu thùng/ngày, giảm 1,8% so với cùng kỳ năm trước), cho thấy tồn kho dầu thô đang tăng lên.

Số liệu của CNPC ETRI cho thấy tỷ lệ sử dụng công suất của các nhà máy lọc dầu Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2022 (khoảng 73-74% trong quý I và tháng 5/2025), trong khi ở các nước phát triển như Mỹ, tỷ lệ này thường trên 90%. Điều này minh chứng cho sự dư thừa công suất lớn.

Nguyên nhân chính nằm ở sự bùng nổ của xe điện (EV) và các phương tiện năng lượng mới (NEV) khiến nhu cầu xăng sụt giảm nhanh hơn dự kiến. Ngoài ra, kinh tế chững lại, đặc biệt ở các ngành vận tải và xây dựng, kéo theo sự đi xuống của dầu diesel.

Với mục tiêu có 45 triệu chiếc NEV lưu thông vào năm 2025, Trung Quốc đang chứng kiến nhu cầu xăng giảm mạnh, dự kiến thay thế tới 38 triệu tấn (tương đương 885.000 thùng/ngày) tiêu thụ xăng. Dầu diesel cũng không nằm ngoài xu hướng giảm khi xe tải sử dụng LNG ngày càng phổ biến. Chỉ có nhiên liệu máy bay là điểm sáng hiếm hoi, với dự báo tăng 8,9% lên 43,4 triệu tấn vào năm 2025 nhờ sự phục hồi của ngành hàng không.

Nền kinh tế số 2 thế giới thừa 40 triệu tấn xăng dầu, nguyên nhân vì 45 triệu chiếc xe điện- Ảnh 2.

Nếu tính toán dựa trên công suất lọc dầu khổng lồ và nhu cầu nội địa giảm sút, con số dư thừa tiềm năng của Trung Quốc trong năm 2025 có thể lên tới hàng trăm triệu tấn dầu. Mặc dù CNPC ETRI dự báo mức dư thừa sản phẩm dầu mỏ là 40 triệu tấn (khoảng 820.000 thùng/ngày), nhưng đây có thể là một con số thận trọng, tập trung vào các sản phẩm nhiên liệu chính và có tính đến việc điều chỉnh sản lượng. Nếu các nhà máy vẫn cố gắng duy trì hoạt động ở mức công suất nhất định, số lượng dư thừa thực tế có thể lớn hơn rất nhiều.

Để giải tỏa áp lực dư cung, xuất khẩu là một lối thoát. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc lại kiểm soát chặt chẽ hạn ngạch xuất khẩu nhiên liệu tinh chế, nhằm duy trì sự ổn định thị trường nội địa và phù hợp với mục tiêu phi carbon hóa. Điều này khiến các nhà máy khó có thể đẩy hết lượng sản phẩm thừa ra thị trường quốc tế, làm trầm trọng thêm vấn đề trong nước.

Ngã 3 đường

Hậu quả trực tiếp của tình trạng dư cung là biên lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu đang ở mức thấp kỷ lục. Với lượng sản phẩm tồn kho ngày càng cao, giá bán sản phẩm tinh chế sụt giảm, khiến nhiều nhà máy phải vật lộn để duy trì hoạt động. Tỷ lệ sử dụng công suất trung bình đã giảm xuống khoảng 73% trong tháng 5 năm 2025, một con số đáng báo động khi so với mức trên 90% ở các thị trường phát triển.

Các nhà máy lọc dầu tư nhân và quy mô nhỏ, hay còn gọi là ” teapot refiners” ở tỉnh Sơn Đông, đang chịu áp lực nặng nề nhất. Trong giai đoạn phát triển nóng 2015–2020, nhóm này từng đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng sản lượng và cung cấp xăng dầu rẻ cho thị trường nội địa.

Thế nhưng hiện tại, nhiều nhà máy độc lập đang hoạt động dưới 60% công suất, thậm chí có nơi giảm xuống chỉ còn 20%, theo dữ liệu của Argus Media. Lợi nhuận co hẹp, chi phí thuế tăng, trong khi họ không có đủ quy mô hay hệ thống phân phối để đẩy mạnh xuất khẩu như các ông lớn quốc doanh.

Nhiều đơn vị thậm chí đứng trước bờ vực phá sản. Đây là một sự sàng lọc khắc nghiệt, buộc ngành công nghiệp phải tái cấu trúc.

Bên cạnh đó, ngành lọc dầu Trung Quốc sẽ tiếp tục trải qua quá trình hợp nhất và loại bỏ các công suất cũ, kém hiệu quả. Các nhà máy sẽ dịch chuyển mạnh mẽ hơn sang sản xuất hóa chất và các sản phẩm phi nhiên liệu.

Nền kinh tế số 2 thế giới thừa 40 triệu tấn xăng dầu, nguyên nhân vì 45 triệu chiếc xe điện- Ảnh 3.

Trên khía cạnh toàn cầu, Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới. Tình trạng dư cung nhiên liệu trong nước và việc giảm nhu cầu nhiên liệu đốt có thể làm giảm nhu cầu nhập khẩu dầu thô, gây áp lực giảm giá dầu thế giới. Đồng thời, việc Trung Quốc đẩy mạnh xuất khẩu (nếu hạn ngạch được nới lỏng) cũng sẽ gây áp lực lên thị trường nhiên liệu tinh chế quốc tế.

Trước tình hình này, chính phủ Trung Quốc đang siết lại ngành lọc dầu theo hướng chuẩn hóa và bền vững hơn khi giới hạn công suất lọc dầu toàn quốc ở mức 20 triệu thùng/ngày đến 2025, ngăn chặn việc phát triển ồ ạt.

Đồng thời, Bắc Kinh cũng thắt chặt chính sách thuế với teapot refiners, loại bỏ các ưu đãi nhập dầu giá rẻ. Ngoài ra, chính phủ cũng khuyến khích tái cấu trúc, thúc đẩy các doanh nghiệp lớn chuyển hướng từ lọc dầu truyền thống sang sản phẩm hóa dầu, có giá trị cao hơn và ít chịu ảnh hưởng từ xe điện.

Tóm lại, ngành lọc dầu Trung Quốc đang ở ngã ba đường. Quyết định của Bắc Kinh về chính sách năng lượng và hạn ngạch xuất khẩu sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tương lai của ngành này. Dù vậy, một điều rõ ràng là kỷ nguyên tăng trưởng không ngừng của nhiên liệu hóa thạch ở Trung Quốc đang dần khép lại, nhường chỗ cho một kỷ nguyên mới của năng lượng sạch và sự tái cấu trúc toàn diện.

*Nguồn: Reuters, CNPC ETRI, Energy Aspects, Rystad Energy

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật