Ngày 9/7/2025, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – TCB) tổ chức Hội nghị Đầu tư Techcombank 2025 – sự kiện thường niên quy mô lớn nhằm kết nối nhà đầu tư với lãnh đạo doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế và cơ quan hoạch định chính sách.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam, khẳng định Việt Nam đang sở hữu tiềm năng vượt trội trong lĩnh vực tài sản số, với khoảng 17 triệu tài khoản đầu tư crypto, tương đương 17–20% dân số. Con số này cao gấp 3 lần so với mức trung bình toàn cầu khoảng 6%. Năm 2022, tổng giá trị giao dịch tài sản số tại Việt Nam ước đạt 120 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm thị trường năng động nhất thế giới.
Tuy nhiên, theo ông Trung, khoảng 80% giao dịch vẫn diễn ra trên các sàn quốc tế như Binance, khiến thị trường tài sản số rơi vào “vùng xám” pháp lý, khó kiểm soát về mặt quản lý và tiềm ẩn rủi ro lớn đối với nhà đầu tư.
Ông Trung nhận định Việt Nam đang đi sau nhiều quốc gia trong việc xây dựng hạ tầng pháp lý và phát triển công nghệ blockchain. Trong khi châu Âu đã triển khai EBSI tại 27 quốc gia để cung cấp dịch vụ công, Trung Quốc xây dựng hạ tầng blockchain quốc gia BSN, thì Việt Nam mới chỉ bắt đầu đặt nền móng đầu tiên thông qua Luật Công nghiệp Công nghệ số – văn bản đầu tiên công nhận tài sản số là tài sản hợp pháp theo luật dân sự.
“Chúng ta không thể tiếp tục để thị trường tài sản số bị các nền tảng nước ngoài khai thác một cách thụ động. Việt Nam cần một chiến lược cụ thể để tổ chức lại thị trường, cấp phép phát hành tài sản số, đưa hoạt động huy động vốn vào khuôn khổ quản lý và bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư”, ông nhấn mạnh.
![]() |
Ông Phan Đức Trung, Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam chia sẻ tại Hội nghị |
Đồng thời, ông cũng cho rằng đổi mới sáng tạo không thể chỉ đặt kỳ vọng vào các startup mà cần sự dẫn dắt của những tập đoàn tư nhân lớn như Techcombank, Masan (MSN), Vingroup (VIC), HDBank (HDB) – các doanh nghiệp có đủ năng lực và nguồn lực để tạo ảnh hưởng thực chất lên thị trường tài chính số trong nước.
Chủ tịch Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, từ cuối năm 2024, blockchain đã được Chính phủ xác định là một trong những công nghệ trọng điểm, nằm trong mục tiêu tăng trưởng hai chữ số. Gần đây nhất, trong danh mục 11 công nghệ chiến lược quốc gia, blockchain được xếp ở vị trí thứ ba, đi kèm ba nhóm sản phẩm được khuyến khích nghiên cứu và phát triển.
Ông cũng chia sẻ, Techcombank và công ty chứng khoán TCBS đã nghiên cứu và ứng dụng công nghệ blockchain từ rất sớm.
Theo ông, việc Chính phủ không giới hạn blockchain chỉ trong lĩnh vực truy xuất nguồn gốc, mà mở rộng sang các ngành như tài chính – ngân hàng, đã giúp công nghệ này lan tỏa sâu rộng hơn và tạo tác động rõ nét trong thực tiễn.
Ông Trung nhấn mạnh thị trường đang hướng tới một thay đổi quan trọng, đó là đề án sàn giao dịch tài sản số thí điểm do Chính phủ khởi xướng. Dù còn trong giai đoạn hoàn thiện pháp lý, ông kỳ vọng sàn thí điểm này sẽ trở thành bệ phóng cho các mô hình thử nghiệm huy động vốn và tài chính sáng tạo, giúp Việt Nam bước ra khỏi vùng xám và chiếm lĩnh vị thế chủ động trong nền kinh tế số.