spot_img
27 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngTrung Quốc không cho phép dùng sữa hoàn nguyên làm sữa tiệt...

Trung Quốc không cho phép dùng sữa hoàn nguyên làm sữa tiệt trùng, ngành sữa Việt Nam cần chú ý

Từ ngày 16-9-2025, Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu sữa tiệt trùng làm từ sữa tươi nguyên liệu, không chấp nhận sử dụng sữa hoàn nguyên.

Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) thông báo về việc Trung Quốc ban hành Phụ lục sửa đổi số 1 đối với Tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia liên quan đến sữa tiệt trùng (GB 25190-2010). Sự thay đổi này có ảnh hưởng lớn hoạt động xuất khẩu sữa vào thị trường này.

Trung Quốc không cho phép dùng sữa hoàn nguyên làm sữa tiệt trùng, ngành sữa Việt Nam cần chú ý- Ảnh 1.

Trung Quốc không cho phép dùng sữa hoàn nguyên làm nguyên liệu sữa tiệt trùng

Nội dung sửa đổi chủ yếu, gồm: Bỏ quy định cho phép sử dụng sữa hoàn nguyên (sản phẩm pha lại sữa bột hoặc sữa cô đặc với nước) làm nguyên liệu cho sữa tiệt trùng; sữa tiệt trùng (bao gồm cả sữa tiệt trùng nhiệt độ cực cao (sữa UHT) và sữa tiệt trùng giữ nhiệt) chỉ được phép sử dụng sữa bò hoặc dê tươi làm nguyên liệu; bỏ các quy định liên quan đến yêu cầu kỹ thuật của sữa bột hoàn nguyên làm nguyên liệu; bỏ các quy định liên quan đến việc ghi nhãn sản phẩm có sử dụng sữa hoàn nguyên.

Theo Vụ Phát triển thị trường nước ngoài, Việt Nam hiện vẫn sử dụng sữa hoàn nguyên trong sản xuất sữa tiệt trùng; nhiều doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm sữa tiệt trùng sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.

Sau ngày 16-9-2025, các sản phẩm này không còn được công nhận là sữa tiệt trùng theo tiêu chuẩn mới, đồng nghĩa với việc không thể tiếp tục xuất khẩu dưới nhóm mã hàng hiện tại.

Doanh nghiệp xuất khẩu sữa tiệt trùng sang Trung Quốc phải điều chỉnh

Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải điều chỉnh công thức sản phẩm và chuyển đổi hoàn toàn sang sử dụng sữa tươi nguyên liệu nếu muốn tiếp tục duy trì xuất khẩu.

Hoạt động xuất khẩu có thể bị gián đoạn nếu doanh nghiệp không kịp thời điều chỉnh quy trình sản xuất, hồ sơ, nhãn mác. Đặc biệt khi các sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc sử dụng sữa hoàn nguyên sẽ không thể đăng ký là sữa tiệt trùng mà phải xếp vào sữa pha chế. Điều này ảnh hưởng đáng kể đến khả năng tiếp cận thị trường, nhất là khi sữa tiệt trùng đang chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu tiêu thụ sữa tại Trung Quốc.

Ngoài ra, thay đổi này có thể kéo theo hàng loạt chi phí phát sinh như nguyên liệu tăng cao, điều chỉnh hệ thống dây chuyền sản xuất, rủi ro về ổn định nguồn cung sữa tươi… ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh về giá và khả năng duy trì thị phần của sản phẩm sữa Việt Nam tại thị trường Trung Quốc.

Theo đó, Vụ Phát triển thị trường trong nước kiến nghị lãnh đạo Bộ Công Thương giao Cục Công nghiệp chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các đơn vị liên quan nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách tiêu chuẩn mới của Trung Quốc đối với mặt hàng sữa để đề xuất, tham mưu chính sách trong quản lý, phát triển ngành công nghiệp sữa.

Vụ Phát triển thị trường nước ngoài tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan cập nhật diễn biến liên quan từ thị trường Trung Quốc đối với mặt hàng sữa và các sản phẩm từ sữa.

Trung Quốc là một trong những thị trường tiêu thụ sữa lớn và giàu tiềm năng trên thế giới. Trong đó, năm 2023, sữa tiệt trùng (UHT) đạt sản lượng tiêu thụ khoảng 8-9 tỉ lít (tương đương 6,5-7,3 triệu tấn) với doanh thu bán lẻ ước đạt 1.198 tỉ nhân dân tệ, khoảng 165 tỉ USD, chiếm 82,9% thị phần sữa lỏng, trong khi sữa thanh trùng chỉ chiếm 17,1%.

5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu sữa và kem không cô đặc, không thêm đường (sữa tươi, sữa UHT…) của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đạt 81,5 ngàn USD; sữa và kem cô đặc hoặc thêm đường (sữa đặc, sữa ngọt..) đạt 33,3 ngàn tấn; bơ sữa, sữa đông và kem, sữa chua các loại sữa và kem lên men đạt 202,6 ngàn USD.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật