spot_img
27.8 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếTrung Quốc 'ngấm đòn' trừng phạt từ Mỹ: Ngành từng số 1...

Trung Quốc ‘ngấm đòn’ trừng phạt từ Mỹ: Ngành từng số 1 thế giới nay hụt hơi, giảm 68% lượng đơn hàng mới

Sự sụt giảm này phản ánh tác động ngày càng rõ rệt từ các biện pháp trừng phạt của Mỹ, trong bối cảnh nhu cầu toàn cầu đi xuống và các đối thủ như Hàn Quốc gia tăng thị phần.

Lợi thế dẫn đầu toàn cầu trong ngành đóng tàu của Trung Quốc đang có dấu hiệu lung lay, khi số liệu mới nhất cho thấy các nhà máy đóng tàu nước này ghi nhận lượng đơn hàng mới sụt giảm tới 68% xuống còn 26,3 triệu tấn trọng tải chết (DWT) trong 6 tháng đầu năm 2025, theo báo cáo từ hãng tư vấn Clarksons Research.

Trong khi đó, Hàn Quốc – quốc gia đứng thứ 2 trong ngành – chỉ ghi nhận mức giảm 7% so với cùng kỳ, đạt 14,2 triệu DWT. Tính theo tỷ trọng toàn cầu, Trung Quốc hiện chiếm 56% đơn hàng mới, giảm mạnh so với mức 75% một năm trước, trong khi thị phần của Hàn Quốc tăng từ 14% lên 30%.

Giới phân tích nhận định, sự sụt giảm này phần lớn xuất phát từ các biện pháp siết chặt của Mỹ nhằm kiềm chế ngành đóng tàu Trung Quốc, bên cạnh đà suy yếu chung của nhu cầu toàn cầu.

Trung Quốc 'ngấm đòn' trừng phạt từ Mỹ: Ngành từng số 1 thế giới nay hụt hơi, giảm 68% lượng đơn hàng mới - ảnh 1
Trung Quốc – quốc gia dẫn đầu ngành đóng tàu toàn cầu suốt nhiều năm qua – đang mất dần vị thế khi đơn hàng mới lao dốc tới 68% trong nửa đầu năm 2025. Ảnh: SCMP

Ông Han Ning, Giám đốc chi nhánh Singapore của nền tảng đấu thầu tàu SHIPBID, cho biết: “Các chủ tàu quốc tế đang dè chừng trước những biện pháp mà Mỹ áp đặt lên ngành đóng tàu Trung Quốc, và nhiều người đang tìm cách thích nghi”.

Trong năm nay, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã liên tục tung ra loạt biện pháp nhằm vào các nhà máy đóng tàu Trung Quốc – một phần trong nỗ lực khôi phục ngành công nghiệp tàu thủy Mỹ và hạn chế ảnh hưởng của Bắc Kinh.

Hồi tháng 4, Mỹ công bố kế hoạch áp phí cao đối với mọi con tàu do Trung Quốc sở hữu, vận hành hoặc đóng mới nếu cập cảng Mỹ. Washington cũng áp thuế nặng lên những thiết bị do Trung Quốc sản xuất mà các nhà máy đóng tàu đang sử dụng, bao gồm cả cần cẩu tàu – bờ.

Các biện pháp này đã vấp phải phản ứng dữ dội từ ngành công nghiệp, song đang cho thấy tác động rõ rệt. Ngoài mảng đóng tàu, các nhà máy Trung Quốc cũng mất dần thị phần trong lĩnh vực sửa chữa và bảo trì tàu biển.

Theo ông Han, tỷ lệ tàu chở dầu siêu lớn (VLCC) được sửa chữa tại Trung Quốc từng chiếm khoảng 70% toàn cầu giai đoạn 2021–2024, nhưng đã giảm xuống còn khoảng 50% trong nửa đầu năm nay.

Tuy nhiên, ông Ralph Leszczynski – Giám đốc nghiên cứu tại hãng môi giới tàu biển Banchero Costa – lưu ý không thể bỏ qua tác động từ chu kỳ đi xuống của thị trường. Trong giai đoạn nhu cầu tăng cao (2021–2024), khi các nhà máy Hàn Quốc và Nhật Bản bị quá tải do năng lực có hạn, đơn hàng thường được chuyển sang Trung Quốc – nơi linh hoạt hơn.

Nhưng hiện tại, lượng đơn hàng mới đang giảm mạnh sau giai đoạn bùng nổ vừa qua, khiến hiệu ứng lan tỏa sang Trung Quốc cũng thu hẹp.

Ông Leszczynski nhận xét: “Các nhà máy lớn và lâu năm của Trung Quốc sẽ không bị ảnh hưởng nhiều. Nhưng các xưởng tư nhân nhỏ, ít kinh nghiệm hơn, sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn”.

Dữ liệu từ Clarksons chỉ ra, tính đến nay, tàu do Trung Quốc sản xuất chiếm khoảng 23% đội tàu đang hoạt động toàn cầu.

Theo SCMP

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật