
Giới quan sát từng cho rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể là chất xúc tác để kinh tế châu Âu và Trung Quốc xích lại gần nhau hơn khi chính sách thuế quan mạnh tay của ông Trump ít có sự phân biệt giữa đồng minh lâu năm như EU và đối thủ chiến lược như Trung Quốc.
Nhưng thực tế lại khác. Thay vào đó, EU hiện rơi vào thế kẹt địa chính trị giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khi vừa phải cố gắng duy trì quan hệ thương mại ổn định với Trung Quốc, vừa tìm cách tránh đòn thuế từ Mỹ.
EU “đi trên dây”
Tại Brussels, các quan chức đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận thương mại sơ bộ với Mỹ trước hạn chót 1/8 nhằm tránh tổn thất kinh tế lớn. Cùng lúc, các nhà hoạch định chính sách EU gây sức ép với Trung Quốc giảm trợ cấp cho công nghiệp trong nước và hạn chế xuất khẩu hàng giá rẻ sang khối.
Các nhà lãnh đạo EU dự kiến sẽ có mặt tại Bắc Kinh để tham dự hội nghị thượng đỉnh vào cuối tháng 7 dù kế hoạch này vẫn còn chưa chắc chắn.
Căng thẳng giữa hai bên lộ rõ trong tuần trước, khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tới Brussels để họp chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh. Bắc Kinh mô tả cuộc gặp mang tính xây dựng và phủ nhận mọi mâu thuẫn, trong khi phía EU lại nhấn mạnh những điểm nóng chưa được giải quyết, bao gồm tình trạng mất cân bằng thương mại.

Kim ngạch xuất-nhập khẩu của EU với Trung Quốc từ 2014-2024. Nguồn: Eurostat.
Về quan hệ với Mỹ, bất kể kết quả đàm phán thương mại với chính quyền ông Trump ra sao, EU dự kiến sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn so với ban đầu. Giới chức Mỹ nhiều lần khẳng định mức thuế cơ bản 10% là không thể thương lượng.
Để đạt được thỏa thuận, EU nhiều khả năng sẽ buộc phải nhượng bộ thêm bằng cách cam kết lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.
Dù vậy, trong bối cảnh hệ thống thương mại toàn cầu nhiều biến động, EU vẫn buộc phải duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc vì mối quan hệ giữa 2 nền kinh tế rất sâu rộng.
Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Løkke Rasmussen khẳng định EU không muốn cắt đứt quan hệ với Trung Quốc mà thiết lập một mối quan hệ cân bằng hơn.
Mối liên kết chặt chẽ
Dù đồng quan điểm với Mỹ về thực trạng cạnh tranh không công bằng từ Trung Quốc, EU vẫn phải dè chừng vì mức độ phụ thuộc kinh tế vào công xưởng lớn nhất thế giới.
Nhiều quốc gia châu Âu vẫn phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu công nghiệp từ Trung Quốc. Xuất khẩu sang Trung Quốc – đặc biệt là từ Đức – vẫn chiếm tỷ trọng đáng kể.
Ngoài các mặt hàng tiêu dùng giá rẻ, Trung Quốc cung cấp nhiều nguyên liệu chiến lược như lithium cho các ngành công nghiệp của khối. Theo dữ liệu của Metric, trung bình, mỗi quốc gia EU phụ thuộc vào 134 nhóm sản phẩm đến từ Trung Quốc, trong khi Trung Quốc chỉ phụ thuộc vào 1–9 nhóm sản phẩm của từng quốc gia EU.

Tuy nhiên, xuất khẩu của châu Âu đang sụt giảm trong khi hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường khối. Trước làn sóng hàng giá rẻ từ các hãng thời trang nhanh như Shein hay Temu, giới hoạch định chính sách châu Âu đang tìm cách siết chặt kiểm soát nhập khẩu. Giới chức EU tỏ ra không hài lòng khi Trung Quốc trợ cấp mạnh tay cho doanh nghiệp trong nước, khiến doanh nghiệp châu Âu không thể cạnh tranh.
“Không có lá bài Trung Quốc nào dành cho châu Âu”
Hội nghị thượng đỉnh EU – Trung Quốc dự kiến diễn ra vào cuối tháng 7 tại Bắc Kinh trong bối cảnh hai bên đang tăng cường các biện pháp đối đầu.
Tuần trước, EU cấm sử dụng thiết bị y tế Trung Quốc trong các gói thầu công và cáo buộc Bắc Kinh đối xử không công bằng với doanh nghiệp châu Âu. Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả, phát tín hiệu leo thang căng thẳng thương mại.
Tuy vậy, xét đến mức độ gắn kết chặt chẽ giữa 2 nền kinh tế, EU chỉ có thể gây sức ép với Trung Quốc đến một mức độ nào đó. Động thái gần đây của Bắc Kinh là lời nhắc nhờ rõ ràng nhất về thực tế cho EU.
Để đáp trả thuế quan từ Mỹ, Bắc Kinh hạn chế xuất khẩu nam châm đất hiếm – nguyên liệu then chốt trong sản xuất nhiều sản phẩm như ô tô, thiết bị bay không người lái, robot công nghiệp và tên lửa.

Với thế thống trị nguồn cung đất hiếm, động thái này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Mỹ mà cả các doanh nghiệp châu Âu do Bắc Kinh chậm cấp phép cho các đơn hàng xuất khẩu đất hiếm. EU nghi ngờ việc chậm phê duyệt xuất khẩu đất hiếm không chỉ vì “nghẽn hành chính” mà là một phần trong chiến lược trả đũa dài hơi từ phía Trung Quốc.
Trong bối cảnh bị giằng xé giữa hai cực, EU đã tìm cách tăng cường quan hệ thương mại với các đối tác như Canada, Thụy Sĩ, đồng thời xem xét hợp tác với 11 quốc gia CPTPP.
Dù vậy, hướng đi này vẫn chưa đủ để giúp EU thoát khỏi thế kẹt. Liana Fix, thành viên phụ trách châu Âu tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, nhận đinh: “Không có lá bài Trung Quốc nào dành cho châu Âu”. Các quan chức ở Brussels cũng thừa nhận đang ở thế phòng thủ, vừa bị áp lực từ chính quyền Trump, vừa không “hòa thuận” với Bắc Kinh nhưng không thể đoạn tuyệt.
Tổng hợp