Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn để áp dụng trong năm 2026.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất giữ nguyên mức giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu như hiện nay cho đến hết năm 2026 thay vì áp dụng mức tăng trở lại bằng mức trần trong biểu khung thuế ban hành kèm theo Luật Thuế bảo vệ môi trường.
Chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu được áp dụng từ tháng 4/2022. Hiện mức thuế này được giảm 50%. Cụ thể: xăng, trừ etanol là 2.000 đồng/lít; dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn là 1.000 đồng/lít; mỡ nhờn là 1.000 đồng/kg; dầu hỏa là 600 đồng/lít.

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục giảm thuế BVMT đối với xăng dầu đến hết 2026. (Ảnh minh họa: Minh Đức)
Riêng đối với nhiên liệu bay, Bộ Tài chính cho rằng việc thực hiện chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong thời gian qua đã đem lại hiệu ứng tích cực, giúp giảm chi phí nhiên liệu đầu vào cho ngành hàng không nói chung và doanh nghiệp vận tải hàng không nói riêng, góp phần giúp các doanh nghiệp vận tải hàng không vượt qua khủng hoảng do dịch COVID-19 và suy thoái kinh tế.
So với nhiều ngành sản xuất khác, bên cạnh việc hưởng lợi từ chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay, ngành hàng không còn được hưởng thêm một số chính sách hỗ trợ về thuế, phí, lệ phí chung, ví dụ như chính sách giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng; chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế (thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp…), gia hạn tiền thuê đất hay chính sách miễn giảm một số khoản phí, lệ phí.
Trong bối cảnh thị trường hàng không Việt Nam về cơ bản đã phục hồi, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành hàng không, đồng thời vẫn đảm bảo công bằng giữa các ngành vận tải khác như vận tải đường sắt, vận tải đường bộ, Bộ Tài chính đề nghị quy định mức thuế bảo vệ môi trường là 2.000 đồng/lít (giảm 1.000 đồng/lít so với mức thuế quy định tại Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội).
Từ ngày 1/1/2027, mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn thực hiện theo Nghị quyết số 579/2018 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nghĩa là, mức thuế bảo vệ môi trường của xăng, trừ etanol là 4.000 đồng mỗi lít; nhiên liệu bay là 3.000 đồng mỗi lít; dầu diesel, dầu mazut và dầu nhờn là 2.000 đồng mỗi lít; dầu hỏa là 1.000 đồng mỗi lít; mỡ nhờn là 2.000 đồng mỗi kg”, Bộ Tài chính nêu.
Nếu được thông qua, Nghị quyết sẽ có hiệu lực từ 1/1/2026.
Tác động tích cực tới người dân, doanh nghiệp, nền kinh tế
Bộ Tài chính đánh giá, xăng dầu là mặt hàng có vai trò và vị thế đặc biệt quan trọng, mang tầm chiến lược trong bảo đảm ổn định và giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, nhất là bảo đảm về an ninh năng lượng quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân và là yếu tố đầu vào quan trọng cho hoạt động của doanh nghiệp.
kể từ năm 2022 đến nay, giá xăng dầu trên thị trường quốc tế và trong nước đã có nhiều biến động, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, tác động đến đời sống người dân và ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về các giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội; góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ phục hồi và phát triển sau dịch COVID-19, căn cứ Biểu khung thuế và nguyên tắc điều chỉnh mức thuế tại Luật Thuế Bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính đã tham mưu, trình Chính phủ để trình UBTVQH ban hành các Nghị quyết điều chỉnh thuế BVMT đối với xăng, dầu và mỡ nhờn, nhằm phù hợp với bối cảnh kinh tế – xã hội trong từng giai đoạn.
Trong giai đoạn 2022 – 2023, giá dầu thô trên thị trường thế giới diễn biến rất phức tạp do các bất ổn về địa chính trị, địa kinh tế, biến động về cung cầu thị trường xăng dầu trong và sau dịch COVID-19. Có giai đoạn giá dầu thô thế giới liên tục lập đỉnh mới trong thời gian ngắn, kéo theo giá xăng dầu trong nước tăng nhanh, gây áp lực rất lớn lên việc kiểm soát lạm phát và tính ổn định của kinh tế vĩ mô.
Trong bối cảnh đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn đã phát huy hiệu quả to lớn trong việc hạn chế các tác động tiêu cực của diễn biến giá xăng dầu thế giới đối với thị trường trong nước, giúp bình ổn giá bán xăng dầu trong nước, góp phần đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong giai đoạn thế giới xảy ra nhiều cú sốc về kinh tế – chính trị – xã hội.

Bộ Tài chính cho rằng việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu sẽ có nhiều tác động tích cực tới nền kinh tế. (Ảnh minh họa: Minh Đức)
Bên cạnh đó, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn là một yếu tố cấu thành giá cơ sở của xăng dầu trong nước. Mặt khác, chi phí xăng dầu là một yếu tố để tính toán, xác định chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Do đó, việc điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng này sẽ tác động trực tiếp đến giá bán lẻ xăng dầu trong nước nên cũng tác động đến chỉ số CPI và do đó được xem là một công cụ để thực hiện kiểm soát lạm phát.
Cụ thể, năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn song kinh tế trong nước vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong đó, chỉ số CPI và lạm phát được kiểm soát.
Theo báo cáo của Cục Thống kê, CPI và lạm phát cơ bản năm 2024 thấp hơn nhiều so với mục tiêu chính sách: Tính chung cả năm 2024, CPI chỉ tăng 3,63%so với năm 2023, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra.
Trong 5 tháng đầu năm 2025, cùng với thực hiện các giải pháp hỗ trợ khác,việc tiếp tục áp dụng chính sách giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2025 như năm 2024 cũng đã góp phần làm giảm chỉ số CPI, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, từ đó góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.
“Theo đánh giá của Cục Thống kể, chỉ số CPI bình quân 5 tháng đầu năm 2025 ước tính tăng khoảng 3,21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chỉ số giá nhóm xăng dầu giảm 13,39%, tác động làm chỉ số CPI chung giảm 0,48 điểm phần trăm.
Như vậy, việc thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng dầu, mỡ nhờn trong thời gian qua đã góp phần làm giảm chỉ số CPI, từ đó góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát lạm phát của Chính phủ. Việc điều chỉnh mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn được đánh giá là giải pháp linh hoạt và hiệu quả để góp phần bình ổn giá bán xăng dầu trong nước” , Bộ Tài chính nhận định.
Ngoài ra, thuế bảo vệ môi trường là loại thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường, nên chi phí thuế bảo vệ môi trường được chuyển trực tiếp vào giá bán sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế và người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế bảo vệ môi trường.
Do đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn góp phần giảm giá bán lẻ xăng dầu trong nước, từ đó góp phần giảm trực tiếp chi phí của người dân trong việc tiêu thụ xăng dầu và giảm các chi phí gián tiếp đến tiêu dùng các sản phẩm, hàng hóa khác.
Khi đó hộ gia đình, cá nhân sẽ có thêm một phần tài chính để chi tiêu; đồng thời sẽ góp phần giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, giúp doanh nghiệp tăng khả năng phục hồi và mở rộng sản xuất, kinh doanh.