spot_img
31 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngXuất khẩu rau quả trở lại "đường đua"

Xuất khẩu rau quả trở lại "đường đua"

Dù xuất khẩu rau quả ghi nhận tín hiệu khả quan song thực tế nhiều sản phẩm vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính

Sau giai đoạn sụt giảm mạnh, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đang ghi nhận tín hiệu tích cực. Theo Bộ Nông nghiệp và Môi trường (NN-MT), giá trị xuất khẩu rau quả trong tháng 6-2025 ước đạt 750 triệu USD, tăng hơn 50% so với tháng 5. Nhờ đó, tổng kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm 2025 đã lên tới 3,05 tỉ USD.

Áp lực tiêu thụ trái cây mùa vụ

Ông Nguyễn Quang Hiếu, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, cho biết đến cuối tháng 6-2025, các doanh nghiệp (DN) đã xuất khẩu khoảng 45.000 tấn vải thiều, tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, Trung Quốc vừa phê duyệt thêm mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói sầu riêng, đồng thời dự kiến cử chuyên gia sang kiểm tra thực tế vùng trồng bưởi trong tháng 7 để tiến tới xây dựng nghị định thư.

Xuất khẩu rau quả trở lại "đường đua"- Ảnh 1.

Vải thiều Việt Nam đã xuất khẩu được tới nhiều thị trường cao cấp

Điều kiện tiên quyết để duy trì và mở rộng thị trường vẫn là việc bảo đảm sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Các địa phương và DN cần nhân rộng mô hình sản xuất an toàn, chủ động lấy mẫu kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trước khi xuất khẩu, nhằm giảm thiểu tối đa rủi ro khi phía nhập khẩu kiểm tra.

Thực tế, không ít DN đang gặp trở ngại do hạ tầng xử lý sau thu hoạch chưa đồng bộ. Bà Ngô Thị Thu Hồng, Tổng Giám đốc Công ty CP Ameii Việt Nam, cho biết nhà máy của DN này đang vận hành hết công suất để xuất khẩu vải thiều sang các thị trường cao cấp. Tuy nhiên, DN phải đưa vải từ miền Bắc vào miền Nam để chiếu xạ theo yêu cầu kiểm dịch của thị trường Mỹ, do phía Bắc chưa có cơ sở chiếu xạ. “Việc này làm kéo dài thời gian vận chuyển, tăng chi phí và gây khó khăn trong bảo quản quả vải tươi” – bà Hồng phản ánh.

Khi đàm phán, giá vải thiều Việt Nam thường bị đặt lên bàn cân so sánh với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc, Mexico. Do đó, bà Hồng kiến nghị sớm xây dựng hoặc đưa vào vận hành cơ sở chiếu xạ tại Hà Nội, đồng thời thúc đẩy đàm phán mở cửa cho vải thiều tươi vào Hàn Quốc, Nhật Bản để mở rộng đầu ra.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T Group, cho biết DN ông đã nhận được nhiều đơn hàng xuất khẩu trái thanh nhãn vào Mỹ ngay cả khi còn gần một tháng nữa mới vào vụ thu hoạch. Đây là kết quả của quá trình xây dựng thương hiệu uy tín nên khách hàng chủ động đặt mua sớm. Tuy vậy, ông cũng nhìn nhận trái cây Việt Nam vẫn chưa có thương hiệu mạnh trên thị trường quốc tế.

“Nhắc đến New Zealand, người ta nghĩ ngay đến kiwi, Mỹ có táo, Hàn Quốc có nho mẫu đơn. Việt Nam có rất nhiều loại trái cây ngon nhưng tên tuổi vẫn còn mờ nhạt” – ông Tùng ưu tư, đồng thời nhấn mạnh cần đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả dự kiến sẽ có nhiều chuyển biến tích cực trong 6 tháng cuối năm, song kim ngạch cả năm khó đạt mục tiêu 8 tỉ USD đã đề ra. Nguyên nhân chủ yếu là do các loại trái cây có tính mùa vụ cao như vải, nhãn, xoài, chôm chôm, thanh long, sầu riêng… thường thu hoạch dồn dập, gây áp lực lên khâu tiêu thụ, dễ dẫn đến ùn ứ và giảm giá.

Bên cạnh đó, mặc dù ngành đã nỗ lực đa dạng hóa thị trường nhưng vẫn phụ thuộc lớn vào một số thị trường chính như Trung Quốc, Mỹ. Điều này tiềm ẩn rủi ro nếu các nước thay đổi chính sách thuế quan hoặc siết chặt tiêu chuẩn kỹ thuật.

Mấu chốt vẫn là chất lượng

Dù xuất khẩu rau quả đang ghi nhận những tín hiệu khả quan, song thực tế cho thấy nhiều sản phẩm vẫn chưa thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn khắt khe của những thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản và cả Trung Quốc. Việc dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, yêu cầu kiểm dịch thực vật và quy định truy xuất nguồn gốc chưa được tuân thủ triệt để đã phần nào hạn chế cơ hội của nông sản Việt.

Trong bối cảnh đó, xuất khẩu rau quả sang thị trường Nhật Bản được xem là điểm sáng. Theo ông Tạ Đức Minh, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, trái cây tươi của Việt Nam như vải, xoài, thanh long, nhãn ngày càng được người tiêu dùng Nhật ưa chuộng. Đơn cử, mùa vải năm nay, một DN Việt đã xuất khẩu hơn 100 tấn ngay từ đầu vụ và dự kiến đạt 200 tấn vào cuối vụ.

Các hệ thống bán lẻ lớn như AEON cùng nhiều siêu thị cao cấp khác cũng đang tích cực nhập khẩu trái cây Việt Nam. Đáng chú ý, quả vải tươi không chỉ xuất hiện trên kệ siêu thị mà còn được tiêu thụ sôi động qua các nền tảng thương mại điện tử, mạng xã hội và cả Amazon của Nhật.

Để thâm nhập sâu hơn thị trường này, Tham tán Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản khuyến nghị DN Việt không nên cạnh tranh bằng giá thấp mà nên tạo giá trị bằng chế biến sâu (trái cây sấy giá trị cao gấp 2-3 lần hàng tươi); bao bì thân thiện môi trường. Bởi lẽ, 60% người Nhật ưu tiên mua sản phẩm nếu bao bì bền vững. Việc truy xuất minh bạch cũng giúp tăng giá bán 10%-15%…

Với thị trường Trung Quốc, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh đề nghị ngành hàng rau quả Việt Nam tăng cường quản lý, giám sát nông sản, nhất là các sản phẩm tươi sống (trái cây, rau củ) ngay tại cơ sở sản xuất, vùng trồng nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, truy xuất nguồn gốc. DN xuất khẩu nên lựa chọn vận tải bằng đường biển, đường sắt đối với sản phẩm phù hợp, tránh chỉ tập trung vào các cửa khẩu đường bộ biên giới.

Trước thực trạng rau quả thời vụ dễ bị dồn ứ, Hiệp hội Rau quả Việt Nam kiến nghị các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ, kịp thời làm việc với lực lượng tại các cửa khẩu biên giới để ưu tiên thông quan những loại hàng hóa có tính chất mùa vụ cao và dễ hư hỏng như vải, nhãn, xoài, thanh long. Về dài hạn, ngành rau quả cần tập trung đầu tư vào vùng trồng, áp dụng quy trình sản xuất sạch, an toàn theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, đồng thời bảo đảm truy xuất nguồn gốc minh bạch.

Việc nâng cao năng lực kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại nặng cũng như đẩy mạnh phát triển công nghệ chế biến sâu, chế biến tinh không chỉ giúp đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra giá trị gia tăng mà còn góp phần giảm áp lực tiêu thụ sản phẩm tươi, kéo dài thời gian bảo quản để mở rộng xuất khẩu sang các thị trường xa. 

Xuất khẩu sầu riêng có thể sớm phục hồi

Bộ NN-MT dự báo xuất khẩu sầu riêng sẽ phục hồi từ quý III/2025, nhất là vào chính vụ từ tháng 8 đến tháng 10. Tuy nhiên, mức phục hồi này phụ thuộc rất lớn vào việc DN, nông dân có tiếp tục duy trì điều kiện an toàn thực phẩm đã cam kết hay không. Nếu tình trạng vi phạm tái diễn, ngành hàng này sẽ vẫn đối mặt nguy cơ bị kiểm soát gắt gao, thậm chí đóng cửa thị trường.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật