
Tháng 12 năm 1984, khi Tổng bí thư Liên Xô – Mikhail Gorbachev, cùng phu nhân Raisa Gorbacheva tới Anh dùng bữa trưa với Thủ tướng Margaret Thatcher tại biệt thự Chequers, một trong những chủ đề bàn luận bất ngờ lại là… khoai tây.
Bà Raisa chia sẻ rằng Nga có đến 300 cách chế biến củ khoai, khiến Bộ trưởng Nông nghiệp Anh Michael Jopling bất ngờ. Không lâu sau, ông nhận được một cuốn sách nấu ăn kèm ghi chú từ bà Raisa: “Thực ra, có tới 500 công thức chứ không chỉ 300.”
Thế nhưng, gần 4 thập kỷ sau, khoai tây – biểu tượng ẩm thực của Nga, lại thể hiện cho những áp lực ngày càng rõ rệt của nền kinh tế nước này. Giá khoai tây đã tăng vọt 167% trong năm qua, mức tăng cao nhất trong nhóm thực phẩm.
Áp lực từ lạm phát và thiếu hụt lao động
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào năm 2022 và Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất thế giới, giới kinh tế học luôn dõi theo từng chỉ dấu về tác động kinh tế. Dẫu vậy, trong một thời gian dài, nền kinh tế Nga dường như vẫn trụ vững.
Nhưng hiện tại, giá thực phẩm leo thang và tình trạng thiếu hụt lao động đang khiến lạm phát duy trì ở mức cao, tạo ra những vết nứt ngày càng rõ trong nền kinh tế nước này.
Bộ trưởng Kinh tế Nga Maxim Reshetnikov mới đây thẳng thắn cảnh báo: “Chúng ta gần như đã chạm ngưỡng suy thoái.”
Nhà phân tích Alexandra Prokopenko, thuộc Trung tâm Carnegie Nga-Âu Á và từng là cố vấn tại Ngân hàng Trung ương Nga, cho rằng: “Tăng trưởng kinh tế chậm lại trong khi lạm phát cao đang đẩy Nga đến gần tình trạng đình lạm.”
Một nhà kinh tế khác giấu tên từ một ngân hàng châu Âu nhận định rằng mặc dù các chỉ số không hoàn toàn rõ ràng, nhưng động lực tăng trưởng kinh tế đang yếu dần: “Thâm hụt ngân sách đang mở rộng, cho thấy ngay cả với sự hỗ trợ tài khóa, chủ yếu dành cho lĩnh vực quân sự, kinh tế Nga không còn vững vàng như trước.”
Hiện tại, tiềm năng huy động thêm nhân lực vào quân đội và các ngành sản xuất quân sự đã gần như cạn kiệt. Lạm phát trong tháng 5 vừa qua chạm mốc 9,9%, phần lớn do hàng tỷ rúp được chi cho lĩnh vực quân sự, cùng với tình trạng thiếu lao động và chi phí gia tăng.
Lãi suất hiện vẫn duy trì ở mức 20%, dù đã giảm nhẹ 1 điểm phần trăm hồi tháng 6 sau nỗ lực kiểm soát lạm phát bằng việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Tuy vậy, chính sách này đồng thời làm hạn chế dòng vốn cho phần còn lại của nền kinh tế.
Bức tranh trái chiều: Người hưởng lợi và kẻ chịu thiệt
Tuy nhiên, không thể nói rằng toàn bộ người dân Nga đều đang gặp khó khăn. Tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp kỷ lục, lãi suất cao khuyến khích người dân gửi tiết kiệm và người vay thế chấp nhà được hỗ trợ phần nào. Thu nhập danh nghĩa cũng tăng nhanh, giúp mức lương thực tế cải thiện đáng kể.
“Thậm chí, tôi đi lại nhiều ở Nga và không thấy dấu hiệu tiêu cực nào bùng phát,” chuyên gia Tatiana Orlova từ Oxford Economics cho biết.
Bà cho rằng cảnh báo suy thoái của Bộ trưởng Kinh tế có thể chỉ là chiêu “tâm lý” nhằm gây áp lực buộc Ngân hàng Trung ương cắt giảm lãi suất.
Dù vậy, giáo viên, bác sĩ và các lao động trong khu vực công vẫn là nhóm chịu ảnh hưởng tiêu cực rõ nhất bởi lạm phát.
Trong khi đó, kinh tế tăng trưởng nhờ chi tiêu quân sự lại tạo ra một tầng lớp “trung lưu mới” ở các thị trấn nghèo, những gia đình có người tham gia quân đội theo hợp đồng nhận được các khoản thưởng khổng lồ từ 20.000 đến 35.000 USD, cùng mức lương hàng tháng cao hơn trung bình.
Giá khoai tây tăng cao không chỉ vì nguồn cung khan hiếm do mất mùa, mà còn vì nó là “hàng hóa Giffen” – tức là càng nghèo, người ta càng tiêu thụ nhiều loại thực phẩm giá rẻ như khoai.
Song, chuyên gia hàng hóa Nga Andrey Sizov lại chỉ ra rằng người dân có thể đang “nâng cấp” bữa ăn. “Nhu cầu đối với khoai tây giảm một chút vì nhiều người Nga nghèo đã kiếm được nhiều tiền hơn trong 2 năm qua và bắt đầu ăn nhiều thịt, bơ, trứng thay vì chỉ khoai,” ông lý giải.
Tham khảo The Telegraph