spot_img
26 C
Hanoi
spot_img
Trang chủThị TrườngXúc xích không nhãn bán tràn lan ngoài chợ, bị kiểm tra...

Xúc xích không nhãn bán tràn lan ngoài chợ, bị kiểm tra lại nói 'hàng nhà làm để ăn'

Xúc xích không nhãn mác được bày bán công khai với giá dưới 5.000 đồng/cái, nhưng khi bị lực lượng quản lý thị trường kiểm tra, người bán lại nói 'hàng nhà làm để ăn".

Không nhãn mác, không thành phần, không hạn sử dụng, không nhà sản xuất…, thậm chí có những thành phẩm chẳng được đóng gói mà bày tràn lan trên sạp hàng không được che chắn. Đó là thực trạng của món xúc xích “trần” đang “hô mưa gọi gió” trong giới đồ ăn nhanh.

Thực phẩm này đang bày bán tràn lan ở các chợ dân sinh, chợ đầu mối, có nơi công khai nhưng cũng có chỗ bán lén lút với vô số mánh khoé tinh vi cùng lời nói lấp liếm của tiểu thương. Từ món ăn được “phơi” nóng hàng giờ đồng hồ nhưng không có biện pháp bảo quản an toàn, xúc xích trần trụi ấy sẽ được phân phối đi khắp nơi, len lỏi tới cổng trường học, quán ăn vỉa hè, cửa hàng tạp hoá, căng tin, thậm chí cả bữa cơm gia đình…

Tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm là thế nhưng món xúc xích này lại rất gần gũi với học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động… khi đáp ứng được các tiêu chí ngon, tiện và giá mềm hơn nhiều thương hiệu xúc xích trên thị trường.

Xúc xích không nhãn bán tràn lan ngoài chợ, bị kiểm tra lại nói 'hàng nhà làm để ăn'- Ảnh 1.

Những túi xúc xích không nhãn mác được bày bán công khai ở chợ đầu mối phía Nam (Hà Nội) mà không hề có biện pháp bảo quản an toàn nào.

Hô biến xúc xích bẩn

Trong vai người mua hàng, nhóm PV Báo Điện tử VTC News có mặt tại khu chợ đầu mối phía Nam (Hà Nội). Đây là một trong những trạm trung chuyển thực phẩm lớn nhất miền Bắc.

Khu vực bán hàng đông lạnh và thịt lợn chính là thủ phủ của món xúc xích này. Nổi bật trong đó là những gói xúc xích đa dạng màu sắc, được làm từ thịt lợn, thịt gà. Thay vì bảo quản trong những tủ cấp đông hay kệ tủ lạnh thì xúc xích ở chợ đầu mối lại được đóng gói, xếp chồng nhau, đặt cạnh các tảng thịt lợn hay vài ba cân giò chả trong tiết trời nắng nóng. Cũng có số ít được giấu kỹ trong thùng xốp, túi đen.

Thấy khách đi qua, hàng loạt tiểu thương bắt đầu mời chào mua sản phẩm của mình. Chúng tôi ngỏ ý muốn tìm nhà bán xúc xích số lượng lớn lại rẻ, ngon, một người phụ nữ đứng tuổi hồ hởi chỉ tay về phía trước mặt: “Ra chị ấy mà lấy”.

Xúc xích không nhãn bán tràn lan ngoài chợ, bị kiểm tra lại nói 'hàng nhà làm để ăn'- Ảnh 2.

Cả người bán lẫn người mua đều thờ ơ với nguồn gốc xuất xứ của các loại xúc xích trôi nổi.

Vừa có người ghé hàng hỏi mua xúc xích, một người phụ nữ trung niên đon đả mời chào và không ngừng giới thiệu sản phẩm bằng loạt mỹ từ: “Hàng rẻ, hàng ngon, hàng đắt tiền”.

– Mua mấy kg?

– Em mua 2kg.

Chỉ vào chồng xúc xích “trần” màu đỏ, chúng tôi bắt đầu cuộc ngã giá. Theo giới thiệu của tiểu thương, đây là xúc xích được làm từ thịt gà, có giá mềm hơn xúc xích làm từ thịt lợn.

– 60 nghìn/kg – tiểu thương nói.

– 55 nghìn? Lấy về để em ăn thử nếu ngon thì nhập đều.

– 59 nghìn cũng chịu, đây ăn theo thành phẩm thôi.

– Chất lượng đảm bảo không?

– Đảm bảo, yên tâm. Hàng chuẩn, giấy tờ đàng hoàng, không ngon trả lại, một đổi một. Để thoải mái, ngăn đá để được hơn 6 tháng, ngăn mát được 1 tháng.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu của PV, trong điều kiện nhiệt độ khoảng 4°C, xúc xích chưa mở gói có thể bảo quản từ 1 đến 2 tuần; đông lạnh (dưới 0°C) có thể bảo quản được lâu hơn nhưng cũng chỉ khoảng 1 đến 2 tháng, tùy thuộc vào chất lượng đóng gói và môi trường lưu trữ.

Thấy thực khách tiềm năng, tiểu thương không ngừng giới thiệu nhằm giữ chân và nhanh chóng “chốt đơn”. Theo tiết lộ của tiểu thương, xúc xích làm từ thịt lợn sẽ có giá bán 85.000 đồng/kg, đóng gói 500 gram mỗi túi.

Xúc xích không nhãn bán tràn lan ngoài chợ, bị kiểm tra lại nói 'hàng nhà làm để ăn'- Ảnh 3.

Những túi xúc xích không nhãn mác bắt đầu hành trình phân phối đi các nơi rồi len lỏi vào từng quán xá, căng tin, thậm chí cả bữa ăn gia đình.

Mỗi túi xúc xích nặng 500 gram, thường có 12 chiếc, được đóng trong túi nilon đã hút chân không nhưng hoàn toàn không có nhãn mác hay hướng dẫn bảo quản. Nhìn những túi xúc xích như thế, chúng tôi tỏ vẻ lưỡng lự: “Này có nhãn mác đâu mà biết là loại gì?”.

Như bị đánh trúng tim đen, người phụ nữ vội giải thích “nhà làm mà không biết loại gì thì chết” và không quên đưa ra mức giá ưu đãi 58.000 đồng/kg đã bao gồm tiền ship nhưng đi kèm điều kiện phải mua từ 20kg trở lên.

Với mức giá và số lượng như trên, phóng viên nhẩm tính, chỉ cần 2.500–3.500 đồng là có thể mua một chiếc xúc xích “vô danh” không rõ nguồn gốc. Trong khi theo khảo sát trước đó tại một số siêu thị, nhiều loại xúc xích được ghi rõ nhãn mác, hạn sử dụng, thành phần… thì giá có thể lên đến trên 100.000 đồng/kg, thậm chí gần 200.000 đồng/kg.

Nhằm mục sở thị mức tràn lan của loại xúc xích này, nhóm PV rời chợ đầu mối, tới khu chợ dân sinh Nam Dư (Hà Nội), tình trạng tương tự tiếp tục lặp lại. Vẫn xúc xích không nhãn mác, không được bảo quản an toàn nhưng giá lại đắt hơn nhiều so với chợ đầu mối.

Tiểu thương bán thịt lợn đồng thời kiêm nhiệm bán xúc xích không nhãn mác. Trước mặt người này là khoảng 10 túi xúc xích đặt gọn vào chiếc khay trong lúc nhiệt độ ngoài trời khoảng 35°C. Sản phẩm cũng mềm đi khi được bày bán hàng giờ dưới điều kiện thời tiết ấy.

Xúc xích không nhãn bán tràn lan ngoài chợ, bị kiểm tra lại nói 'hàng nhà làm để ăn'- Ảnh 4.

Xúc xích làm từ thịt được đóng gói và bày bán hàng giờ dưới thời tiết nóng bức.

Vừa dừng lại trước một sạp hàng, chúng tôi lập tức bị kéo vào một cuộc mặc cả. Thấy khách tỏ vẻ đắn đo, người phụ nữ bán hàng nhanh chóng xuống nước, để mức giá hời 110.000 đồng/kg đối với xúc xích làm từ thịt lợn.

“Chị có mối lấy nhiều mới để giá này đấy”, người này nói khéo. Chúng tôi ngỏ ý muốn bớt thêm và lấy 2kg về ăn thử nhưng chị này tỏ thái độ nhất quán và nói không, đồng thời khẳng định: “Thế là sát giá rồi đấy” . Để chúng tôi tin tưởng hơn vào chất lượng cũng như mức giá hời mình đưa ra, chị bảo: “Anh chủ quán internet gần đây lấy suốt, nhiều lắm”.

Trước khi thực hiện giao dịch chuyển tiền để nhận những gói xúc xích “trần”, chúng tôi vẫn không ngừng băn khoăn về hạn sử dụng. Tiểu thương giải thích, xúc xích gia công nên không cần hạn sử dụng.

“Cũng như thịt em để tủ lạnh 2-3 ngày trong ngăn mát không ăn cũng thiu luôn, có chất phụ gia đâu, có chất phụ gia mới thiu”, nữ tiểu thương ở chợ dân sinh đưa ra phép so sánh, ngầm khẳng định sản phẩm xúc xích của hàng mình an toàn.

Khi chúng tôi rời đi cùng 2kg xúc xích “trần”, người phụ nữ nhanh chóng quay lại với khách mới, tiếp tục mời chào, tiếp tục lặp lại những lời cam kết quen thuộc như một kịch bản được soạn sẵn.

Xúc xích “nhà làm để ăn”

Toàn bộ tài liệu, hình ảnh đã được PV Báo Điện tử VTC News chuyển đến Đội Quản lý thị trường số 15, đề nghị kiểm tra. Hôm sau, chúng tôi trở lại chợ đầu mối phía Nam (Hà Nội) cùng lực lượng quản lý thị trường. Những túi xúc xích “trần” vẫn được bày bán công khai, thế nhưng chỉ trong vòng 24 giờ, những lời khẳng định bán xúc xích “bao nhiêu cũng có” nhanh chóng biến thành “hàng nhà làm để ăn”…

Xúc xích không nhãn bán tràn lan ngoài chợ, bị kiểm tra lại nói 'hàng nhà làm để ăn'- Ảnh 5.

Khi lực lượng chức năng có mặt, từ những túi xúc xích không nhãn mác bày bán công khai đã nhanh chóng trở thành xúc xích “nhà làm để ăn”.

Thái độ của người phụ nữ trung niên ấy đã “quay xe”, dè dặt, cẩn trọng hơn trong từng lời nói : “Để ăn mà, chị thuê người ta làm thuê, chị làm mang về ăn mà chị có bán đâu”.

Khi được chỉ vào gói xúc xích để trên mặt bàn không tem mác, người phụ nữ này giải thích: “Đây là người ta vật nài người ta mua về ăn, chị mới bán. Xúc xích nhà chị xúc xích ngon, hàng giò người ta làm có phải chị làm đâu. Chị có bảo chị bán xúc xích đâu, xúc xích chợ ở kia rẻ, xúc xích này xúc xích ngon, chị bảo xúc xích chị mang về ăn, em bảo mua thì chị bán, chị có làm nhiều đâu”.

Thời điểm này, Đội Quản lý thị trường số 15 đã kiểm tra hai quầy kinh doanh thực phẩm do bà N.T.N (SN 1996) và ông L.V.B (SN 1974) làm chủ kinh doanh.

Cơ quan chức năng xác định, hai tiểu thương này bày bán hàng hóa thực phẩm gồm xúc xích, loại 500g/gói và thịt lợn các loại, là hàng hóa không thể hiện nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ của hàng hóa, không có căn cứ xác định được nguồn gốc nơi sản xuất hoặc xuất xứ của hàng hóa.

Đội Quản lý thị trường số 15 ra quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa vi phạm này để xử lý và đã xử phạt 2 tiểu thương này số tiền 19,5 triệu đồng, yêu cầu không tái phạm.

Ngay sau buổi kiểm tra, phóng viên tiếp tục liên hệ ông Trịnh Quang Đức – Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội để phỏng vấn, làm rõ trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, ông Đức cho biết đang họp giao ban và đã giao Đội 15.

Xúc xích không nhãn bán tràn lan ngoài chợ, bị kiểm tra lại nói 'hàng nhà làm để ăn'- Ảnh 6.

Không chỉ Hà Nội mà rất nhiều địa phương khác vẫn tồn tại loại xúc xích “trần” được bày bán công khai.

Hiện nay, xúc xích không nhãn mác được bày bán tràn lan ở các chợ đầu mối và chợ dân sinh. Người tiêu dùng vẫn phải tự xoay xở trong một thị trường mà đúng – sai – sạch – bẩn… lẫn lộn. Người bán thì thờ ơ với nguồn gốc sản phẩm hoặc cố tình phớt lờ, còn người mua chỉ quan tâm đến giá rẻ, dễ ăn, mà ít ai nhận ra đằng sau đó là những hiểm họa về an toàn thực phẩm.

Đại diện Ban quản lý chợ đầu mối phía Nam cũng đã vào cuộc kiểm tra xử lý các thông tin Báo điện tử VTC News đưa, đơn vị này cũng tiếp thu phản ánh của báo và cám ơn VTC News đã có những thông tin kịp thời.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật