spot_img
28 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhNgành thực phẩm rúng động với thất bại của Warren Buffett: Thương...

Ngành thực phẩm rúng động với thất bại của Warren Buffett: Thương hiệu nổi tiếng chia tách sau 10 năm đầu tư, xóa sạch 60 tỷ USD vốn hóa

Giấc mơ thống trị ngành thực phẩm của Warren Buffett đang tan biến dần.
Ngành thực phẩm rúng động với thất bại của Warren Buffett: Thương hiệu nổi tiếng chia tách sau 10 năm đầu tư, xóa sạch 60 tỷ USD vốn hóa- Ảnh 1.

Mười năm trước, thương vụ sáp nhập giữa Kraft và Heinz được ví như một “đám cưới vàng” của ngành thực phẩm Mỹ, đứng sau là hai thế lực tài chính hùng mạnh: Warren Buffett – nhà đầu tư huyền thoại với biệt danh “Nhà tiên tri xứ Omaha”, và 3G Capital – quỹ đầu tư tư nhân Brazil nổi tiếng với triết lý thắt chặt chi tiêu không khoan nhượng.

Thế nhưng vào tháng 7/2025, chính liên minh từng được ca tụng đó lại đang đứng trước nguy cơ “tan vỡ”.

Tờ Wall Street Journal (WSJ) cho hay Kraft Heinz đang xem xét chia tách công ty – một bước đi không chỉ để cứu vãn mô hình kinh doanh đang trì trệ, mà còn là lời thú nhận muộn màng cho một trong những thất bại chiến lược lớn nhất trong sự nghiệp đầu tư của Buffett.

Ngành thực phẩm rúng động với thất bại của Warren Buffett: Thương hiệu nổi tiếng chia tách sau 10 năm đầu tư, xóa sạch 60 tỷ USD vốn hóa- Ảnh 2.

Giấc mơ tan biến

Thương vụ Kraft-Heinz năm 2015 từng được tung hô là hình mẫu của một cuộc cách mạng trong ngành hàng tiêu dùng. Với doanh thu hợp nhất khoảng 28 tỷ USD, danh mục gồm hàng loạt biểu tượng thực phẩm như Heinz Ketchup, Kraft Mac & Cheese, Oscar Mayer hay Jell-O, thương hiệu này dường như không thể thất bại.

Chính Warren Buffett đã đổ hơn 10 tỷ USD vào thương vụ này, còn 3G Capital đưa triết lý “zero-based budgeting” (mọi chi tiêu đều phải được giải trình cặn kẽ) vào vận hành.

Tuy nhiên mô hình này, từng thành công trong ngành bia và cà phê, lại thất bại thảm hại khi áp dụng vào một thị trường thực phẩm đang thay đổi nhanh chóng.

Người tiêu dùng không còn chọn thực phẩm chế biến sẵn như trước. Họ tìm đến thực phẩm tươi, hữu cơ, không phẩm màu, ít đường. Trong khi đó, Kraft Heinz lại bị mắc kẹt với sản phẩm “di sản” từ thế kỷ trước, thiếu đổi mới, thiếu đột phá.

Từ sau đỉnh cao năm 2017, giá cổ phiếu Kraft Heinz đã bốc hơi hơn 70%, xóa sạch gần 60 tỷ USD giá trị thị trường. Thương hiệu này cũng gặp phải hàng loạt thất bại, bao gồm việc bị Unilever từ chối đề nghị tiếp quản 143 tỷ USD vào năm 2017 và một vụ bê bối kế toán.

Đến năm 2019, công ty đã phải ghi giảm giá trị tài sản 15 tỷ USD, chủ yếu do các thương hiệu của Kraft và Oscar Mayer bị suy yếu, một cú sốc đối với giới đầu tư.

Điều này chứng tỏ chiến lược cắt giảm chi phí cực đoan của 3G đã phản tác dụng, bỏ bê đầu tư vào đổi mới và tiếp thị, khiến các sản phẩm từng là trụ cột trong gian bếp Mỹ mất dần sự yêu thích của người tiêu dùng.

Năm 2025, Kraft Heinz chính thức thừa nhận mô hình hiện tại không còn phù hợp. Công ty đang lên kế hoạch chia tách mảng thực phẩm truyền thống (như mì hộp, thịt nguội, phô mai đóng gói) thành một công ty độc lập, trong khi giữ lại các sản phẩm tăng trưởng nhanh như sốt Heinz, mù tạt Grey Poupon và các loại nước sốt khác.

Lãnh đạo công ty tin rằng hai thực thể riêng biệt sẽ có tổng giá trị vượt mức vốn hóa hiện tại khoảng 31 tỷ USD – một nỗ lực để “giải phóng giá trị” bị giam hãm quá lâu.

Dẫu vậy đây không còn là một chiến lược tăng trưởng mà giống một cuộc chia tách để tồn tại hơn.

Ngành thực phẩm rúng động với thất bại của Warren Buffett: Thương hiệu nổi tiếng chia tách sau 10 năm đầu tư, xóa sạch 60 tỷ USD vốn hóa- Ảnh 3.

Thất bại của Warren Buffett

Nhà đầu tư Buffett vốn nổi tiếng với triết lý đầu tư dài hạn, đặt cược vào doanh nghiệp có thương hiệu mạnh và lợi thế cạnh tranh bền vững. Thế nhưng vụ Kraft Heinz đã trở thành một trong những sai lầm hiếm hoi nhưng đau đớn nhất của ông.

Không chỉ định giá quá cao cho Kraft thời điểm mua vào, Buffett còn bị động khi công ty lâm vào khủng hoảng.

Dù Berkshire Hathaway vẫn nắm giữ khoảng 28% cổ phần nhưng họ đã rút khỏi hội đồng quản trị từ tháng 5/2025, một dấu hiệu cho thấy chính Buffett cũng không còn muốn can thiệp trực tiếp.

Thậm chí 3G Capital còn rút lui sớm hơn, bán toàn bộ cổ phần vào cuối năm 2023, khép lại chương đen tối trong lịch sử của họ với ngành hàng tiêu dùng Mỹ.

Trên thực tế, trường hợp của Kraft Heinz không phải cá biệt. Toàn ngành thực phẩm đóng gói đang đứng trước áp lực cấu trúc khi người tiêu dùng tránh xa sản phẩm công nghiệp hóa.

Các đối thủ như Kellogg, Nestlé, hay General Mills đều phải bán bớt mảng kém hiệu quả, tách công ty, hoặc đầu tư vào thực phẩm tốt cho sức khỏe.

Gần đây, Kellogg cũng đã chia tách thành hai công ty – trong đó một phần (WK Kellogg) đã được bán cho Ferrero với giá 3 tỷ USD. Sự chia tách đang trở thành xu hướng bắt buộc, chứ không phải lựa chọn chiến lược.

Nếu thương vụ sáp nhập Kraft-Heinz từng được xem là đỉnh cao của chủ nghĩa đầu tư dựa trên giá trị và kỷ luật thì giờ đây, kế hoạch chia tách lại phơi bày giới hạn của mô hình đó.

Warren Buffett – người luôn thận trọng và kỷ luật – đã đặt cược sai vào một ngành đang thay đổi nhanh hơn ông nghĩ. Thất bại này không làm lu mờ sự nghiệp lẫy lừng của ông, nhưng nó sẽ mãi là một vết xước trên hồ sơ vốn gần như hoàn hảo.

Với giới đầu tư toàn cầu, đây là lời nhắc nhở rằng ngay cả những thương hiệu lừng lẫy nhất cũng có thể lỗi thời nếu không đổi mới kịp thời.

*Nguồn: WSJ, FT

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật