spot_img
27.3 C
Hanoi
spot_img
Trang chủTài ChínhHơn 12 triệu sinh viên Trung Quốc đối mặt với thực tế...

Hơn 12 triệu sinh viên Trung Quốc đối mặt với thực tế khắc nghiệt sau tốt nghiệp

Hè 2025, Trung Quốc chứng kiến kỷ lục 12,2 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học bước vào thị trường lao động. Nhưng với nhiều người trẻ, cánh cửa việc làm vẫn mù mịt.
Sinh viên tìm kiếm việc làm tại hội chợ việc làm được tổ chức tại khuôn viên trường Đại học Sư phạm Hoài Bắc ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc vào ngày 16/10/2024. (Ảnh: VCG)

Sinh viên tìm kiếm việc làm tại hội chợ việc làm được tổ chức tại khuôn viên trường Đại học Sư phạm Hoài Bắc ở Hoài Bắc, tỉnh An Huy, miền Đông Trung Quốc vào ngày 16/10/2024. (Ảnh: VCG)

Khoảng cách giữa kỳ vọng và thực tế

Ou Muoli, 23 tuổi, vừa tốt nghiệp chuyên ngành tài chính quốc tế tại Đại học Hà Nam, vẫn miệt mài tìm việc suốt bốn tháng qua tại Thâm Quyến. Mức lương kỳ vọng của cô không quá cao – khoảng 5.000 Nhân dân tệ (tương đương 697 USD), kèm theo hai ngày cuối tuần nghỉ và các phúc lợi xã hội cơ bản.

Cô đã nộp hơn 100 đơn xin việc, cả trực tuyến lẫn trực tiếp tại các hội chợ việc làm. Dù một vài công ty phản hồi, đa phần là các vị trí giảng dạy hoặc bán hàng – những công việc cô không hứng thú hoặc yêu cầu đi làm sớm trong khi cô còn chưa hoàn tất luận văn tốt nghiệp.

“Các vị trí hành chính, nhân sự hay marketing đều đòi hỏi kinh nghiệm. Nhưng tôi vừa tốt nghiệp, làm gì có?”, Ou than thở.

Từ cuối tháng 6 đến đầu tháng 7, hàng triệu sinh viên trên khắp Trung Quốc tung mũ tốt nghiệp trong niềm hân hoan. Nhưng niềm vui đó nhanh chóng nhường chỗ cho nỗi lo tìm việc làm.

Dù có tới 12,2 triệu sinh viên tốt nghiệp bước vào thị trường lao động trong năm nay, và các ngành mới nổi như năng lượng tái tạo, trí tuệ nhân tạo, xe điện hay công nghệ sinh học đang khát nhân lực, song thị trường việc làm không “dễ thở” như tưởng tượng.

Theo ông Zhao Litao, chuyên gia tại Viện Đông Á – Đại học Quốc gia Singapore, “sự lệch pha giữa nhu cầu tuyển dụng và năng lực thực tế hoặc mong muốn nghề nghiệp của sinh viên ngày càng rõ rệt”. Nhiều ngành đang thiếu lao động như sản xuất, xây dựng, logistics… nhưng lại không thu hút được giới trẻ.

Tiến sĩ Li Fei, Đại học Chiết Giang, nhận định: “Người trẻ Trung Quốc hiện nay muốn công việc hiện đại, có giá trị xã hội và ổn định, hơn là các ngành tay chân hoặc truyền thống”.

Hơn 12 triệu sinh viên Trung Quốc đối mặt với thực tế khắc nghiệt sau tốt nghiệp- Ảnh 2.

Sinh viên khóa 2025 của Đại học Thanh Hoa tung mũ ăn mừng tại lễ tốt nghiệp ở Bắc Kinh. (Ảnh: IG/tsinghua_uni)

Cử nhân ngành hot vẫn thất nghiệp

Ngay cả những sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin – lĩnh vực đang rất “nóng” – cũng không tránh khỏi khó khăn.

Cai Bao, 22 tuổi, tốt nghiệp ngành khoa học máy tính tại một trường đại học lớn, từng tin rằng tấm bằng của mình sẽ “có giá”. Nhưng thực tế, anh nộp gần 1.000 hồ sơ và gần như không nhận được phản hồi nào.

“Những gì chúng tôi học chỉ là lập trình cơ bản, an ninh mạng và hệ thống nhúng từ các bài giảng cũ kỹ”, Cai nói. “Khi liệt kê ra trong CV, nhà tuyển dụng biết ngay bạn không theo kịp thời đại”.

Cai cũng thẳng thắn chia sẻ sự phân biệt đối xử trong tuyển dụng: “Tốt nghiệp trường không danh tiếng đồng nghĩa với việc cánh cửa đã khép lại một nữa”.

Theo thống kê, tính đến tháng 5/2025, tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên 16-24 tuổi tại Trung Quốc lên tới gần 15%, dù đã giảm ba tháng liên tiếp. Nhưng con số này vẫn cao hơn cùng kỳ năm trước, cho thấy áp lực thị trường lao động ngày càng lớn.

Xu Yiling, 22 tuổi, tốt nghiệp ngành kinh tế ứng dụng tại Đại học Thâm Quyến, là một trong số ít sinh viên đã có việc làm ngay sau khi ra trường. Cô dành hàng giờ mỗi tuần để chỉnh sửa hồ sơ, luyện phỏng vấn, tích lũy kinh nghiệm từ các kỳ thực tập tại Tencent và các tổ chức quốc tế.

Sau 80 đơn ứng tuyển, cô nhận được ba lời mời và quyết định chọn vị trí quản lý hoạch định chiến lược tại tập đoàn công nghệ nổi tiếng Vivo ở Đông Quan.

“Tôi biết mình may mắn hơn nhiều bạn bè khác, khi họ vẫn đang gửi CV hàng tuần mà không nhận nổi một cuộc gọi lại”, Xu nói.

Giới chuyên gia Trung Quốc cảnh báo tình trạng trì hoãn đi làm, học cao hơn hoặc chuyển hướng sang các công việc phi chính thức có thể làm trầm trọng thêm khoảng cách giữa năng lực thực tế và nhu cầu thị trường.

“Chúng tôi đang chứng kiến hiện tượng cử nhân, thạc sĩ làm các công việc trình độ thấp – gây lãng phí chất xám và khiến giới trẻ dễ rơi vào trạng thái chán nản, ‘nằm yên'”, Giáo sư Chen Jie – Đại học Hong Kong – Thâm Quyến, nhận định.

Ngay cả sau khi học tiếp, cơ hội việc làm cũng không nhiều hơn. “Càng học cao, kỳ vọng càng lớn, nhưng thực tế lại không thay đổi mấy”.

Theo số liệu do báo Global Times đăng tải ngày 16/6/2025 dẫn số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS), tỷ lệ thất nghiệp khảo sát ở khu vực thành thị Trung Quốc trong tháng 5 là 5%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với tháng trước.

Để thu hút sinh viên, nhiều địa phương của Trung Quốc, đặc biệt là khu vực Vùng Vịnh Lớn (GBA) đã tung ra hàng loạt chính sách: trợ cấp tiền mặt 5.000 – 10.000 Nhân dân tệ, hỗ trợ nhà ở miễn phí 30 ngày, cam kết tuyển dụng hàng chục ngàn vị trí thực tập tại các công ty lớn như Tencent. Nhưng các chuyên gia cho rằng đây chỉ là giải pháp ngắn hạn. “Không thể trông chờ vài ngàn tệ trợ cấp sẽ giải quyết được vấn đề gốc rễ”, ông Zhao nói. “Chúng ta cần một cuộc cải tổ toàn diện trong cách đào tạo, định hướng và kết nối sinh viên với thực tiễn nghề nghiệp”.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật