Theo một báo cáo vừa công bố của liên minh các tổ chức phi lợi nhuận do Urgewald (Đức) chủ trì, hơn 385 tỷ USD đã được các ngân hàng toàn cầu cấp cho các dự án điện than trong vòng 3 năm qua, và dòng tiền thậm chí còn tăng trong năm 2023.
“Cứ như thể hội nghị Glasgow chưa từng tồn tại”, bà Katrin Ganswindt, Giám đốc nghiên cứu tài chính tại Urgewald, bình luận.

Tại COP26, gần 200 quốc gia đã đồng thuận loại bỏ dần điện than. Nhiều ngân hàng lớn cũng tuyên bố sẽ cắt giảm tài trợ cho nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, bốn năm sau, những tuyên bố đó vẫn chưa để lại dấu ấn nào đáng kể.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), điện than vẫn chiếm hơn 2/3 sản lượng điện toàn cầu – và nếu các nhà máy hiện tại tiếp tục hoạt động như bình thường, thế giới sẽ vượt xa mục tiêu 1,5°C của Thỏa thuận Paris.
Mặc dù số lượng dự án điện than mới đang giảm dần, “đội tàu” nhà máy than hiện hữu lại không có dấu hiệu rút lui, theo báo cáo của Urgewald.
Tắt điện than – nói dễ, làm khó
Việc đóng cửa sớm các nhà máy điện than gặp rất nhiều thách thức – đặc biệt tại các nước đang phát triển, nơi nhiều nhà máy còn rất mới và đang trong thời kỳ khấu hao. Để cắt giảm nhanh, cần vừa có nguồn năng lượng thay thế sẵn sàng, vừa phải bồi thường tài chính cho các nhà đầu tư – điều không dễ dàng về mặt chính trị lẫn tài chính.
Trong khi đó, những sáng kiến nhằm “mua lại” hoặc “ngắt sớm” các nhà máy than đang bị trì hoãn bởi vướng mắc pháp lý và thiếu nguồn lực.
Các ngân hàng Trung Quốc là những bên tài trợ lớn nhất, bơm gần 250 tỷ USD cho ngành than trong giai đoạn 2022–2024. Đứng thứ hai là các ngân hàng Mỹ, dẫn đầu bởi Bank of America, JPMorgan Chase và Citigroup.
Đáng chú ý, Jefferies Financial Group – một ngân hàng đầu tư trụ sở tại New York – là tổ chức có tốc độ tài trợ than tăng nhanh nhất, với mức tăng gần 400% trong 3 năm.

Tại châu Âu, Barclays và Deutsche Bank là hai ngân hàng cung cấp nhiều tài chính cho than nhất.
Phía Deutsche Bank phản hồi rằng họ đã giảm 42% lượng phát thải liên quan đến các khoản cho vay và đầu tư vào khai thác than so với năm 2021.
Sau một giai đoạn “tuyên bố rầm rộ”, một số ngân hàng đã bắt đầu nới lỏng các quy định nội bộ liên quan đến ngành than. Cuối năm 2023, Bank of America thay đổi cam kết “không tài trợ mỏ than mới” thành “đánh giá bổ sung trước khi tài trợ”. Macquarie (Úc) cũng đã nới tiêu chuẩn cấp vốn cho than luyện kim – loại than được dùng để sản xuất thép.
Theo báo cáo, trong số 99 ngân hàng lớn nhất toàn cầu, chỉ 24 đơn vị có kế hoạch dừng tài trợ than trước năm 2040 – đúng với thời hạn mà IEA cho là “an toàn về khí hậu”. Tuy nhiên, nhiều ngân hàng trong số này chỉ nhắm đến điện than, bỏ qua than luyện kim – vốn gây ô nhiễm hơn nhưng lại được viện dẫn là “thiết yếu cho quá trình chuyển đổi năng lượng”.
Thực tế đang dần đảo chiều
Tuy nhiên, có dấu hiệu cho thấy thị trường tài chính đang dần đánh giá lại cách tiếp cận với than. Ông Barry Tudor, Giám đốc điều hành của Pembroke Resources (Úc) – chủ đầu tư mỏ than Olive Downs – cho biết:
“Từ 2020 đến 2022, số tổ chức sẵn sàng tài trợ cho dự án của chúng tôi giảm từ 20 xuống còn 3. Nhưng giờ xu hướng đang quay trở lại”.
Tudor cho rằng nhiều định chế tài chính đang nhận ra rằng “thực tế phức tạp hơn khẩu hiệu” – và rằng không phải tất cả than đều giống nhau.