spot_img
31.3 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếEU ráo riết tìm đồng minh, sẵn sàng ‘ăn miếng trả miếng’...

EU ráo riết tìm đồng minh, sẵn sàng ‘ăn miếng trả miếng’ nếu ông Trump áp thuế 30%

Liên minh châu Âu (EU) đang đẩy mạnh phối hợp với các quốc gia đồng minh như Canada và Nhật Bản nhằm đối phó với làn sóng thuế quan mới từ ông Donald Trump, trong bối cảnh nguy cơ chiến tranh thương mại Mỹ – EU một lần nữa bùng phát.

Theo các nguồn tin thân cận, EU đang cân nhắc khả năng phối hợp hành động với các đối tác cũng bị ảnh hưởng bởi thuế của Mỹ, sau khi loạt đe dọa thuế mới được Trump tung ra nhằm vào khối và các đối tác thương mại lớn khác.

Hiện các cuộc đàm phán giữa EU và Mỹ vẫn đang lâm vào bế tắc, đặc biệt là về thuế nông sản và ô tô. Lãnh đạo các nước EU đã được báo cáo nội bộ vào Chủ nhật vừa qua về tình trạng bế tắc này.

EU ráo riết tìm đồng minh, sẵn sàng ‘ăn miếng trả miếng’ nếu ông Trump thuế 30% - ảnh 1
Xuất khẩu (cột màu đen), nhập khẩu (cột màu xanh) và cán cân thương mại (màu hồng) giữa Mỹ và các quốc gia. Nguồn: Bộ Thương mại Mỹ

Cùng ngày, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố EU sẽ gia hạn tạm hoãn các biện pháp trả đũa thương mại đối với Mỹ đến ngày 1/8 – nhằm tạo thêm thời gian cho đàm phán. Những biện pháp này vốn được đưa ra để đáp trả thuế thép và nhôm mà ông Trump áp đặt trước đây, và đã từng được hoãn một lần.

“Dù tiếp tục đàm phán, chúng tôi vẫn chuẩn bị sẵn kịch bản trả đũa, để luôn ở thế chủ động”, bà von der Leyen nói với báo chí tại Brussels, đồng thời nhấn mạnh EU vẫn ưu tiên giải pháp thương lượng.

Hiện EU đã có sẵn một danh sách các biện pháp trả đũa trị giá 21 tỷ euro (tương đương 24,5 tỷ USD) đối với hàng hóa Mỹ, và một danh sách bổ sung trị giá 72 tỷ euro cùng một số biện pháp kiểm soát xuất khẩu có thể trình lên các nước thành viên ngay đầu tuần này.

Tuy vậy, bà von der Leyen cho biết EU chưa kích hoạt “công cụ chống ép buộc thương mại” (Anti-Coercion Instrument – ACI), vốn là biện pháp thương mại mạnh nhất của khối, với lý do tình hình hiện tại “chưa đến mức khẩn cấp”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Friedrich Merz đều lên tiếng kêu gọi chuẩn bị “các biện pháp đối phó có sức nặng” nếu không đạt được thỏa thuận trước thời hạn 1/8.

Ông Merz cảnh báo mức thuế 30% sẽ giáng đòn mạnh vào các nhà xuất khẩu Đức – nền kinh tế lớn nhất EU – và kêu gọi “duy trì đoàn kết trong EU, cũng như giữ đường dây liên lạc hiệu quả với Tổng thống Mỹ”.

Theo ước tính của Goldman Sachs, nếu mức thuế 30% được áp dụng, tổng thuế suất hiệu lực mà Mỹ áp lên hàng hóa EU sẽ tăng thêm 26 điểm phần trăm – có thể khiến GDP khu vực đồng euro giảm tích lũy 1,2% đến cuối năm 2026.

“EU có thể sẽ trả đũa theo từng bước kể từ ngày Mỹ áp thuế, làm gia tăng nguy cơ leo thang thương mại,” nhóm kinh tế gia của Goldman nhận định. Tuy nhiên, họ cho rằng đây vẫn có thể chỉ là “chiến thuật đàm phán” của ông Trump.

Ông Trump tiếp tục gửi thư dọa áp thuế, không chỉ với EU

Cuối tuần qua, ông Trump đã gửi thư cho nhiều đối tác thương mại – trong đó có EU và Mexico – cảnh báo rằng mức thuế 30% sẽ có hiệu lực từ tháng 8 nếu không đạt được thỏa thuận tốt hơn. Một số quốc gia tỏ ra bất ngờ vì tưởng đàm phán vẫn đang đi đúng hướng.

Ông cũng xác nhận Mỹ đang đàm phán với EU, nhưng tuyên bố “chưa có gì được chốt”.

Trước đó, EU kỳ vọng có thể đạt một thỏa thuận sơ bộ với Mỹ nhằm tránh thuế cao, nhưng thư của Trump đã dội gáo nước lạnh vào kỳ vọng này.

Theo nguồn tin nội bộ, Mỹ đang đề xuất mức thuế 17% đối với hàng nông sản từ EU, trong khi khối này muốn giữ mức trần 10%. Một số nhà sản xuất ô tô từng đề xuất cơ chế “đầu tư đổi giảm thuế”, nhưng đề xuất này hiện bị loại bỏ vì lo ngại sẽ khiến các hãng chuyển dây chuyền sản xuất sang Mỹ.

Đàm phán hiện đang tập trung chủ yếu vào thuế ô tô, trong khi các lĩnh vực như hàng không, thiết bị y tế và rượu mạnh cũng đang được đưa vào danh sách thương lượng.

Bên cạnh mức thuế phổ quát dự kiến áp dụng vào tháng 8, ông Trump cũng đã công bố mức thuế 25% với ô tô và linh kiện, và tới 50% với thép, nhôm và đồng. Các lĩnh vực khác như dược phẩm và chip bán dẫn cũng nằm trong tầm ngắm cho các loại thuế chuyên ngành.

Ngay cả khi đạt được thỏa thuận sơ bộ, EU vẫn chưa chắc sẽ được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế theo ngành – điều mà khối đang nỗ lực đàm phán để đạt ưu đãi trong các lĩnh vực có nguy cơ cao.

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật