Theo Ngân hàng Indonesia, tính đến tháng 5 năm 2025, nợ nước ngoài của Indonesia – nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á đã đạt 435,6 tỷ USD (hơn 11,38 triệu tỷ đồng), tăng 6,8% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tốc độ tăng đã chậm lại so với những tháng trước đó.
Ngân hàng Trung ương Indonesia nhấn mạnh rằng, mặc dù nợ nước ngoài có tăng, nhưng vị thế nợ nước ngoài tổng thể của “xứ sở vạn đảo” vẫn trong tầm kiểm soát và tiếp tục hỗ trợ khả năng phục hồi kinh tế của quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới này (hơn 285 triệu dân).
>> Nợ ngập đầu, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á chi tới 34 tỷ USD để trả lãi vay

Ông Ramdan Denny Prakoso, Trưởng phòng Truyền thông của Ngân hàng Trung ương Indonesia cho biết trong một tuyên bố vào thứ Hai (14/7): “Trong tháng 5 năm 2025, tốc độ tăng nợ nước ngoài của Indonesia đã chậm lại. Dù tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này vẫn thấp hơn mức tăng 8,2% ghi nhận trong tháng 4 năm 2025”.
Ông Ramdan cũng lưu ý rằng cơ cấu nợ nước ngoài của Indonesia vẫn lành mạnh, được hỗ trợ bởi các nguyên tắc quản lý thận trọng. Điều này thể hiện qua tỷ lệ nợ nước ngoài trên tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức hợp lý là 30,6%. Hơn nữa, gần 85% khoản nợ nước ngoài của quốc gia có đến hơn 17.000 hòn đảo này là nợ dài hạn.

Trong khi đó, nợ nước ngoài của Chính phủ Indonesia đạt 209,6 tỷ USD (gần 5,48 triệu tỷ đồng) vào tháng 5 năm 2025, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm trước, song mức tăng này cũng đã chậm lại so với mức 10,4% trong tháng 4.
Nợ nước ngoài của Chính phủ nền kinh tế số 1 Đông Nam Á chủ yếu được phân bổ vào các lĩnh vực như: y tế và dịch vụ xã hội (chiếm 22,3% tổng nợ nước ngoài của Chính phủ), hành chính công, quốc phòng và an sinh xã hội bắt buộc (18,7%), giáo dục (16,5%), xây dựng (12%), giao thông vận tải và kho bãi (8,7%).
“Vị thế nợ nước ngoài của Chính phủ vẫn an toàn, với 99,9% là nợ dài hạn”, ông Ramdan cho biết thêm.
Trong khi đó, nợ nước ngoài của khu vực tư nhân đạt 196,4 tỷ USD (hơn 5,13 triệu tỷ USD) vào tháng 5 năm 2025, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức giảm này lớn hơn mức giảm 0,4% ghi nhận trong tháng 4.
“Nợ nước ngoài của khu vực tư nhân vẫn chủ yếu là nghĩa vụ dài hạn, chiếm 76,5% tổng số nợ này”, ông Ramdan nói.
Theo Jakarta Globe