Với kết quả bỏ phiếu lưỡng đảng tại Hạ viện, dự luật có tên Genius Act đã được chuyển tới Nhà Trắng để chờ Tổng thống Trump ký ban hành, dự kiến vào thứ Sáu. Ông Trump đã cam kết sẽ biến đây thành đạo luật lớn đầu tiên về tiền mã hóa tại Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, trong khi ngành tiền mã hóa và các nhà vận động của họ giành được thắng lợi chính sách đầu tiên, thì tương lai của một dự luật quan trọng hơn – nhằm quy định toàn diện thị trường tiền mã hóa – vẫn còn bấp bênh khi tiếp tục được thảo luận tại Quốc hội.
Cũng trong ngày thứ Năm, Hạ viện đã thông qua Clarity Act, một dự luật gửi tới Thượng viện để thiết lập khung quản lý đối với thị trường tiền mã hóa – điều mà các giám đốc doanh nghiệp trong ngành đã thúc đẩy suốt nhiều tháng qua.
Trọng tâm của dự luật Clarity là các điều khoản làm suy yếu quyền lực của Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) trong việc giám sát ngành tiền mã hóa, đồng thời chuyển giao phần lớn quyền quản lý sang Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai (CFTC) – cơ quan được xem là thân thiện hơn với ngành này.
Nếu được thông qua, điều này sẽ giúp ngành tiền mã hóa tránh được các hành động cưỡng chế mạnh tay mà SEC từng áp dụng dưới thời chính quyền ông Biden, khi cơ quan này liên tục khởi kiện nhiều công ty tiền mã hóa lớn.

“Clarity Act là điều quan trọng nhất mà chúng tôi theo đuổi”, Kara Calvert – quan chức chính sách cấp cao tại Coinbase, sàn giao dịch tiền mã hóa lớn nhất nước Mỹ và là mục tiêu thường trực của SEC – tuyên bố.
Hạ nghị sĩ French Hill, đảng Cộng hòa bang Arkansas, Chủ tịch Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện, khẳng định: “Gói luật này hiện thực hóa tầm nhìn của ông Trump nhằm ‘làm nước Mỹ vĩ đại trở lại’ bằng cách thu hút vốn quay lại đất nước, thúc đẩy đổi mới công nghệ tại đây và dẫn đầu trong thanh toán số, giống như cách Mỹ từng dẫn dắt thị trường tài chính toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua”.
Tuy nhiên, các dự luật được thông qua bất chấp sự phản đối gay gắt từ nhiều thành viên đảng Dân chủ. Họ cho rằng đây là một khung pháp lý quá dễ dãi, được ngành tiền mã hóa tự thiết kế để phục vụ lợi ích cho giới giàu có – bao gồm cả gia đình ông Trump.
Hạ nghị sĩ Maxine Waters (bang California), lãnh đạo phe Dân chủ tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính, chỉ trích hành động này là “một lá phiếu để trao cho ông Trump cây bút viết ra luật giúp làm đầy túi tiền của gia đình ông ta” và cảnh báo điều đó sẽ gây “thiệt hại cho người tiêu dùng” và “gieo mầm cho cuộc khủng hoảng tài chính tiếp theo”.
Hạ nghị sĩ Brad Sherman (bang California) cũng lên án dự luật là hành động của đảng Cộng hòa nhằm “làm lợi cho giới crypto bros (giới đầu cơ tiền mã hóa), bao gồm cả Donald Trump”.
Tuy vậy, nhiều thành viên Dân chủ cũng ủng hộ các dự luật, với lập luận rằng việc có một khuôn khổ pháp lý – dù chưa hoàn thiện – vẫn tốt hơn là không có gì, trong bối cảnh thị trường tiền mã hóa phát triển quá nhanh.
Hạ nghị sĩ Angie Craig (bang Minnesota), lãnh đạo đảng Dân chủ tại Ủy ban Nông nghiệp, phát biểu tại Hạ viện: “Câu hỏi duy nhất là liệu chúng ta có bắt đầu quá trình xây dựng khung pháp lý hay tiếp tục né tránh. Theo dự luật này, người tiêu dùng cuối cùng sẽ được bảo vệ bằng những hàng rào pháp lý tương tự như trong các lĩnh vực đầu tư khác của nền kinh tế”.
Các cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng phản ánh rõ thành công của ngành tiền mã hóa trong việc xây dựng mối quan hệ chính trị vững chắc tại Washington. Các công ty tiền mã hóa đã tài trợ cho một mạng lưới các ủy ban hành động chính trị (super PAC) với tổng ngân sách hơn 130 triệu USD để hỗ trợ các ứng viên thân thiện với ngành trong cuộc bầu cử năm 2024. Ông Trump cũng là người ủng hộ công khai ngành tiền mã hóa, sở hữu nhiều doanh nghiệp liên quan giúp gia tăng đáng kể tài sản của gia đình ông – một điểm khiến nhiều nghị sĩ Dân chủ vừa ủng hộ ngành này vừa e ngại bị xem là tiếp tay cho lợi ích tài chính của Trump.
Ban đầu, các dự luật được kỳ vọng dễ dàng thông qua trong tuần tại Hạ viện, nhưng một nhóm nhỏ đảng viên Cộng hòa bảo thủ đã gây đình trệ bằng cách chặn phiên thảo luận, khiến Hạ viện rơi vào hỗn loạn. Họ yêu cầu đảm bảo chắc chắn rằng một dự luật thứ ba – nhằm cấm Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phát hành đồng tiền kỹ thuật số quốc gia (C.B.D.C.) – cũng phải được thông qua thành luật.

Dự luật cấm C.B.D.C. đã được Hạ viện thông qua trong ngày thứ Năm và chuyển lên Thượng viện. Tuy nhiên, khả năng vượt qua được rào cản thủ tục vẫn còn bỏ ngỏ, vì nó cần ít nhất 7 phiếu ủng hộ từ phe Dân chủ.
Nhằm dập tắt làn sóng phản đối trong nội bộ, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện cam kết sẽ đính kèm dự luật cấm C.B.D.C. vào dự luật quốc phòng thường niên – một văn bản mà lưỡng đảng đều coi là “phải được thông qua”. Tuy vậy, vẫn chưa rõ cam kết này có đủ sức thuyết phục các nghị sĩ bảo thủ hoài nghi hay không.
Hạ nghị sĩ Marjorie Taylor Greene (bang Georgia) phát biểu trên podcast “War Room” của Steve Bannon: “Điều quan trọng nhất không xảy ra hôm nay là việc ban hành lệnh cấm C.B.D.C.” Bà cảnh báo rằng việc phát hành C.B.D.C. sẽ tạo điều kiện cho chính phủ giám sát tài chính công dân, thậm chí “kiểm soát và khóa tài khoản ngân hàng số của người dân”.
Bà Greene chế giễu cam kết của lãnh đạo đảng và là một trong 12 nghị sĩ Cộng hòa bỏ phiếu chống lại dự luật stablecoin.
Con đường phía trước của gói cải cách tiền mã hóa vẫn chưa rõ ràng. Một số thượng nghị sĩ cho biết họ muốn soạn thảo phiên bản riêng cho dự luật cấu trúc thị trường crypto, đồng nghĩa với các cuộc tranh luận sẽ kéo dài và phức tạp. Nhiều nghị sĩ Dân chủ có thể sẽ không chấp nhận một dự luật được cho là quá thiên vị ngành, đặc biệt khi các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng phản đối gay gắt.
“Đây là một đạo luật cực kỳ tồi tệ, có thể xé nát toàn bộ hệ thống luật chứng khoán hiện hành của chúng ta”, Hilary Allen – giáo sư luật tại Đại học American và là chuyên gia từng điều trần trước Quốc hội về quản lý tiền mã hóa – nhận xét.
Tuy nhiên, bất chấp hỗn loạn tại Hạ viện, loạt bỏ phiếu nhanh trong ngày thứ Năm cho thấy sức ảnh hưởng ngày càng lớn của ngành tiền mã hóa tại Washington. Trong suốt tuần qua, ngành đã tổ chức một chiến dịch vận động quy mô lớn tại Đồi Capitol, với quảng cáo ở các trạm xe buýt và máy bán kẹo chocolate theo chủ đề crypto rải khắp các tòa nhà quốc hội.

Loạt bỏ phiếu tại Hạ viện cũng là phần kết cho chuỗi các cuộc chiến pháp lý mà các công ty tiền mã hóa lớn đã theo đuổi. Dưới thời Tổng thống Biden, SEC đã phát động một chiến dịch đàn áp toàn diện với ngành tiền mã hóa, kiện các sàn lớn như Coinbase và Kraken. SEC lập luận rằng hầu hết các đồng tiền mã hóa thực chất là chứng khoán và các công ty đã vi phạm luật vì phát hành mà không có tiết lộ hợp lệ.
Chiến dịch pháp lý của SEC từng khiến tương lai ngành tiền mã hóa tại Mỹ bị đe dọa nghiêm trọng. Năm ngoái, nhiều công ty đã hợp lực thành lập super PAC có tên Fairshake cùng hai tổ chức PAC liên kết khác, thực hiện một chiến dịch vận động chính trị quy mô lớn nhằm đưa các nghị sĩ thân thiện với ngành vào Quốc hội.
Nỗ lực này đã mang lại kết quả đáng kể. Ngay sau khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1, các ưu tiên lập pháp của ngành tiền mã hóa lập tức được thúc đẩy tại Quốc hội.
Tháng trước, Thượng viện đã thông qua Genius Act, cấp dấu xác nhận liên bang cho stablecoin – loại tiền mã hóa được thiết kế để duy trì mức giá cố định 1 USD. Đồng thời, các nhà lập pháp tại Hạ viện cũng giới thiệu Clarity Act – nỗ lực lập pháp tham vọng nhất của ngành cho đến nay.
Mục tiêu cốt lõi của Clarity Act là củng cố những gì ngành đã giành được dưới thời ông Trump. Dù gần đây SEC đã rút lại một số vụ kiện, cơ quan này vẫn có thể tái khởi động các biện pháp cưỡng chế dưới một tổng thống khác trong tương lai. Ngành tiền mã hóa muốn ngăn chặn điều đó.
“Nếu Clarity Act được thông qua, chúng tôi gần như sẽ không thể khởi kiện về những hành vi sai phạm trong quá khứ”, Amanda Fischer – cựu quan chức cấp cao của SEC dưới thời Biden – nhận định. “Đó là một hình thức hợp pháp hóa ngược toàn bộ hành vi của ngành tiền mã hóa”.
Theo The New York Times
>> SEC chính thức rút đơn kiện Binance, ngành tiền số ghi nhận chiến thắng lịch sử