Nằm trên dòng sông Vakhsh, cách thủ đô Dushanbe khoảng 75km, đập thủy điện Nurek là một trong những công trình kỹ thuật ấn tượng nhất của Tajikistan, đồng thời là một cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển hạ tầng năng lượng của quốc gia Trung Á này.

Với chiều cao lên tới 300m, Nurek là một trong những con đập cao nhất thế giới. Công trình này không chỉ đóng vai trò then chốt trong việc đảm bảo nguồn cung điện năng cho đất nước mà còn góp phần quan trọng vào công tác điều tiết nước và phòng chống thiên tai.
Công trình được khởi công từ năm 1961 và mất gần hai thập kỷ để hoàn thiện vào năm 1980. Tổng vốn đầu tư khoảng 1,4 tỷ USD, ước tính hơn 36.000 tỷ đồng theo tỷ giá hiện tại. Trong suốt quá trình thi công, khoảng 5.000 người đã phải di dời; các kỹ sư thì phải vượt qua nhiều trở ngại về địa chất và kỹ thuật. Tuy nhiên, với sự kiên trì và chuyên môn cao, đập Nurek đã được hoàn thành và trở thành biểu tượng của năng lực xây dựng trong khu vực.
Hồ chứa nước khổng lồ của đập có sức chứa khoảng 10,5 tỷ m3 – gấp khoảng 1,1 lần so với hồ Thủy điện Hòa Bình của Việt Nam (9,45 tỷ m3 nước). Về mặt năng lượng, hệ thống phát điện của đập gồm 9 tổ máy, với tổng công suất thiết kế đạt 3.000 MW – tương đương công suất của ba nhà máy điện hạt nhân 1.000 MW.
Không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước, nguồn điện từ Nurek còn được xuất khẩu sang các quốc gia láng giềng, góp phần thúc đẩy hợp tác kinh tế trong khu vực.

Ngoài việc tạo ra điện, đập Nurek còn mang lại nhiều lợi ích lâu dài cho Tajikistan. Nguồn nước từ hồ chứa giúp tưới tiêu cho hàng ngàn hecta đất canh tác, đóng góp quan trọng cho sản xuất nông nghiệp và đảm bảo an ninh lương thực quốc gia. Đồng thời, nhờ khả năng điều tiết dòng chảy, đập còn giúp giảm thiểu rủi ro do lũ lụt ở các vùng hạ lưu.
Tuy nhiên, sau hơn 40 năm vận hành, công trình cũng đối mặt với không ít thách thức. Vấn đề bảo trì và hiện đại hóa hệ thống đang được đặt lên hàng đầu nhằm duy trì hiệu suất và đảm bảo an toàn trong dài hạn. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và sự thay đổi về nguồn nước cũng đang gây áp lực không nhỏ đối với khả năng vận hành ổn định của đập.
Dù vậy, với những định hướng đầu tư và chiến lược quản lý hiệu quả, đập Nurek vẫn sẽ tiếp tục là trụ cột trong hệ thống năng lượng và phát triển bền vững của Tajikistan trong những thập kỷ tới.