14h: VN-Index nhanh chóng bật trở lại mốc 1.500 điểm, dẫn dắt bởi STB tăng hơn 5%. Các mã ngân hàng khác như VPB, TCB, LPB, MBB, ACB, TPB, CTG đều ghi nhận mức tăng từ 1–4%.
Thanh khoản sàn HoSE bùng nổ, vượt 29.000 tỷ đồng – phản ánh dòng tiền nhập cuộc mạnh mẽ. Đáng chú ý, khối ngoại cũng đảo chiều, quay lại mua ròng nhẹ sau phiên sáng bán ròng.
11h30: Sau khi chạm mốc 1.501 điểm trong phiên sáng 18/7, VN-Index đảo chiều do áp lực chốt lời ở nhóm vốn hóa lớn. Kết phiên, chỉ số giảm 2,9 điểm, lùi về dưới mốc tâm lý 1.490 điểm. Thanh khoản duy trì cao với hơn 800 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng giá trị giao dịch trên 18.500 tỷ đồng.
Thị trường ghi nhận sự phân hóa rõ rệt. Nhóm VN30 chủ yếu chìm trong sắc đỏ, với VIC giảm 2,2%; các mã khác như VJC, SSI, SHB, VCB, ACV, MBB, STB và ACB đều đóng cửa dưới tham chiếu.
Ngược lại, nhóm midcap và penny vẫn giữ được lực tăng tốt nhờ kỳ vọng nâng hạng sau buổi làm việc giữa FTSE Russell và Chính phủ ngày 17/7. Các mã VIX (+4,3%), SHS (+1,8%), MBS (+3,8%) và VDS (+2,6%) đều ghi nhận mức tăng đáng kể. Cổ phiếu bán lẻ như MSN và DGW cũng bứt phá hơn 3%.
Nhóm bất động sản tiếp tục hút tiền với nhiều mã tăng mạnh: NVL, CEO, DIG, CII cùng vượt 2%, trong đó CEO dẫn đầu với biên độ +6,2%. Penny bất động sản HQC, DLG, QCG, HAG cũng duy trì sắc xanh. Tuy nhiên, LDG – cổ phiếu vừa trải qua chuỗi 18 phiên trần liên tiếp – bắt đầu chịu áp lực chốt lời, thu hẹp biên độ tăng còn 1,2%.
Về giao dịch khối ngoại, nhà đầu tư nước ngoài bán ròng nhẹ 227 tỷ đồng, tập trung vào DXG, STB và FPT. Ở chiều ngược lại, MSN được mua ròng mạnh nhất với giá trị lên tới 189 tỷ đồng.
10h: Thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng tích cực trong phiên sáng 18/7, với sắc xanh lan tỏa toàn thị trường. VN-Index tăng 6,16 điểm lên 1.496,17 điểm, sát ngưỡng kháng cự tâm lý 1.500 điểm. Thanh khoản HoSE đạt 6.735 tỷ đồng, số mã tăng gấp đôi mã giảm (179 mã tăng so với 71 mã giảm).
Dù vậy, nhóm VN30 bắt đầu có dấu hiệu phân hóa, với 15/30 mã giảm. Một số mã trụ như VIC, BID, HPG, SSI bị chốt lời sau chuỗi tăng mạnh gần đây. Ngược lại, VHM và MSN trở thành tâm điểm tăng giá, lần lượt +2,4% và +5,4%.
HNX-Index và UPCoM-Index cũng ghi nhận mức tăng lần lượt 1,13% và 0,52%. Đặc biệt, UPCoM có tới 31 mã tăng trần – gần 70% trong tổng số 45 mã trần toàn thị trường.
Nhóm bất động sản penny tiếp tục là tâm điểm, với nhiều mã như LDG, DLG, DRH, HTI, QCG, HQC, PTL bật trần. Cổ phiếu LDG ghi nhận 19 phiên tăng trần liên tiếp, tạm lãi hơn 240% trong vòng 1 tháng dù đã vào vùng quá mua.
![]() |
Diễn biến chỉ số ngành theo các khung thời gian cụ thể (nguồn Vietstock) |
Tính từ đầu năm, chỉ số ngành bất động sản tăng hơn 77%, bỏ xa các nhóm ngành còn lại. Riêng trong 1 tuần và 1 tháng gần nhất, biên độ tăng lần lượt là 11,3% và 27,1%, cho thấy dòng tiền đầu cơ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Ở nhóm tài chính, cổ phiếu EVF của Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực tiếp tục ghi dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường với đà tăng giá bền bỉ khi tăng thêm 3,4% lên mức 12.300 đồng, nâng tổng mức tăng trong 4 tuần qua lên 22%. Nếu xét từ ngày 9/4 đến nay, EVF đã tăng tới 54% giá trị, vượt xa mức tăng 36% của VN-Index. Thanh khoản cải thiện vượt trội, gấp 2–3 lần trung bình 6 tháng gần nhất, cho thấy sức hút lớn từ dòng tiền. Với mức giá cao nhất trong vòng một năm, EVF đang nổi lên như một điểm sáng đáng chú ý trên bản đồ tài chính.