spot_img
27.3 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếTrung Quốc sắp đưa lãi suất về 0%?

Trung Quốc sắp đưa lãi suất về 0%?

Báo cáo tăng trưởng kinh tế quý II của Trung Quốc phơi bày nghịch lý đáng lo ngại: GDP thực tế tăng 5,2% nhưng tăng trưởng danh nghĩa chỉ đạt 3,9%, làm dấy lên cuộc tranh luận gay gắt về khả năng áp dụng lãi suất bằng 0.

Báo cáo tăng trưởng kinh tế quý II của Trung Quốc tuần này phơi bày một nghịch lý đáng lo ngại. Trong khi GDP thực tế tăng ấn tượng 5,2%, con số tăng trưởng danh nghĩa lại chỉ đạt 3,9% do tình trạng giảm phát diện rộng.

Tăng trưởng thực tế phản ánh thành công của ngành công nghiệp và xuất khẩu Trung Quốc. Nhưng tăng trưởng danh nghĩa mới là thứ người lao động cảm nhận qua mức lương mà họ nhận được và các doanh nghiệp nhìn thấy qua doanh thu của họ.

Hệ quả trực tiếp của sự chênh lệch này là lãi suất thực tế (đã điều chỉnh theo lạm phát) tăng cao, làm dấy lên cuộc tranh luận: Trung Quốc nên bắt đầu cân nhắc áp dụng chính sách lãi suất “zero”?

Trung Quốc sắp đưa lãi suất về 0%? - ảnh 1
Ảnh minh họa

Trước vấn đề này, bà Helen Qiao, Chuyên gia kinh tế trưởng khu vực Trung Quốc tại BofA Global Research, nhận định: “”Chúng tôi không tin rằng các chính trị gia và nhà hoạch định chính sách có sự đồng thuận về khả năng áp dụng lãi suất bằng 0 tại Trung Quốc”. Tuy nhiên, bà Qiao cũng thừa nhận: “Đa số các nhà hoạch định chính sách, cũng như thị trường và nhà đầu tư, đang dần chấp nhận thực tế rằng lãi suất sẽ duy trì ở mức khá thấp”.

Quyết định này không hề đơn giản khi Bắc Kinh phải đối mặt với hai tiền lệ lịch sử đầy ám ảnh. Chính sách lãi suất “zero” của Mỹ và châu Âu sau khủng hoảng 2008 để lại hậu quả nặng nề, khiến nhiều quan chức Bắc Kinh coi đây là “sự kiện phung phí” đã thổi phồng bong bóng tài sản và gây mất ổn định thị trường. Đáng lo ngại hơn, nỗi ám ảnh về thập kỷ trì trệ sau khi bong bóng bất động sản Nhật Bản vỡ tung năm 1990 là kịch bản mà Trung Quốc muốn tránh bằng mọi giá. Điều đặc biệt đáng quan tâm là khủng hoảng bất động sản của chính Trung Quốc đã kéo dài từ năm 2020, tạo ra những tương đồng đáng lo ngại với trường hợp Nhật Bản.

Sự chia rẽ quan điểm này đã trở thành “rào cản tâm lý” lớn trong hoạch định chính sách tiền tệ của Trung Quốc. Bất kỳ thay đổi nào cũng có thể phụ thuộc vào động thái kinh tế và thuế quan từ Washington, bởi Bắc Kinh muốn dành “đạn dược chính sách” để sẵn sàng ứng phó với các cú sốc bên ngoài.

Thế lưỡng nan: Tăng trưởng và rủi ro ngân hàng

Theo tờ Financial Times, giới hoạch định chính sách Trung Quốc đang chia thành hai phe trong cuộc tranh luận về khả năng áp dụng chính sách lãi suất bằng 0%.

Phe ủng hộ việc Trung Quốc nhanh chóng hạ lãi suất xuống mức 0% cho rằng điều này sẽ tạo điều kiện cho các chính quyền địa phương đang gánh nợ nặng được tái cấp vốn và thúc đẩy đầu tư công.

“Lãi suất bằng 0 không phải là điều không thể nghĩ đến. Ngay cả khi lãi suất không thể giảm hoàn toàn về 0, vẫn có thể cắt giảm ít nhất 0,4 điểm phần trăm để phù hợp với kế hoạch tài khóa”, ông Gene Ma, Trưởng bộ phận nghiên cứu Trung Quốc tại Viện Tài chính Quốc tế, nhận định.

Hiện tại, lãi suất repo ngược bảy ngày chuẩn của NHTW Trung Quốc đang ở mức 1,4%, sau một loạt đợt cắt giảm dần dần trong thời gian qua.

Ông Ma tiếp tục phân tích: “Trung Quốc vẫn còn dư địa đáng kể để đầu tư công đạt được tiềm năng tăng trưởng. Việc cắt giảm lãi suất sâu hơn, kết hợp với nới lỏng tài khóa, có thể giúp giải phóng tiềm năng đó”.

Tình trạng kỳ vọng giảm phát kéo dài được phản ánh qua lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc, hiện dao động quanh mức 1,7% – gần mức thấp kỷ lục.

Trung Quốc sắp đưa lãi suất về 0%? - ảnh 2
Tăng trưởng GDP thực (đường màu xanh) và danh nghĩa (đường màu đỏ) của Trung Quốc đều giảm trong quý I/2025 – Nguồn: Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc

Tuy nhiên, phe thứ hai tại Bắc Kinh kiên quyết phản đối chính sách lãi suất bằng 0 chính thức, với mối lo ngại lớn nhất tập trung vào ngành ngân hàng.

Các tổ chức cho vay của Trung Quốc phụ thuộc vào biên độ lãi suất ròng – chênh lệch giữa lãi suất vay và cho vay – để duy trì lợi nhuận. Theo số liệu công bố, biên độ lãi suất trung bình tại sáu ngân hàng nhà nước hàng đầu đã giảm xuống 1,48% trong quý đầu tiên – mức thấp nhất từ trước đến nay, so với mức hơn 2% vào năm 2021.

Chính sách lãi suất bằng 0 được dự báo sẽ càng làm giảm biên lợi nhuận của các ngân hàng vào thời điểm nhiều tổ chức tín dụng đang phải đối mặt với tình trạng chất lượng tài sản suy giảm và nợ xấu gia tăng trong lĩnh vực bất động sản.

“Câu hỏi cuối cùng mà người ta sẽ hỏi trước khi đưa ra quyết định [áp dụng lãi suất 0%] là: phải làm gì với hàng triệu người gửi tiền đang trông chờ vào lãi suất từ khoản tiết kiệm ngân hàng khổng lồ của họ?”, một cố vấn am hiểu cuộc tranh luận tiết lộ. “Đó không phải là một vấn đề kinh tế, mà là một vấn đề chính trị.”

Rủi ro kinh tế dài hạn

Phe phản đối cũng cảnh báo rằng chính sách lãi suất bằng 0 có thể làm méo mó nền kinh tế trong dài hạn và làm trầm trọng thêm thách thức của Trung Quốc về tình trạng dư thừa năng lực sản xuất.

Bà Zhi Xiaojia, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Crédit Agricole, phân tích: “Trung Quốc đang ở ngã ba đường với vấn đề dư thừa công suất ở phía cung và thiếu hụt nhu cầu tiêu dùng nội địa ở phía cầu. Lãi suất bằng 0 hoặc âm có thể làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân bằng cung-cầu, vì đầu tư sẽ nhạy cảm hơn với lãi suất so với tiêu dùng”.

Các hộ gia đình, chịu ảnh hưởng từ sự suy thoái của thị trường bất động sản và sự bất ổn kéo dài về triển vọng kinh tế của đất nước, tiếp tục xây dựng khoản tiết kiệm phòng ngừa. Số liệu cho thấy tiền gửi hộ gia đình đạt mức kỷ lục mới là 147 nghìn tỷ nhân dân tệ (20 nghìn tỷ USD) vào tháng 6.

Trên thực tế, triển vọng tiếp tục cắt giảm lãi suất đã khiến nhiều người gửi tiết kiệm chấp nhận lãi suất cao hơn. Hiện tại, tại hầu hết các ngân hàng Trung Quốc, lãi suất tiền gửi không kỳ hạn chỉ còn 0,05%, trong khi tiền gửi kỳ hạn một năm có lãi suất dưới 2%.

Ông Richard Xu, nhà phân tích tại Morgan Stanley, nhận định: “Rõ ràng là lãi suất thấp hiện nay không chỉ không đạt được mục đích mong muốn như thúc đẩy tiêu dùng mà còn làm trầm trọng thêm những vấn đề mà các nhà hoạch định chính sách muốn giải quyết”.

Một số chuyên gia cho rằng Trung Quốc thực tế đã có chế độ lãi suất bằng 0, do các ngân hàng – chịu sự chỉ đạo trực tiếp của ngân hàng trung ương về giá cho vay – đã liên tục hạ chi phí vay trong vài năm qua, hạn chế tác động của việc cắt giảm thêm.

“Chính sách tiền tệ của Trung Quốc hiện đã rất gần với chính sách lãi suất bằng 0”, ông Chen Long, đồng sáng lập công ty tư vấn Plenum có trụ sở tại Bắc Kinh, nhận xét. “Đối với hộ gia đình và doanh nghiệp, môi trường lãi suất hiện tại gần giống với môi trường ở Mỹ khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) áp dụng chính sách lãi suất bằng 0”.

Đằng sau hậu trường, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) đã chuyển hướng tập trung vào việc lập kế hoạch kịch bản. Theo nguồn tin, ngân hàng này đã âm thầm tìm kiếm sự hướng dẫn từ các tổ chức châu Âu có kinh nghiệm quản lý môi trường lãi suất thấp kéo dài.

Khi cuộc tranh luận tiếp tục, một câu hỏi lớn hơn xuất hiện: liệu nền kinh tế Trung Quốc có đủ khả năng chi trả cho sự chậm trễ này không?

Ông Larry Hu, nhà kinh tế học Trung Quốc tại Macquarie ở Hồng Kông, cảnh báo: “Nếu không có chính sách kích thích mạnh mẽ, sẽ rất khó để thoát khỏi vòng xoáy giảm phát đang diễn ra”.

Tham khảo Economist, Financial Times

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật