Người trong cuộc thừa nhận kinh tế Trung Quốc đang đối diện vấn đề nổi cộm
Trung Quốc sẵn sàng thực hiện các biện pháp và có “kho công cụ dồi dào” để tránh tình trạng suy thoái kinh tế trong nửa cuối năm 2025, Bộ trưởng Bộ Thương mại nước này, ông Vương Văn Đào cho biết hôm thứ Sáu (18/7), đồng thời thừa nhận nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đang đối mặt với “một tình hình rất nghiêm trọng và phức tạp”.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của siêu cường này đạt 5,2% trong quý II/2025, theo số liệu chính thức công bố ngày 15/7. Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng Trung Quốc cần phải làm nhiều hơn nữa để thúc đẩy tiêu dùng nội địa đang trì trệ trong bối cảnh xuất khẩu chịu tác động dây chuyền từ tình trạng hỗn loạn thương mại toàn cầu.
>> Trung Quốc sắp đưa lãi suất về 0%?
Doanh số bán lẻ trong tháng 6/2025 của quốc gia Đông Á này tăng ít hơn nhiều so với kỳ vọng và yếu hơn đáng kể so với tháng 5, cho thấy những nỗ lực kích cầu tiêu dùng đến nay chưa mang lại hiệu quả.
“Chúng ta vẫn đang đối mặt với một tình hình rất nghiêm trọng và phức tạp. Những thay đổi toàn cầu đầy bất ổn và không chắc chắn. Một số chính sách của chúng tôi sẽ đưa ra các phản ứng mới phù hợp với thời điểm và bối cảnh”, ông Vương Văn Đào nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo. “Chúng tôi có kho công cụ dồi dào và sẽ chuẩn bị đầy đủ”, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc khẳng định.
Khi được hỏi cụ thể về sự phụ thuộc của nước này vào xuất khẩu, ông Vương cho biết Chính phủ đang chuẩn bị các chính sách để “tiếp tục thúc đẩy đà phát triển của tiêu dùng”.
“Nền kinh tế Trung Quốc đang được cải thiện và các yếu tố cơ bản dài hạn không thay đổi, các đặc điểm của thị trường tiêu dùng như tiềm năng lớn, khả năng chống chịu cao và sức sống mạnh mẽ vẫn được giữ nguyên”, ông nói.
Ông Vương cũng nhắc đến công ty đồ chơi Pop Mart có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), với các búp bê quái vật Labubu đã trở thành món đồ thời thượng toàn cầu, được các ngôi sao ca nhạc nổi tiếng thế giới như Rihanna và Dua Lipa đeo trên túi xách.
“Chúng tôi cũng đang thúc đẩy các hình thức tiêu dùng mới, ví dụ như Pop Mart, những xu hướng, thời trang và phong cách mới như vậy…; hiện tượng Labubu đã lan rộng khắp thế giới”, ông nói.

Việc tách rời Mỹ là “nhiệm vụ bất khả thi”
Bắc Kinh đang nỗ lực chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng dựa nhiều hơn vào nhu cầu nội địa thay vì phụ thuộc vào các động lực truyền thống như đầu tư hạ tầng, sản xuất và xuất khẩu.
Sự chuyển đổi này càng trở nên cấp thiết kể từ khi ông Donald Trump lên nắm quyền.
Tổng thống Mỹ đã áp thuế lên Trung Quốc và hầu hết các đối tác thương mại lớn khác, làm đảo lộn các quy chuẩn thương mại và gây nguy hiểm cho xuất khẩu của Trung Quốc vào thời điểm nước này cần kích thích hoạt động kinh tế hơn bao giờ hết.
Hai siêu cường kinh tế lớn nhất nhì thế giới đã cố gắng hạ nhiệt căng thẳng sau khi đạt được một khuôn khổ thỏa thuận tại cuộc đàm phán ở London (Anh) tháng trước, nhưng giới quan sát cảnh báo rằng vẫn còn nhiều bất ổn.
Ông Vương cho biết hôm 18/7 rằng, bất chấp những “giông bão”, Washington vẫn là đối tác thương mại quan trọng của Bắc Kinh.
Cũng theo vị Bộ trưởng này, dù thương mại song phương Trung – Mỹ giảm về tỷ trọng trong tổng kim ngạch của mỗi nước, nhưng về tổng thể vẫn duy trì ổn định.
Nền tảng kinh tế và sự ủng hộ rộng rãi của người dân đối với hợp tác Trung – Mỹ “khiến việc tách rời và cắt đứt chuỗi cung ứng một cách giả tạo trở nên bất khả thi”, ông Vương nhận định.
Tuy nhiên, những thông điệp không nhất quán “đã gây ảnh hưởng và gián đoạn nghiêm trọng đến hợp tác thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Mỹ”.
Kể từ nhiệm kỳ Tổng thống lần đầu tiên của ông Trump (từ năm 2017 – năm 2021), “xu hướng căng thẳng thương mại do Mỹ khơi mào đã trải qua nhiều thăng trầm”, ông Vương nói thêm.
Theo CNA