Tập đoàn Hyundai Rotem của Hàn Quốc vừa chính thức khởi động dự án phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ tiếp theo mang tên K3, sử dụng pin nhiên liệu hydro – đánh dấu bước đột phá lớn trong công nghệ quân sự nước này.
Dự án được phát triển với sự hậu thuẫn của các cơ quan quốc phòng hàng đầu Hàn Quốc, với mục tiêu thay thế cho dòng K2 Black Panther hiện đang phục vụ trong quân đội và xuất khẩu mạnh mẽ ra nước ngoài, đặc biệt là Ba Lan.
Trong giai đoạn đầu, K3 sẽ vận hành bằng hệ thống lai giữa động cơ diesel và pin nhiên liệu hydro, trước khi chuyển hoàn toàn sang sử dụng hydro trong tương lai gần.
Việc sử dụng pin nhiên liệu hứa hẹn mang lại nhiều lợi thế chiến thuật như giảm tiếng ồn và tín hiệu nhiệt, tăng hiệu suất nhiên liệu và cải thiện khả năng cơ động, đặc biệt trên địa hình khó khăn.
“Xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ tiếp theo sẽ vượt qua mọi giới hạn của các dòng MBT hiện tại. Khi điều kiện chiến trường thay đổi, các yếu tố như hỏa lực, chỉ huy – điều khiển và khả năng sinh tồn cũng cần phải thay đổi theo”, Hyundai Rotem tuyên bố.

K3 sẽ được trang bị pháo nòng trơn cỡ 130mm đặt trên tháp pháo không người lái, điều khiển bằng hệ thống AI định vị và khai hỏa tự động, cho phép tấn công mục tiêu ở khoảng cách lên đến 5km.
Ngoài ra, xe tăng còn được tích hợp tên lửa chống tăng dẫn đường với tầm bắn tối đa 8km, cho phép tấn công cả trong và ngoài tầm nhìn, đi kèm với tháp vũ khí điều khiển từ xa (RWS) có thể gắn vũ khí từ cỡ nòng 12.7mm đến 30mm.
Ba thành viên kíp lái gồm lái xe, chỉ huy và xạ thủ sẽ được bố trí trong khoang bọc thép riêng biệt ở mũi thân xe, tách biệt hoàn toàn với tháp pháo và kho đạn. Thiết kế này tăng cường khả năng sống sót khi xe bị trúng đạn trực diện.
Xe tăng cũng sẽ được trang bị hệ thống phòng thủ chủ động (APS), hệ thống gây nhiễu hồng ngoại định hướng (DIRCM) để chống tên lửa tầm nhiệt và cả thiết bị gây nhiễu drone.
Để nâng cao nhận thức tình huống cho kíp lái, K3 sẽ được tích hợp hệ thống thực tế ảo 360 độ (VR360) hiển thị qua màn hình lớn bên trong xe.
Ngoài ra, xe còn có thiết bị bay không người lái (drone) gắn trên tháp pháo, hỗ trợ trinh sát từ xa, và tính năng tự lái, mở đường cho các hoạt động không cần người điều khiển trong môi trường nguy hiểm.
Dù K3 mới chỉ đang trong giai đoạn khởi đầu, Hyundai Rotem đã chứng minh năng lực sản xuất xe tăng thông qua các hợp đồng lớn với Ba Lan, liên quan đến dòng K2 Black Panther.
Hợp đồng thứ hai, trị giá khoảng 9 nghìn tỷ won (6,5 tỷ USD), bao gồm chuyển giao công nghệ, sản xuất bản địa hóa các biến thể K2 tại Ba Lan, và mở rộng năng lực bảo trì, sửa chữa và nâng cấp.
Tính đến tháng 6/2025, 133 trong tổng số 180 xe K2 theo hợp đồng đầu tiên đã được bàn giao, phần còn lại dự kiến sẽ được chuyển giao trước cuối năm nay.
Tham khảo Next Gen Defense
>> Quốc gia châu Á đứng top 3 thế giới về sản xuất xe tăng, chỉ thua Nga và Trung Quốc