Chiều 18/7, Sở Du lịch TP. HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. HCM (ITPC) tổ chức hội nghị đối thoại giữa chính quyền và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch. Đây cũng là cuộc họp đầu tiên của ngành sau khi một số địa phương sáp nhập vào TP. HCM.
Theo báo Sài Gòn Giải Phóng, tại buổi đối thoại, đại diện Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Amadive (Côn Đảo) phản ánh thực trạng đáng báo động: Nhiều cá nhân hoạt động tại Côn Đảo không có chứng chỉ hành nghề, chuyên môn. Giá dịch vụ tại Côn Đảo khá cao, có tình trạng đầu cơ giá vé máy bay, gây tăng giá vé; thậm chí, xuất hiện trường hợp lập trang Fanpage giả mạo có tích xanh, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp.
Ngoài ra, một số đơn vị cho biết việc di chuyển từ phường Sài Gòn đến phường Vũng Tàu hiện nay mất từ 4–5 giờ, thậm chí có ngày kéo dài tới 10 giờ, gây nhiều bất cập.
![]() |
Ảnh minh hoạ: Người dân, du khách trong và ngoài nước vui chơi, thưởng thức ẩm thực đêm. |
>> VCCI kiến nghị về nghĩa vụ xuất hóa đơn nhưng không có thông tin người mua
Từ góc nhìn doanh nghiệp lữ hành, bà Huỳnh Phan Phương Hoàng – Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel – đề xuất khai thác tiềm năng đa dạng về sông, biển, núi của TP. HCM. Bà cũng đề xuất phát triển sản phẩm theo từng trục và áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) để quảng bá điểm đến.
Bà Ngô Chánh Nga, Giám đốc Công ty phát triển du lịch sinh thái Xuyên Mộc Hồ Tràm, đề xuất mở tuyến xe buýt công cộng nối Hồ Tràm và Vũng Tàu, hoạt động từ 6-22 giờ. Tuyến xe không chỉ giúp du khách tiết kiệm chi phí đi lại — hiện một chuyến taxi có giá khoảng 700.000-800.000 đồng — mà còn tận dụng được cảnh quan ven biển. Trong trường hợp Thành phố chưa thể đầu tư thì có thể phê duyệt chủ trương để doanh nghiệp tự triển khai.
Trong khi đó, bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Les Rives — đơn vị chuyên tổ chức tour đường sông tại TP. HCM — bày tỏ sự trăn trở về hệ thống hạ tầng, dù hiện có hơn 10 doanh nghiệp với khoảng 50 phương tiện hoạt động trong lĩnh vực du lịch đường sông, nhưng Thành phố vẫn chưa có bến công cộng phục vụ riêng cho loại hình này.
Trước những ý kiến thẳng thắn từ phía doanh nghiệp, đại diện các sở, ngành liên quan đã lên tiếng phản hồi và khẳng định sẽ đồng hành trong việc tháo gỡ khó khăn. Ông Trần Ngọc Đông Quân, Trưởng Phòng Quản lý Lữ hành – Sở Du lịch, nhấn mạnh việc quản lý chất lượng đội ngũ hướng dẫn viên là một trong những ưu tiên hàng đầu.
Theo ông, Sở sẽ công bố danh sách các hướng dẫn viên đã được cấp thẻ, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ, hội thi và mở rộng chương trình đào tạo các ngôn ngữ ít phổ biến như Nhật, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Ý…
Song song đó, Sở cũng sẽ thường xuyên phối hợp với Công an TP kiểm tra thẻ hướng dẫn viên và duy trì tổng đài hỗ trợ 24/7 thông qua đầu số 1022 (nhánh 8). Riêng vấn đề đầu cơ phòng khách sạn, đại diện Phòng Quản lý cơ sở lưu trú – Sở Du lịch TP. HCM cho biết sẽ thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm tăng tính minh bạch, khuyến khích doanh nghiệp công khai giá, bán đúng giá niêm yết và thường xuyên cập nhật thông tin trên hệ thống trực tuyến; đồng thời, sẽ áp dụng biện pháp xử phạt nghiêm đối với các trường hợp vi phạm và tăng cường tuyên truyền đến người tiêu dùng.
>> Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo: ‘Hãy để Việt Nam thành trung tâm hàng không của thế giới’