Không chỉ tiết lộ góc nhìn về thói quen tài chính truyền thống, báo cáo khảo sát do Công ty Quản lý tài sản TVAM thực hiện còn hé lộ một nghịch lý phổ biến: nhà đầu tư Việt kỳ vọng lợi suất cao nhưng lại hành xử đầy thận trọng, chưa sẵn sàng đón nhận rủi ro. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Vinh Quang – CEO của Công ty Quản lý Quỹ Thiên Việt – chia sẻ những phát hiện quan trọng từ khảo sát, đồng thời khẳng định vai trò của tư vấn trung lập trong việc định hình lại cách người Việt tích lũy và quản lý tài sản trong thập kỷ tới.
![]() |
Từ góc độ của ông, báo cáo khảo sát của TVAM có phát hiện hoặc xu hướng nào khiến ông thực sự bất ngờ – dù là ở khía cạnh hành vi, kỳ vọng hay nhận thức của nhà đầu tư?
Về tổng thể, khảo sát năm nay không mang đến quá nhiều bất ngờ về dữ liệu đối với tôi. Tuy nhiên, điều đáng lưu tâm là sự bền bỉ của các thói quen tài chính mang tính truyền thống – vốn đã hình thành qua nhiều thế hệ vẫn chi phối mạnh mẽ hành vi hiện tại. Đây cũng là một trong những lý do khiến thị trường quản lý tài sản cá nhân tại Việt Nam chưa phát triển tương xứng với quy mô tích lũy tài sản của người Việt, vốn đã gia tăng đáng kể trong hơn một thập kỷ qua.
![]() |
Trong lần khảo sát này, chúng tôi chú trọng mở rộng cách tiếp cận: không chỉ dựa vào giới tính, độ tuổi, mà còn theo kinh nghiệm đầu tư, giá trị tài sản, trình độ học vấn và hành vi thực tế trong quá trình tự đầu tư. Ngoài ra, nghiên cứu cũng lần đầu tiên ghi nhận mức độ nhận biết và thái độ của nhà đầu tư đối với các giải pháp quản lý tài sản trên nền tảng số – một lĩnh vực còn tương đối mới và chưa được tiếp cận rộng rãi tại Việt Nam. Những dữ liệu này là cơ sở thực tiễn quan trọng để các tổ chức tài chính và đơn vị tư vấn xây dựng chiến lược sản phẩm và dịch vụ phù hợp hơn với nhu cầu thực tế của thị trường.
Khảo sát chỉ ra rằng phần lớn nhà đầu tư Việt vẫn tập trung vào 2–3 kênh truyền thống như bất động sản, tiết kiệm, vàng – trong khi lại đặt kỳ vọng lợi nhuận trên 7% mỗi năm. Với tư cách là một đơn vị quản lý tài sản chuyên nghiệp, ông đánh giá mâu thuẫn giữa kỳ vọng và hành vi này như thế nào? Và điều đó đang phản ánh điều gì về bối cảnh đầu tư tại Việt Nam?
Từ báo cáo khảo sát, có thể thấy rõ khoảng cách đáng kể giữa kỳ vọng lợi nhuận cao và hành vi tài chính mang tính thận trọng: khoảng 88% nhà đầu tư kỳ vọng lợi suất trên 7%/ năm, trong đó 42% đặt mục tiêu lợi nhuận từ 15–30%/năm. Tuy vậy, danh mục đầu tư vẫn thiên về các kênh truyền thống như tiết kiệm, vàng và bất động sản – vốn có tính thanh khoản không đồng đều và khó tối ưu hóa hiệu quả trung dài hạn.
Nguyên nhân có thể đến từ nhiều yếu tố: ảnh hưởng từ thế hệ đi trước, tâm lý ưa chuộng tài sản hữu hình, thói quen tự đầu tư, sự dè dặt sau các biến động tài chính, và sự thiếu hụt công cụ ra quyết định đầu tư đáng tin cậy. Thực tế, ngay cả những nhà đầu tư sở hữu tài sản ròng lớn cũng vẫn hành xử khá thận trọng, phản ánh tư duy quản trị tài sản chưa thật sự theo kịp với xu hướng trong khu vực và trên thế giới.
![]() |
Tôi cho rằng khoảng cách giữa kỳ vọng và hành vi hiện tại chính là dư địa lớn cho ngành quản lý tài sản phát triển, đặc biệt trong bối cảnh tầng lớp trung lưu và quy mô tài sản kế thừa đang gia tăng nhanh chóng tại Việt Nam. Tôi tin rằng trong 5–10 năm tới, thế hệ kế cận – những người bắt đầu tiếp nhận tài sản từ thế hệ đi trước – sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi hành vi đầu tư. Tuy nhiên, để quá trình này diễn ra bền vững, nhà đầu tư cần định hình tư duy đầu tư theo hướng dài hạn và toàn diện hơn – không chỉ tập trung vào lợi suất, mà còn phải quan tâm đến yếu tố thanh khoản và khả năng bảo toàn tài sản qua nhiều thế hệ.
Có sự chênh lệch lớn giữa mức lợi nhuận kỳ vọng và tỉ lệ thua lỗ chấp nhận: 42% kỳ vọng lợi nhuận 15-30%, 41% kỳ vọng 7-15% trong khi tỉ lệ thua lỗ chấp nhận là 57% chấp nhận lỗ ít hơn 5%, và 37% chấp nhận 5-15%. Ông nhận xét như thế nào về tinh trạng này?
Tôi cho rằng đây là một nghịch lý hành vi khá phổ biến trong tài chính cá nhân. Tâm lý sợ mất tiền thường chi phối mạnh hơn cảm xúc tích cực khi đạt được lợi nhuận. Thậm chí, một số nghiên cứu cho thấy việc mất 1 đồng sau khi vừa kiếm được 1 đồng có thể mang lại cảm xúc tiêu cực hơn so với việc không lãi không lỗ ngay từ đầu.
Nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng cao nhưng thiếu chiến lược rõ ràng, dẫn đến tâm lý hoảng loạn và rút lui khi thị trường biến động – từ đó cản trở hiệu quả tích sản trong dài hạn. Tôi thường chia rủi ro tài chính thành bốn nhóm:
.png)
Nhà đầu tư cần nhận diện và ứng xử phù hợp với từng nhóm rủi ro:
Nhóm (1) – các biến động trong giới hạn, như chứng khoán hoặc bất động sản tăng giảm theo chu kỳ – là phần không thể tránh khỏi và cần được chấp nhận như một yếu tố tự nhiên của thị trường.
Nhóm (2) – các rủi ro bất ngờ nhưng vẫn trong tầm kiểm soát nếu có kế hoạch ứng phó. Ví dụ, khi xuất hiện các sự kiện “thiên nga đen” (black swan), nhà đầu tư nên giảm đòn bẩy, tăng tỷ trọng tiền mặt để giữ thế chủ động cho những diễn biến tiếp theo.
Nhóm (3) – các rủi ro có xác suất cao và mức độ thiệt hại lớn, cần tuyệt đối tránh. Nhà đầu tư dồn toàn bộ tài sản vào một khoản đầu tư rủi ro mà không có phòng vệ dễ biến đầu tư thành cờ bạc.
Nhóm (4) – các rủi ro cá nhân như tai nạn, bệnh tật, thiên tai. Với nhóm này, nhà đầu tư – đặc biệt là lao động chính trong gia đình, có vay nợ – nên cân nhắc mua bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe để bảo vệ tài chính dài hạn.
![]() |
Ngoài yếu tố nhận thức, đầu tư cũng là một hành trình trải nghiệm để hiểu và phát triển bản thân, rèn luyện kỹ năng xử lý cảm xúc. Việc đặt ra khung kỳ vọng hợp lý, chuẩn bị tâm lý trước các tình huống thị trường và có kế hoạch hành động rõ ràng sẽ giúp nhà đầu tư không bị cuốn theo các quyết định bốc đồng. Đó cũng là lý do vì sao chúng tôi nhấn mạnh vai trò của tư vấn trung lập – để giúp khách hàng giữ vững định hướng ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất của thị trường.
Tỉ lệ phân bổ vào các kênh đầu tư của người Việt có nét nào tương đồng với xu hướng toàn cầu không, thưa ông? Theo ông, đâu là những yếu tố tạo nên sự khác biệt trong cấu trúc danh mục đầu tư của nhà đầu tư Việt hiện nay?
Thực trạng nhà đầu tư Việt vẫn ưu tiên đầu tư vào 2–3 kênh truyền thống là một xu hướng tương đồng với nhiều thị trường toàn cầu. Báo cáo Global Wealth 2025 của UBS cho thấy, danh mục tài sản cá nhân trên thế giới vẫn nghiêng nhiều về bất động sản và tài sản tiêu dùng. Cùng thời điểm, thống kê mới nhất của BCG cũng ghi nhận tiền gửi tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn trong tài sản hộ gia đình.
Tuy nhiên, so với các thị trường tài chính đã phát triển, Việt Nam vẫn có sự khác biệt đáng kể về mức độ đa dạng hóa danh mục và tỷ trọng đầu tư vào các tài sản có tính thanh khoản cao như cổ phiếu.
Theo khảo sát của TVAM, nhà đầu tư Việt hiện phân bổ trung bình 31% vào bất động sản, 14% vào vàng, và chỉ 7% vào cổ phiếu. Trong khi đó, tại Singapore và Trung Quốc – hai thị trường châu Á có nền tảng tài chính phát triển hơn – tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục đầu tư cá nhân lần lượt đạt 32% và 27%, còn bất động sản chỉ chiếm khoảng 15–20%. Như vậy, con số kỳ vọng cho tỷ trọng cổ phiếu ở các thị trường cận biên/mới nổi như Việt Nam có thể phải ở mức 15–20% – tức là gấp đôi so với hiện tại.
Sự chênh lệch này phản ánh phần nào mức độ phổ cập đầu tư còn hạn chế và niềm tin chưa thật sự vững chắc của nhà đầu tư Việt với thị trường vốn. Một nguyên nhân sâu xa nữa đến từ độ trưởng thành của thị trường chứng khoán trong nước – mới chỉ hình thành từ năm 2000, tức chưa đầy 25 năm, trong khi Hong Kong bắt đầu từ 1891, Singapore từ 1973 và Trung Quốc từ 1990. Chính vì vậy, mức độ phát triển thị trường, quy mô doanh nghiệp niêm yết và hệ sinh thái hỗ trợ đầu tư của nước ta vẫn còn đang trong quá trình hoàn thiện.
Hướng về tương lai, chúng ta có thể thấy tầng lớp trung lưu đang mở rộng với tốc độ nhanh chóng – đặc biệt trong bối cảnh các chính sách mới đang tạo điều kiện thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế khu vực tư nhân. Khi thế hệ kế cận sở hữu tư duy cởi mở và khả năng tiếp cận công nghệ tốt hơn, nhu cầu quản lý tài sản sẽ ngày càng rõ nét, và cấu trúc danh mục đầu tư của nhà đầu tư Việt Nam cũng sẽ dần tiệm cận các chuẩn mực toàn cầu.
Chỉ 4% nhà đầu tư trong khảo sát của TVAM từng sử dụng dịch vụ quản lý tài sản – một tỷ lệ còn rất khiêm tốn. Theo ông, những rào cản chính nào đang cản trở sự phát triển của dịch vụ này, và đâu là hướng đi để xây dựng niềm tin, đặc biệt trong bối cảnh số hóa ngày càng phổ biến?
Theo tôi, có ba rào cản chính đang hạn chế sự phát triển của dịch vụ quản lý tài sản tại Việt Nam:
Thứ nhất, là thói quen tự đầu tư, vốn đã hình thành từ sớm và được duy trì qua nhiều thế hệ, khiến nhiều người vẫn quen tự quyết định các vấn đề tài chính cá nhân mà không có sự hỗ trợ từ chuyên gia.
Thứ hai, là nhận thức chưa đầy đủ về vai trò và giá trị của dịch vụ quản lý tài sản – không ít người vẫn cho rằng đây là dịch vụ chỉ dành cho nhóm khách hàng có tài sản lớn, trong khi thực tế, bất kỳ ai cũng có thể bắt đầu tích lũy và xây dựng chiến lược tài chính bài bản nếu được hướng dẫn đúng cách.
Thứ ba, là sự thiếu hụt của các đơn vị tư vấn chuyên biệt, thực sự đặt lợi ích khách hàng làm trọng tâm. Nhiều sản phẩm hiện nay vẫn được thiết kế theo định hướng thương mại, chưa đủ linh hoạt hoặc chưa cá nhân hóa theo từng mục tiêu tài chính cụ thể.
Điều đáng chú ý hơn, khảo sát ghi nhận chỉ 4% nhà đầu tư đã từng sử dụng dịch vụ quản lý tài sản, trong khi có tới 77% gặp khó khăn khi tự đầu tư, phản ánh nhu cầu tiềm ẩn rất lớn về quản lý tài sản nhưng chưa được đáp ứng đúng cách.
Nhìn một cách tích cực, với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là AI và các nền tảng số, dịch vụ quản lý tài sản cá nhân sẽ ngày càng trở nên dễ tiếp cận hơn. Tương tự như chăm sóc sức khỏe, tài chính cá nhân cũng cần được quản lý một cách chủ động, bài bản và phù hợp với từng giai đoạn cuộc sống. Khi dịch vụ đủ minh bạch, linh hoạt và cá nhân hóa, thị trường Việt Nam hoàn toàn có thể chứng kiến sự bứt phá trong giai đoạn tới.
Trong bối cảnh hành vi đầu tư ngày càng phức tạp và nhu cầu tư vấn ngày càng tăng, ông đánh giá vai trò của một đơn vị tư vấn trung lập như TVAM ra sao trong hành trình quản lý tài sản của nhà đầu tư Việt?
TVAM xác định vai trò là một tổ chức tư vấn tài chính trung lập, đồng hành dài hạn và luôn đặt lợi ích của khách hàng ở vị trí trung tâm. Mô hình tính phí theo hiệu suất là cam kết rõ ràng cho định hướng này: chúng tôi chỉ thu phí khi danh mục đầu tư của khách hàng đạt lợi nhuận tối thiểu vượt lãi suất tiết kiệm hàng năm. Trong trường hợp danh mục chưa đạt mức lợi nhuận kỳ vọng, khách hàng sẽ không phải trả phí. Ngược lại, TVAM vẫn tiếp tục đồng hành trong các năm tiếp theo để giúp khách hàng có lợi nhuận thực (bao gồm cả chi phí cơ hội của các năm chưa có lãi). Đây là nền tảng để xây dựng niềm tin dài hạn, đồng thời thể hiện cam kết rõ ràng của chúng tôi trong việc giúp khách hàng xây dựng một nền tảng tài chính ổn định và bền vững.
![]() |
Trong quản lý tài sản, thông tin chỉ là điều kiện cần – điều quan trọng hơn cả là kỷ luật và khả năng kiểm soát cảm xúc. Một nhà quản lý tài sản thành công không chỉ đưa ra các ý tưởng đầu tư hiệu quả, mà còn là người đồng hành và giúp khách hàng giữ vững định hướng khi thị trường bước vào những giai đoạn biến động nhất.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!