spot_img
27.7 C
Hanoi
spot_img
Trang chủQuốc TếBYD lộ dấu hiệu đuối sức, bị Geely và Xiaomi vượt mặt

BYD lộ dấu hiệu đuối sức, bị Geely và Xiaomi vượt mặt

Trong bối cảnh chính quyền Bắc Kinh siết chặt kiểm soát cuộc chiến giảm giá và thị trường nước ngoài ngày càng khó đoán, mục tiêu bán 5,5 triệu xe trong năm 2025 của BYD đang trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Vị thế dẫn đầu không còn dễ dàng đối với hãng xe lớn nhất Trung Quốc. BYD đang đối mặt với loạt thách thức mới, cả trong và ngoài nước.

Doanh số hàng tháng của hãng xe này gần đây có dấu hiệu chững lại, và với mùa hè vốn là thời điểm mua sắm chậm, xu hướng này khó có khả năng sớm đảo ngược. Trong khi đó, các chương trình giảm giá – vốn từng là vũ khí cạnh tranh quan trọng – đang bị chính quyền Bắc Kinh soi xét kỹ lưỡng hơn.

Tuần trước, Trung Quốc cam kết sẽ kiểm soát tình trạng “cạnh tranh phi lý” trong ngành xe điện, phản ánh lo ngại của chính quyền về cuộc chiến giá cả đang đè nặng lên tăng trưởng kinh tế và công nghiệp.

Một số chiến lược mở rộng ra nước ngoài của BYD cũng đang gặp trở ngại, làm dấy lên câu hỏi: Liệu nhà sản xuất ô tô số 1 Trung Quốc có đang bước vào giai đoạn bất ổn?

BYD lộ dấu hiệu đuối sức, bị Geely và Xiaomi vượt mặt - ảnh 1
Cơ quan quản lý đang gia tăng giám sát chặt chẽ BYD khi hãng này tiếp tục dẫn đầu cuộc chiến giá xe điện. Ảnh: Qilai Shen

Doanh số không đạt kỳ vọng?

Tập đoàn có trụ sở tại Thâm Quyến hiện đối mặt nguy cơ không đạt được mục tiêu doanh số năm 2025 – điều hiếm thấy sau nhiều năm tăng trưởng bùng nổ. Để đạt chỉ tiêu, từ nay đến cuối năm, BYD phải bán trung bình 560.000 xe điện và hybrid mỗi tháng – vượt xa mức doanh số cao nhất từ trước đến nay là gần 515.000 xe, đạt được vào tháng 12 năm ngoái.

Nhiều nhà phân tích giờ đây nghi ngờ khả năng BYD cán mốc 5,5 triệu xe trong năm 2025. Các dự báo đồng thuận đang dần bị điều chỉnh giảm. Đầu tháng này, Deutsche Bank hạ kỳ vọng xuống còn 5 triệu xe, trong đó có 4 triệu xe tiêu thụ trong nước và 1 triệu xuất khẩu. Morgan Stanley cũng hạ dự báo xuống 5,3 triệu, do số lượng mẫu xe mới ít hơn.

Theo chuyên gia Joanne Chen, BYD sẽ buộc phải chấp nhận hy sinh lợi nhuận và tiếp tục duy trì mức chiết khấu sâu nếu muốn giữ đà tăng trưởng.

Bà nhận định: “Việc cơ quan quản lý giám sát sẽ hạn chế việc hạ giá trực tiếp, nhưng cạnh tranh không biến mất, và các chương trình khuyến mãi vẫn cần thiết để duy trì lực cầu. Những mẫu xe mới và nâng cấp công nghệ ổn định cũng là yếu tố then chốt”.

Bà Bing Yuan, quản lý quỹ tại Edmond de Rothschild Asset Management, cho biết giới quan sát hiện kỳ vọng thực tế doanh số BYD sẽ ở mức khoảng 5 triệu xe.

BYD lộ dấu hiệu đuối sức, bị Geely và Xiaomi vượt mặt - ảnh 2
BYD có thể không đạt mục tiêu doanh số hàng năm. Nguồn: Yahoo

Thị trường nội địa lung lay

Nếu loại trừ doanh số xe thương mại và xuất khẩu, lượng xe giao cho khách hàng tại Trung Quốc của BYD đang giảm. Riêng trong tháng 6, doanh số nội địa giảm 8% so với cùng kỳ, khi các thương hiệu như Geely, Xpeng và Xiaomi thu hút người tiêu dùng nhiều hơn.

Dữ liệu của HSBC cho thấy, Geely là hãng giành được nhiều thị phần nhất trong nửa đầu năm, còn BYD nằm trong nhóm mất thị phần lớn nhất.

Mặt khác, doanh số quốc tế lại khả quan hơn, với triển vọng đạt được mục tiêu 800.000 xe. BYD hiện đã hoàn thành gần 60% mục tiêu này. Tuy nhiên, dù các thị trường nước ngoài có biên lợi nhuận cao hơn sẽ giúp BYD bù đắp cho việc giảm giá trong nước, một số thị trường lại đang lộ rõ khó khăn.

Tại Saudi Arabia, BYD kỳ vọng mở rộng quy mô gấp ba lần sau khi Tesla gia nhập thị trường. Nhưng ô tô điện chỉ chiếm hơn 1% tổng doanh số tại quốc gia này, trong bối cảnh giá cao, cơ sở hạ tầng sạc còn hạn chế và khí hậu khắc nghiệt cản trở người tiêu dùng.

BYD lộ dấu hiệu đuối sức, bị Geely và Xiaomi vượt mặt - ảnh 3
Gã khổng lồ xe điện cần bán được 560.000 xe điện và xe hybrid mỗi tháng để duy trì đà tăng trưởng. Nguồn: Yahoo

Ở Ấn Độ – một thị trường tiềm năng khổng lồ – các nỗ lực thâm nhập của BYD liên tục vấp phải rào cản. Thêm vào đó, hãng còn phải đối mặt với hàng rào thuế quan ở khu vực châu Âu và sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất lâu đời vốn có mạng lưới hậu mãi rộng lớn lẫn niềm tin của người tiêu dùng.

Trong nước, áp lực pháp lý cũng gia tăng khi BYD tiếp tục dẫn đầu cuộc chiến giảm giá. Cuối tháng 5, hãng mạnh tay hạ giá xe tới 34%, kéo theo làn sóng giảm giá mới trong toàn ngành. Động thái này sau đó bị chỉ trích là sự “cạnh tranh kiểu bầy đàn”.

Liệu Bắc Kinh có thể thực sự chặn đứng làn sóng giảm giá của một doanh nghiệp tư nhân là câu hỏi vẫn bỏ ngỏ.

Ông Tianlei Huang – điều phối viên chương trình Trung Quốc tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson – cho rằng giới chức có thể sử dụng các công cụ hành chính như rà soát giá, điều tra chi phí để thiết lập mức giá sàn trên thực tế, hoặc tìm cách phối hợp giảm công suất giữa các hãng xe lớn. Nhưng ông thừa nhận đây là nhiệm vụ không dễ dàng.

Khi BYD chuẩn bị công bố báo cáo tài chính nửa đầu năm, cùng với dữ liệu doanh số tháng 7 trong vài tuần tới, giới phân tích sẽ theo sát từng con số – và đánh giá liệu mục tiêu năm 2025 có đang dần xa tầm với.

Theo The Business Times

spot_img

Mới cập nhật

Nổi bật