Ngày 23/7, UBND TP Huế tổ chức lễ công bố quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô đến năm 2045, với nhiều thay đổi lớn về đường cao tốc và đường sắt tốc độ cao.
Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô có diện tích hơn 26.347ha, sở hữu cảng nước sâu Chân Mây. Khu kinh tế này thành lập từ năm 2006, sau nhiều năm hoạt động, quy hoạch cũ đã bộc lộ bất cập, ảnh hưởng đến đời sống người dân và thu hút đầu tư.
Trước thực tế đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, nhằm đưa Chân Mây – Lăng Cô trở thành trung tâm kinh tế động lực phía nam TP Huế trong giai đoạn đến 2045.
Quy hoạch mới tập trung phát triển hạ tầng kỹ thuật – xã hội hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, thúc đẩy kinh tế xanh.
Theo quy hoạch mới, các tuyến giao thông chiến lược như cao tốc La Sơn – Chân Mây, đường ven biển cầu Tư Hiền, các tuyến kết nối đường sắt tốc độ cao và trung tâm logistics sẽ được triển khai.
Cảng Chân Mây sẽ mở rộng thêm các bến container, hàng rời, tàu khách quốc tế. Hạ tầng điện, nước, thoát nước, xử lý chất thải được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường.
Bên cạnh đó, quy hoạch ưu tiên phát triển các khu đô thị mới, nhà ở xã hội, trường học, bệnh viện và công trình văn hóa – thể thao phục vụ người dân và người lao động nhập cư.
Phó chủ tịch UBND TP Huế, ông Hoàng Hải Minh khẳng định, điều chỉnh quy hoạch lần này là bước đột phá để Chân Mây – Lăng Cô trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, xanh, bền vững của miền Trung. Ông cũng yêu cầu các sở, ngành và địa phương liên quan khẩn trương lập quy hoạch phân khu, phát triển hạ tầng đồng bộ, đảm bảo hiệu quả đầu tư và quản lý chặt chẽ đất đai, xây dựng.
Cảng Chân Mây nổi tiếng là cảng biển tổng hợp đầu mối loại 1 Việt Nam và cũng là điểm kinh tế quan trọng đóng góp vào sự phát triển của tỉnh nhà. Hiện nay, cảng Chân Mây là một trong những đầu nối trung chuyển hàng hóa quan trọng không thể thiếu trong khu vực.
Cảng Chân Mây hiện là cảng biển lớn nhất TP. Huế, có cửa ngõ hướng ra biển Đông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, đây là nơi kết nối miền Trung Việt Nam với Trung Hạ Lào, Myanmar và Đông Bắc Thái Lan.
Bên cạnh đó, cảng Chân Mây cũng là cảng chính giữa con đường biển kết nối Philippines, Singapore và Hong Kong, nằm giữa hai đô thị lớn nhất miền Trung là Đà Nẵng và Huế.